Đúng vào dịp này cách đây 6 năm, ngày 11/7/2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chương trình làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương trong lĩnh vực Công Thương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng cùng phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Đó là một buổi làm việc thật đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên, tập thể lãnh đạo Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ vinh dự được đón nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước đến làm việc tại trụ sở Bộ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển của một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đặc biệt còn là bởi buổi làm việc đã mang đến những tình cảm thân thiết, sự động viên to lớn của Tổng Bí thư với ngành Công Thương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn thời gian buổi sáng nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo tổng quan về các hoạt động của Ngành Công Thương cùng một số báo cáo chuyên đề. Trong thời gian nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo, Tổng Bí thư đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng lãnh đạo các ban, ngành Trung ương dự buổi làm việc với tinh thần đối thoại - làm việc hết sức hiệu quả.
Sau khi nghe các báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ Công Thương nắm thật vững những đường lối, quan điểm, chủ trương có tính chiến lược của Đảng về lĩnh vực Công Thương.
Xây dựng ngành Công Thương vững mạnh, phát triển xứng đáng với mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 11/7/2018.
Theo Tổng Bí thư, đây không phải là vấn đề xa vời, trừu tượng, mà là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi thật sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, để không chuệch choạc về đường lối, không bị động, bất ngờ về tình huống, vững vàng về tư tưởng, phải lường trước và dự báo được tình hình trong nước và thế giới để chủ động tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Nêu yêu cầu phải nắm chắc, xử lý tốt các mối quan hệ lớn như giữa hội nhập quốc tế với độc lập tự chủ, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, quan hệ giữa ổn định và phát triển…, Tổng Bí thư chỉ rõ, đối với ngành Công Thương, đây là những vấn đề cơ bản, tác động trực tiếp hàng ngày, Bộ cần phải tập trung nghiên cứu để làm tốt.
Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Công Thương quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa.
Một vấn đề được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh tại buổi làm việc là cần làm tốt công tác xây dựng đảng với việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, xây dựng cơ chế trong sạch, vững mạnh, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Bố trí con người tốt, bộ máy gọn ghẽ thì công việc sẽ thông. Xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng con người là then chốt của then chốt.
Bằng giọng nói vui vẻ, Tổng Bí thư kết thúc buổi làm việc và khẳng định, với niềm tin và khí thế như hiện nay, với bộ máy chúng ta làm tốt như thế này, Bộ Công Thương sẽ tăng trưởng tốt, vươn lên làm mạnh mẽ xứng đáng là Bộ chiếm hai (công nghiệp, thương mại) trong bốn trụ cột của đất nước, cả đối nội, đối ngoại. Tổng Bí thư cũng đã ân cần gửi lời hỏi thăm và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến tập thể cán bộ, người lao động ngành Công Thương và chúc ngành Công Thương luôn vững vàng, phát triển và xứng đáng là Công Thương của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể nói những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công Thương cũng là những vấn đề cơ bản của đường lối xây dựng phát triển kinh tế của đất nước cả trong thời gian tới. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của đất nước được bảo đảm, ổn định, cân đối vĩ mô được giữ vững, hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế của đất nước ngày càng sâu rộng và đạt nhiều thành tựu, những nội dung đó cần tiếp tục được quán triệt sâu sắc và đi sâu thực hiện.
Điều này còn được thể hiện rõ trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong tác phẩm mang tính lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng này, Tổng Bí thư chỉ rõ, “một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”.
“Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, “đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng kinh tế trên cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hoạch định mục tiêu, tầm nhìn, phương hướng, giải pháp nhằm tạo sự phát triển mạnh mẽ, đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, thực hiện ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.
Với vị trí của mình, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Công Thương đã chủ động tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Chú trọng sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, lãnh đạo; phân công điều động cán bộ đủ năng lực vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt; tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng về công tác cán bộ; quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ngành Công Thương đã liên tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về các cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương nói riêng và đất nước nói chung. Trong đó có thể kể đến Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, xây dựng và hoàn thiện các dự án luật quan trọng như Luật Dầu khí; Luật Điện lực; đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm...; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, năng lượng, hội nhập kinh tế quốc tế...
Một thành tựu có ý nghĩa chiến lược sâu sắc của ngành Công Thương góp phần mở ra các không gian phát triển mới mang tính đồng bộ của đất nước trong những năm tới là toàn ngành đã nỗ lực đến mức cao nhất để hoàn thiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia: Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Lần đầu tiên cả nước có những quy hoạch các ngành kinh tế mang ý nghĩa xương sống cho phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Trong thành tựu chung của đất nước, ngành Công Thương luôn tự hào có những đóng góp xứng đáng. Nhưng toàn ngành Công Thương vẫn đinh ninh lời dặn dò cùng tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc ngày 11/7/2018, “chúng ta vui mừng, phấn khởi, tự hào để tiếp sức cho giai đoạn kế tiếp nhưng không chủ quan, phải giữ cho được cái thế như vậy bởi trước mắt còn không ít khó khăn, còn nhiều điều trăn trở, chưa làm được. Tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn vì trước mắt khó khăn còn nhiều, sơ suất sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”.
Đinh ninh lời chỉ đạo đó để tiếp tục nỗ lực vượt qua, vượt lên khó khăn, để vươn tới những đỉnh cao phát triển mới của đất nước, của Ngành Công Thương.
Đó là định hướng lớn, là sự khẳng định trách nhiệm của ngành Công Thương với đất nước. Cũng là để xứng đáng hơn nữa với niềm tìn, kỳ vọng của Đảng, của đất nước, của Nhân dân.
Nguồn:congthuong.vn