menu search
Đóng menu
Đóng

Madame Hương: “Tôi không còn là chủ của Thu Hương Bakery”

23:34 08/09/2016

Với nhiều phụ nữ, hình ảnh chị Thu Hương gắn liền với những chiếc bánh ngọt quá đỗi quen thuộc.

“Ai cũng có lúc phạm sai lầm, sai lầm của tôi là phải trả giá bằng chính cái tên của mình”. Chủ nhân của tiệm bánh Madame Hương lần đầu tiên chia sẻ về những “góc khuất” đằng sau sự biến mất khỏi một thương hiêu do chính mình gây dựng thành công.
Những người yêu bánh tại Hà Nội hẳn không xa lạ với cái tên Thu Hương, một người thợ bánh của khách sạn Sofitel Metrople trước đây. Vừa đi làm, vừa tranh thủ làm thêm tại nhà, chị nhanh chóng được nhiều bà mẹ biết đến nhờ tài nghệ làm bánh ngọt.
Mạnh dạn xin nghỉ việc và khởi nghiệp tại nhà bằng những chiếc bánh ngọt do chính mình làm ra, chị Thu Hương nhanh chóng thành công với cửa hàng bánh đầu tiên mang tên mình tại phố Phan Đình Phùng.Và sau đó là một chuỗi các cửa hàng tại nhiều phố lớn tại Hà Nội.
“Thành công đến với tôi rất nhanh, chỉ trong khoảng 8 năm, tôi đã có tất cả những gì tôi mơ ước từ khi còn đi làm tại khách sạn.Một công việc làm bánh yêu thích, một chuỗi cửa hàng tại các phố lớn…Nhưng khi đó, tôi phát hiện ra mình không đủ khả năng để quản lý khối công việc đang phát triển quá nhanh đó”, chị Thu Hương nói.
Năm 2010, một lời đề nghị hợp tác làm ăn từ đối tác đã khiến chị gật đầu. Chị đảm nhận vai trò Giám đốc Kỹ thuật, đối tác sẽ đảm nhận vai trò quản lý và điều hành Kinh doanh.Thương hiệu đang phất lên như diều gặp gió thì bất ngờ, chị Thu Hương gần như biến mất khỏi các cửa hàng bánh. Để hiểu rõ những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng chị để lắng nghe chị trải lòng về nghề của mình.
Vì sao đang rất thành công với thương hiệu Thu Hương Bakery, chị lại đột ngột ra đi?

Năm 2012, sau 2 năm hơp tác làm ăn thì tôi nhận ra mình không tìm được tiếng nói chung với đối tác của mình. Tôi chỉ là một người làm bánh, công việc của tôi là đảm bảo sao cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải được tốt nhất, ngon nhất, các công việc khác tôi luôn cho rằng, mình cứ đối xử thật “có tâm” thì những người làm việc với tôi sẽ đối xử lại như thế.

Sau khi không còn là chủ Thu Huong Bakery chị đã học tại trường dạy làm bánh rất nổi tiếng ở Pháp là Le Cordon Blue (ảnh ngoài cùng bên phải).
Và đó chính là sai lầm của tôi. Thương trường khắc nghiệt hơn thế, các công việc hợp tác làm ăn cũng không đơn giản như tôi nghĩ. Khi thương hiệu lớn dần, tôi cảm thấy những mục đích tốt đẹp mà tôi mong muốn cứ xa dần… Ngày càng nhiều những quan điểm bất đồng, từ việc phát triển sản phẩm, quản lý nhân sự… và trong một lần xung đột đỉnh điểm, tôi đã buộc phải bán lại cổ phần của mình tại chính thương hiệu mà tôi làm chủ để ra đi.
Khi đó chị có ý định gây dựng một sự nghiệp khác hay không?
Khi không còn bận rộn với công việc, tôi muốn dành thời gian cho con cái.Nhưng không ngờ, những ngày “ngồi không” đó khiến tôi bị hụt hẫng. Đang là con người của công việc, giờ không phải làm bất cứ việc gì, con cái đi học cả ngày, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Cũng nhờ trước đó đã nghe danh tiếng về trường dạy làm bánh rất nổi tiếng tại Pháp là Le Cordon Blue, tôi đã nộp đơn đi học nâng cao nghề bánh tại đó. Và tôi đã dành 2 năm toàn tâm cho việc học nghề bánh tại Pháp cho thỏa nỗi nhớ nghề nghiệp.
Tại sao chị lại chọn trở về và thành lập thương hiệu khác?

Thật lòng, khi ra đi, tôi đã không nghĩ đến việc sẽ tiếp tục làm bánh. Mỗi lần nhìn thấy cái tên của mình trên phố nhưng không còn là của mình nữa, tôi đau lắm. Khi vợ chồng tôi về đến Hà Nội, tôi lại rơi vào trạng thái trầm cảm thêm một lần nữa.Tôi sợ phải chứng kiến cảnh khách hàng đi ra đi vào ngắm những chiếc bánh trong các tủ kính.

Trở về Việt Nam lần này chị Hương tiếp tục với đam mê, nhiệt huyết với bánh ngọt.
Nhưng có lần, tôi gặp một khách hàng quen thuộc, chị ấy nắm lấy tay tôi bảo: “Hương ơi, bao giờ thì chị lại được ăn những chiếc bánh do chính tay em làm đây?”, câu nói đó khiến tôi suy nghĩ mãi. Và tôi nghĩ, nếu tôi không tự thoát ra khỏi sự trầm cảm của chính mình thì không ai có thế cứu mình được. Cũng rất nhanh, tôi chọn luôn cái tên mà bạn bè học cùng trường với tôi ở bên Pháp thường gọi là Madame Hương để đặt tên cho tiệm bánh.
Chị có tự tin là chị sẽ lại thành công như sự nghiệp trước đây?
Khi mở lại tiệm bánh này, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình lại được làm nghề. Tôi cảm nhận nghề bánh quá ưu ái tôi, cho tôi quá nhiều thứ mà từ những ngày đi làm công ăn lương, tôi có nằm mơ cũng không nghĩ là mình có được. Và tôi nghĩ đến những ngày mình không được làm việc, tôi đã rơi vào tình trạng khổ sở như thế nào…

Chị Hương quan niệm rằng: “Nghề cho tôi quá nhiều nên giờ đã đến lúc trả nợ nghề”.
Tôi không bị khó khăn về tài chính để bắt đầu lại. Tôi chỉ muốn đứng lên từ chính tôi chỗ mà tôi đã ngã xuống thôi. Thế nên khi được làm bánh trở lại, tôi cũng không còn nghĩ đến việc mình có tạo dựng một thương hiệu hay không, và tôi cũng không biết tôi có thành công lần nữa hay không? Tôi chỉ muốn trả ơn nghề bánh.Tôi có nói với các anh em làm việc với tôi là đừng nghĩ đến điều gì khác khi làm bánh, hãy cứ làm những chiếc bánh thật ngon là được.

Chị Hương tận tâm với chiếc bánh sinh nhật khổng lồ tại tiệm bánh Madame Hương số 39 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm – Hà Nội).
Tôi vẫn nhớ khi tiệm bánh này mới mở cửa, một số khách hàng quen thuộc trước khi nhìn thấy tôi, họ chạy vào và ôm chầm lấy tôi như một người thân lâu ngày gặp lại. Có những người đến đây ăn bánh xong, nhắn tin cho tôi rằng, họ vui khi thấy tôi trở lại làm bánh. Những điều đó như là nguồn năng lượng tiếp cho tôi thêm quyết tâm quay lại với nghề.
Bây giờ, hàng ngày tôi phải dậy sớm xuống lò bánh, buổi tối phải thức rất khuya để đóng cửa tiệm nhưng như bạn thấy đấy, tôi rất khỏe mạnh và hào hứng. Mỗi một ngày được làm việc là một ngày tôi lại thêm biết ơn cái nghề mà tôi đã được chọn.

Nguồn:cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ/Afamily