menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam - An-giê-ri: Tăng cường thương mại, du lịch và lao động

15:35 27/10/2016

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và lao động giữa hai nước là mục tiêu chính mà Hội thảo hướng tới.

Ngày 25/10/2016 tại thủ đô Alger, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp thủ đô Alger tổ chức Hội thảo giới thiệu tiềm năng kinh tế, thương mại Việt Nam-An-giê-ri với sự tham dự của hơn 120 đại biểu gồm đại diện các cơ quan, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp của ba tỉnh thành Algeria, Vụ trưởng Vụ hợp tác song phương của Bộ Thương mại, đại diện Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Hội hữu nghị An-giê-ri - Việt Nam, đại diện Đại sứ quán của Mali, Niger, Senegal (là những nước Đại sứ quán Việt Nam kiêm nhiệm), các cơ quan báo chí và khoảng 70 doanh nghiệp nước sở tại trong các lĩnh vực nông sản,thủy sản, hàng công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, ôtô, vận tải,bảo hiểm xuất khẩu... Về phía Việt Nam có Đại sứ Phạm Quốc Trụ, Tham tán Thương mại, đại diện Thông tấn xã và một số doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại An-giê-ri.

Mục tiêu của Hội thảo là thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và lao động giữa hai nước.Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang An-giê-ri đã đạt 205.374.870 USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Châu Phi sau Nam Phi, Ghana và Ai Cập. Về nhập khẩu của Việt Nam từ An-giê-ri, kim ngạch chỉ đạt 1.608.750 USD. Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần như tuyệt đối sang An-giê-ri.

Về đầu tư, Liên doanh dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại An-giê-ri sau khi đi vào khai thác từ tháng 8/2015 vẫn hoạt động tốt, sản lượng đang khai thác khoảng 18.000 thùng/ngày. Đây được xem là một biểu tượng thành công về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư.

Về hợp tác lao động, hiện nay, Việt Nam có khoảng 3000 lao động đang làm việc chủ yếu cho các nhà thầu xây dựng của bên thứ ba như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng tại An-giê-ri.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại An-giê-ri Phạm Quốc Trụ đã giới thiệu khái quát những thành tựu của Việt Nam trong 30 năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời khẳng định chính sách của Việt Nam là luôn mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với các nước châu Phi trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.

Đại sứ nhấn mạnh triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất khả quan. Hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đã trở nên quen thuộc tại thị trường quốc gia Bắc Phi này và các sản phẩm của An-giê-ri cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đại sứ Phạm Quốc Trụ cũng bày tỏ tin tưởng rằng cuộc Hội thảo này là cơ hội để hai bên trao đổi thông tin nhằm hiểu rõ hơn thị trường hai nước, qua đó giúp phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế song phương, đồng thời khẳng định sẽ làm hết sức mình để giúp các doanh nghiệp An-giê-ri trao đổi kinh tế và thương mại với các đối tác Việt Nam trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng thắng.

Để cộng đồng doanh nghiệp An-giê-ri hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, Tham tán Thương mại Việt Nam đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tình hình quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua và phương hướng phát triển trong thời gian tới.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp An-giê-ri, ông Hadef Abderrahmane cho rằng hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp An-giê-ri hiểu biết rõ hơn thị trường Việt Nam, qua đó góp phần phát triển và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Abderrahmane cũng nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế này chưa xứng tầm với mối quan hệ chính trị và văn hóa tốt đẹp vốn có giữa hai nước.

Ông Abderrahmane cũng đã giới thiệu khái quát những cải cách kinh tế của An-giê-ri với ưu tiên đa dạng hóa kinh tế nhằm tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. An-giê-ri đang đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế phi dầu mỏ như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, du lịch, công nghệ thông tin, truyền thông và năng lượng tái tạo.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam đã giới thiệu các địa chỉ hữu ích và phát tài liệu, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của 20 ngành hàng Việt Nam cho các đại biểu tham dự, trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về quy định XNK, những cơ hội và tập quán kinh doanh với Việt Nam...

Tại Hội thảo, doanh nghiệp hai bên đã nêu những khó khăn thường gặp phải là:

Khoảng cách địa lý xa xôi: Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang An-giê-ri bằng đường biển thường mất từ 1 tháng đến 1,5 tháng, dẫn đến chi phí vận tải cao. Ngoài ra việc thiếu các tuyến đường hàng không trực tiếp dẫn đến giá vé máy bay đi An-giê-ri cũng cao và thời gian kéo dài.

Rào cản về ngôn ngữ: Phần lớn các doanh nghiệp An-giê-ri sử dụng tiếng Pháp trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nói tiếng Anh, gây khó khăn trong việc giao dịch.

Thuế nhập khẩu cao: An-giê-ri chưa phải là thành viên WTO nên thuế nhập khẩu cao trung bình trên 30%, thuế VAT cao nhất là 17%. Chưa kể trước tình hình giá trị xuất khẩu dầu lửa của nước này bị sụt giảm do giảm giá dầu thế giới, dẫn tới nguồn thu ngoại tệ không đủ, nước này sử dụng các biện pháp hạn ngạch, quota, giấy phép nhập khẩu, tăng thuế... để hạn chế nhập khẩu

Về khâu thanh toán,cũng giống như tại nhiều quốc gia châu Phi khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam và Algeria chưa thiết lập quan hệ đại lý nên doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán XNK qua trung gian tại Mỹ hoặc châu Âu nên thời gian kéo dài, chi phí tăng.

 Về đầu tư vào An-giê-ri: Nước này vẫn áp dụng hình thức liên doanh, liên kết đối với FDI, quy định tỷ lệ góp vốn là 51%/49% trong đó phía An-giê-ri nắm đa số nên chưa có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường này.

Các đại biểu nhất trí kiến nghị Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên thuận lợi hơn trong kinh doanh, đầu tư như đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi song phương, thúc đẩy ký kết Hiệp định công nhận kiểm tra vệ sinh an toàn động thực vật,ký Hiệp định hợp tác ngân hàng, đề nghị phía An-giê-ri sớm phê chuẩn Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - An-giê-ri.

Việc tham gia đông đảo của doanh nghiệp An-giê-ri tại Hội thảo cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường Việt Nam. Về xuất khẩu, doanh nghiệp An-giê-ri mong muốn tìm kiếm những đối tác nhập khẩu uy tín, nhất là những khách hàng Việt Nam nhập khẩu nông sản của An-giê-ri như chà là, dầu ô liu, thịt cừu. Về nhập khẩu, doanh nghiệp An-giê-ri muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nông sảnnhư cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo và các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam như máy bơm, giày dép, hàng dệt may. Đặc biệt phía bạn mong muốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam mở nhà máy tái chế nhựa, sản xuất năng lượng tái tạo, liên doanh xe ô tô tại An-giê-ri để cung cấp cho thị trường sở tại cũng như xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Một số hãng tàu biển, bảo hiểm xuất nhập khẩu của An-giê-ri và quốc tế có trụ sở tại An-giê-ri cũng đến dự Hội thảo để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Nhân dịp tham dự Hội thảo lần này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Djelfa thông báo sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam vào cuối tháng 11/2016 và sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương