menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu làm vật liệu nổ công nghiệp

14:32 28/08/2015

Vinanet - Từ cuối năm 2014 trở về trước, Việt Nam phải nhập khẩu 98% nguyên liệu cho sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, trong đó, chủ yếu nhập khẩu Amoni Nitorat. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất được tiền chất này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015 với công suất vượt cầu.

Sáng ngày 28/8, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất nổ giai đoạn 2009 - 2014.

Sản xuất vượt nhu cầu một tiền chất thuốc nổ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng thuốc nổ và phụ kiện nổ sản xuất từ năm 2009 đạt 114.153 tấn. Sản lượng này tăng dần theo từng năm và đến năm 2014 đạt 137.510 tấn, tăng khoảng 20% sau sáu năm. Bình quân sản lượng cung ứng vật liệu nổ công nghiệp trong 6 năm tăng 4,1%, trong đó ngành than chiếm tỷ trọng khoảng 60%.

 

Về kinh doanh chất nổ, ngoài hai doanh nghiệp Micco và Gaet cung ứng khoảng 80% nhu cầu cho sản xuất, còn lại có tám doanh nghiệp không phải vốn Nhà nước cũng được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh.

Hiện, Việt Nam chỉ còn phải nhập khẩu một số thuốc nổ nguyên liệu để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và một số phủ kiện theo yêu cầu của nhà thầu nước ngoài và phục vụ khai thác dầu khí.

Tính chung từ cuối năm 2014 trở về trước, Việt Nam phải nhập khẩu đến 98% nguyên liệu cho sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tương đương 130.000 tấn/năm. Trong đó, riêng Amoni Nitrat khoảng 110.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu năm 2015, nhà máy sản xuất Amoni Nitrat của Micco công suất thiết kế 200.000 tấn/năm tại Thái Bình đã vận hành và đáp ứng được nhu cầu trong nước. 

Sáu loại tiền chất thuốc nổ còn lại gồm Nitro metan, Natri nitrat, Kali nitrat, Natri clorat, Kali clorat, Kali perclorat và một số chất nhũ hóa, sáp phức hợp vẫn phải nhập khẩu 100%.

Giá thành sản xuất tiền chất thuốc nổ trong nước vẫn cao

Tại hội nghị, ông Cao Anh Dũng - Phó cục trưởng Cục an toàn và môi trường công nghiệp đánh giá việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc nổ thời gian qua giữ vững sự ổn định và có sự phát triển.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, giá thành sản xuất Amoni Nitorat nguyên liệu trong nước (nhà máy sản xuất mới đi vào hoạt động ở Thái Bình) vẫn cao so với khu vực và thế giới. Đặc biệt trong bối cạnh Việt Nam mở cửa thị trường thì giá thành cao, cùng với việc sản xuất vượt quá cầu trong nước sẽ là một trở ngại.

Trong khi đó, các tiền chất nổ khác chưa sản xuất được trong nước và vẫn đang phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng cho sản xuất công nghiệp.

Một trong những tồn tại ông Dũng kể đến là công nghệ sản xuất thuốc nổ hiện chỉ đạt được trình độ trrung bình. Các sản phẩm tương đối đơn giản,  độ ổn định dưới 1% là thấp.

Hơn nữa, dịch vụ nổ mìn mới chỉ đạt được triển khai ở những vùng tập trung nhiều đơn vị khai khác, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lớn. Nhiều đơn vị khi sử dụng vật liệu nổ chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến tai nạn, sự cố. 

Huyền Thương