Cuối tháng 6 vừa qua, thông qua Hội chợ Summer Fancy Food Show (New York, Mỹ), Vinamilk đã giới thiệu hai sản phẩm: Sữa đặc và creamer đặc tại thị trường nước này. Ngay sau hội chợ, hai sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị ở bang Arizona và California - đánh dấu bước tiến mới trong kế hoạch đưa sản phẩm sữa “made in Vietnam” ra thế giới.
Để có thể đưa được các mặt hàng sữa “made in Vietnam” vào siêu thị của một trong những cường quốc sữa của thế giới, Vinamilk đã thông qua công ty con của mình là Driftwood Dairy.
Việc mua lại một nhà máy sữa tại Mỹ khiến nhiều người bất ngờ, bởi Mỹ là cường quốc về sản xuất và chế biến sữa với hàng ngàn thương hiệu khác nhau cùng mức độ cạnh tranh khốc liệt. Theo lãnh đạo Vinamilk, thời điểm đơn vị này mua 70% cổ phần của Công ty Driftwood Dairy với giá 7 triệu USD vào năm 2013 cũng là lúc công ty này đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, đây là nhãn hiệu sữa có lịch sử lâu đời và đang là một trong những đơn vị cung cấp sữa học đường chính ở vùng bắc California; do đó, Vinamilk vẫn quyết định “mạo hiểm”.
Sau hai năm đầu tư, Driftwood Dairy bắt đầu có lãi và cuối năm 2015, Vinamilk đã đàm phán mua lại 100% cổ phần. “Driftwood là bước đệm để Vinamilk đưa các sản phẩm sữa từ Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ, đồng thời cũng là nơi sản xuất các dòng sản phẩm sữa chuyên biệt như sữa hữu cơ để đưa về thị trường nước ta” - ông Đỗ Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận đối ngoại của Vinamilk - cho hay.
Bên cạnh thị trường Mỹ, sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam của Vinamlik đã có mặt ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng ít ai biết được để có thể đưa sản phẩm sữa ra thế giới, lãnh đạo của công ty đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk - nhớ lại, năm 1998, đoàn xúc tiến thương mại gồm 27 người với các ngành nghề như sữa, dầu ăn, gạo, bột giặt, may mặc... do Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khi đó là ông Lê Huy Côn dẫn đầu đến Iraq tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu. Khi đoàn đến Dubai thì hay tin có chiến tranh ở Baghdad. Sau một hồi tranh luận, cuối cùng đoàn quyết định vào Iraq. Để đảm bảo an toàn, Bộ Thương mại Iraq đã tổ chức đàm phán với phía Việt Nam dưới một căn hầm. Sữa chính là mặt hàng đàm phán tốn thời gian nhất và ký hợp đồng sau cùng, bởi mức giá phía Iraq đưa ra quá chặt. Tới gần 2 giờ sáng, hợp đồng bán sữa cho Iraq mới được ký kết với giá trị trên 100 triệu USD trong tổng số 700 triệu USD của toàn đoàn. “Đó là một bước ngoặt lớn với Vinamilk khi có được một hợp đồng xuất khẩu lớn ra thế giới. Hợp đồng này tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của công ty sau này” - bà Mai Kiều Liên cho biết.
Để hiện thực hóa kế hoạch trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới, Vinamilk xác định đầu tư ra nước ngoài là chiến lược chính trong giai đoạn tới.
Nguồn: Báo công thương
Nguồn:Báo Công thương điện tử