Công ty đồ uống Nhật Bản Kirin Holdings nhìn thấy tiềm năng gia tăng doanh số bán hàng với các sản phẩm bền vững khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn.
Kirin đào tạo nông nhân các phương pháp sản xuất bền vững, sử dụng tài nguyên đất, giúp họ có thể đạt được chứng nhận quốc tế về canh tác bền vững. Công ty đặt kế hoạch tăng số nông trại được hỗ trợ lên con số 700 vào cuối năm nay, gấp đôi so với mức hiện tại.
Kirin Holdings sự báo doanh số bán thực phẩm & đồ uống được sản xuất theo cách bền vững sẽ tăng lên cùng với nhận thức của người tiêu dùng và mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.
Nỗ lực đào tạo nông dân cũng nhằm đảm bảo nguồn cung một cách ổn định cho sản phẩm của công ty.
Kirin hỗ trợ người trồng cà phê Việt Nam nhận được chứng chỉ từ Rainforest Alliance, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.
Để có được chứng nhận này, nông dân phải hạn chế sử dụng hóa chất nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất, cải thiện điều kiện cho người lao động.
Kể từ năm ngoái, Kirin đã hỗ trợ 350 trang trại cà phê Việt Nam, giúp người trồng tiết kiệm nước, bảo vệ các dòng sông khỏi ô nhiễm và phổ biến các phương pháp canh tác tốt hơn.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Cà phê Việt Nam chiếm 30% tổng số nguyên liệu mà Kirin sử dụng để sản xuất các sản phẩm của mình, chẳng hạn như cà phê lon. Tuy nhiên công ty Nhật Bản gặp phải tình trạng nguồn nguyên liệu biến động do nhiều người trồng cà phê ở quy mô nhỏ lẻ Việt Nam.
Bằng cách hỗ trợ người nông dân, Kirin đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm của chính mình và đảm bảo sản xuất một cách ổn định.
Nhờ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh số bán hạt cà phê được chứng nhận Rainforest Alliance tăng mạnh 15% trên toàn thế giới trong năm ngoái. Tuy nhiên sản lượng cà phê được chứng nhận Rainforest của Việt Nam chỉ bằng 10% nếu đem so với Brazil.
Kirin đã làm việc với nông dân trồng chè Sri Lanke để đạt chứng nhận Rainforest từ năm 2013. Công ty Nhật kỳ vọng có thể áp dụng bí quyết đạt được tại Sri Lanka để áp dụng vào các trang trại cà phê ở Việt Nam, qua đó tăng số lượng người trồng được chứng nhận.
Nguồn:Hứa Vân/Nhịp sống kinh tế