menu search
Đóng menu
Đóng

Cuộc chạy đua sôi động cho top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam

11:37 05/07/2022

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy đã giảm 16% so với mức đỉnh, nhưng chỉ số hàng hóa MXV-Index vẫn ghi nhận mức tăng gần 15% so với thời điểm cuối năm 2021.
Top 5 thị phần môi giới hàng hóa đang là cuộc chạy đua sôi động
Theo số liệu từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Quốc tế (MXL) đang là Thành viên thị trường có thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm, chiếm 26% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi bám sát ở vị trí thứ 2, chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch. Đứng thứ 3 là Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) với 20% thị phần. Công ty Cổ phần Saigon Futures và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) lần lượt xếp ở vị trí kế tiếp với 6,5% và 6% thị phần môi giới trên cả nước.
Kể từ đầu năm tới nay, top 5 thị phần môi giới hàng hóa vẫn thuộc về 5 cái tên quen thuộc với vị thế khá vững vàng. Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các Thành viên thị trường khác. Bám sát top 5, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa VMEX và Công ty TNHH Giao Dịch Hàng Hóa MEX-DN Đà Nẵng lần lượt nắm giữ 3,7% và 2,2% thị phần môi giới. Các Thành viên thị trường khác cũng đã ghi nhận những bước phát triển đáng khích lệ, sẵn sàng cạnh tranh vào top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư truyền thông đang có dấu hiệu chững lại. “Giao dịch T0, cả hai chiều mua và bán, liên thông trực tiếp với thế giới 24 giờ mỗi ngày, cùng các sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều quy mô vốn khác nhau đang là ưu điểm vượt trội của thị trường giao dịch hàng hóa”, ông Quang cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, MXV đã cấp phép thêm 4 thành viên kinh doanh, nâng số lượng thành viên thị trường lên 33 thành viên kinh doanh và 4 thành viên môi giới. Với các chi nhánh, văn phòng khắp các tỉnh thành trên cả nước, sự phát triển thành viên thị trường đang là nền tảng vững chắc, giúp hoạt động giao dịch hàng hóa ngày càng phổ biến đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.
Dầu thô WTI micro vẫn được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam
Tuy mới chỉ được MXV triển khai giao dịch kể từ tháng 11/2021, sản phẩm Dầu WTI micro liên thông với sở NYMEX đã thu hút dòng tiền đầu tư rất lớn của thị trường giao dịch hàng hóa trong nước. Trong 4 tháng liên tiếp, sản phẩm này luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong số các sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại MXV. Tính chung 6 tháng đầu năm, gần 70.000 hợp đồng Dầu thô WTI micro đã được giao dịch, chiếm 17% tỉ trọng giao dịch hàng hóa trên cả nước. Sản phẩm Dầu thô WTI tiêu chuẩn đứng thứ 2, chiếm 12,2%. Các vị trí tiếp theo đều là các hợp đồng tiêu chuẩn thuộc nhóm nông sản đang liên thông với sở Chicago bao gồm: Lúa mì Chicago (chiếm 7,5%), Ngô (chiếm 7,4%), Khô đậu tương (chiếm 6,8%) và Dầu đậu tương (chiếm 6,5%).
Theo ông Dương Đức Quang, số liệu này cho thấy mặc dù dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm năng lượng do những biến động lịch sử của giá dầu thô trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, nhưng nhóm nông sản vẫn có tỉ trọng giao dịch rất lớn. Đây là nhóm sản phẩm đã được MXV niêm yết giao dịch từ những ngày đầu được Bộ Công Thương cho phép liên thông với thị trường thế giới, có sự gần gũi với thị trường Việt Nam, nên rất được các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm.

Trong năm 2022, thị trường giao dịch hàng hóa vẫn có xu hướng tập trung dòng tiền vào các nhóm mặt hàng có giá tăng trưởng tốt. Trong đó, nhóm năng lượng và nông sản tiếp tục duy trì được các mức tăng lớn kể từ đầu năm, thể hiện qua chỉ số MXV-Index Năng lượng đã tăng 47,8% và chỉ số MXV-Index Nông sản tăng 15,1% so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, do tính chất giao dịch hai chiều, các nhóm mặt hàng giảm giá cũng vẫn nhận được dòng tiền đầu tư đáng kể. Cụ thể, chỉ số MXV-Index Kim loại giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm, nhưng khối lượng giao dịch của nhóm này vẫn tăng trưởng so với năm ngoái, do các nhà đầu tư tập trung mở vị thế bán trên các thị trường này.
MXV triển khai giao dịch 4 sản phẩm mới trong nhóm kim loại
Với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV luôn ghi nhận và tiếp thu những ý kiến từ các thành viên thị trường về nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Kết hợp với việc cập nhật xu hướng đầu tư hàng hóa trên thế giới, MXV đã liên tục bổ sung các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Theo quyết định Số 464/QĐ/TGĐ-MXV, kể từ ngày 05/07/2022, MXV sẽ niêm yết giao dịch thêm 4 sản phẩm trong nhóm kim loại, đều liên thông với Sở Giao dịch COMEX bao gồm: Bạc mini, Đồng Mini, Bạc Micro và Đồng Micro. Điều này sẽ góp phần loại bỏ rào cản về quy mô vốn đầu tư khi thực hiện giao dịch các mặt hàng trong nhóm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đồng (COMEX) là mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn nhất trong nhóm kim loại, chiếm 5,6% tỉ trọng giao dịch hàng hóa tại MXV. So với mức ký quỹ ban đầu lên tới 6.050 USD/hợp đồng của Đồng (COMEX), hợp đồng Đồng micro chỉ có mức ký quỹ ban đầu 605 USD/hợp đồng. Nghĩa là với chưa đầy 15 triệu đồng, các nhà đầu tư đã có thể giao dịch mặt hàng hấp dẫn nhất trong nhóm này. Bên cạnh đó, Bạc micro với mức ký quỹ ban đầu chỉ 1.870 USD/hợp đồng cũng sẽ là tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian tới.
Với sự tăng trưởng đột phá của sản phẩm Dầu thô WTI micro, việc giao dịch các hợp đồng có độ lớn nhỏ, mức ký quỹ vừa phải đang trở thành xu hướng giao dịch hàng hóa không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế với. Đây là các hợp đồng phù hợp với quy mô đầu tư nhỏ, tính an toàn rất cao do độ lớn chỉ bằng 10 – 20% so với hợp đồng tiêu chuẩn; trong khi vẫn có được tất cả các ưu điểm của kênh giao dịch hàng hóa phái sinh.
Hồng Hạnh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc