Sự kiện được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.
Trong khuôn khổ chương trình, Triển lãm - Hội thảo đã thảo luận về chiến lược cũng như giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ - khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các qui trình kỹ thuật. Để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Nhà nước ta đã ban hành hàng nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp phụ trợ, gần đây nhất là Nghị định 111/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016 và các Thông tư 01/2016/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-BTC… đang mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Triển lãm - Hội thảo công nghiệp Phụ trợ lần 3 sẽ tiếp tục mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ, học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực linh phụ kiện. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ nắm bắt được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo công bố của Samsung, con số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Theo đó, từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 12 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1. Ngoài ra còn có 178 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, hiện có tống số 190 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Cụ thể, số doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của SEV/T (tại miền Bắc) là 6 doanh nghiệp cấp 1 và 155 doanh nghiệp cấp 2. Đối với SEHC (TP. Hồ Chí Minh), con số tương ứng là 6 doanh nghiệp cấp 1 và 23 doanh nghiệp cấp 2.
Trao đổi về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Samsung đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất linh kiện, cải thiện chỉ số xuất khẩu và thương mại, tạo việc làm qua hoạt động đầu tư và giao dịch thương mại. Đồng thời với sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với Samsung sẽ góp phần xây dựng và phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trên thực tế, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm từ lâu của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như của dư luận xã hội. Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm và mong muốn của mình để tham gia vào các chuỗi giá trị thông qua tỉ lệ nội địa hóa cùng các giá trị gia tăng mang lại cho sản xuất công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
“Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô (VAPMA) nhằm kết nối doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới phát triển đồng bộ toàn ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo công thương
Nguồn:Báo Công thương