menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Việt: nắm vững quy định để nâng cao sức cạnh tranh khi xuất khẩu sang EU

09:24 19/05/2016

Việc nắm vững và đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với nhà xuất khẩu đến từ các nước khác.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương,  EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội mà FTA Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại và tăng cường xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm vững thông tin hội nhập để có thể phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện như định hướng thị trường, đối tác và đổi mới phương thức sản xuất.

Bà Nesti Almufti, chuyên gia chính sách thương mại thuộc Cục Thương mại quốc gia Thụy Điển, cho biết, EU là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới nên Việt Nam cũng có nhiều khả năng tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Chuyên gia này nhận định, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam, vốn đang sử dụng nhiều lao động và tài nguyên, vẫn có khả năng cạnh tranh cao ở EU. Song điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hàng hoá Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trên thị trường thế giới.

Theo bà Almufti, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng, cần nhìn nhận từ góc độ phía cầu, tức là góc độ sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như phân khúc thị trường hay dân số.

“Tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng với những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh.”

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nâng cao khả năng thích ứng với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác của các thị trường EU. Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Almufti cho biết thêm.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để có thể tận dụng hiệu quả các lợi ích mà EVFTA này mang lại.

Đồng thời, Bộ cũng đã thành lập tổ công tác thực thi EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổ công tác này có nhiệm vụ tìm ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa hiệp định, giảm thiểu tác động tiêu cực cho doanh nghiệp.

EU hiện tại là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam đồng thời cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 30,9 tỷ USD trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU bao gồm giầy dép, dệt may, cà phê, thủy sản và đồ gỗ. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ EU máy móc, thiết bị, máy bay và dược phẩm.

EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2015, tăng 6 bậc so với một năm trước đó.

Nguồn: vietrade.gov.vn

Nguồn:vietrade.gov.vn