Khi được hỏi ngành nghề mình đã được hưởng những hỗ trợ gì để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nói lâu nay ngành ông không nhận hỗ trợ nào đáng kể, nên khi Chính phủ ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, có điều khoản hạn chế quyền hỗ trợ của Chính phủ thì các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng không ảnh hưởng gì cả.
“Nhà nước ký gì cũng được, miễn là các cam kết không cao hơn cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì chúng tôi chịu được” - ông Hạnh nói.
Lời nói có vẻ “dỗi hờn” của ông Hạnh xuất phát từ thực tế thời gian qua. Đến nay, chỉ có chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương tổ chức hằng năm cho khoảng 12 doanh nghiệp xuất khẩu đi Hoa Kỳ triển lãm đồ gỗ tại Hight Point hoặc Las Vegas là có hiệu quả dù còn nhỏ.
Nhưng năm rồi chương trình này cũng dừng luôn. Năm 2014, khi ngành của HAWA nằm trong 10 ngành công nghiệp được quy hoạch để hỗ trợ theo một nghị định được chính phủ thông qua, HAWA ngay lập tức gửi bản kiến nghị các biện pháp đến Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn... nhưng tới giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành và đề cập đến sự ưu đãi.
“Ba lần muốn hẹn gặp thứ trưởng để trao đổi đều không được, tôi in bản kiến nghị thành tập hẳn hoi rồi gửi nhưng cũng chưa có hồi đáp gì” - ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, dù các hiệp định ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, nhưng khi hỏi thì những người phụ trách đàm phán lại cho rằng nội dung đàm phán cần được giữ kín.
Chẳng hạn với đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi bản thân doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) mời đến nói chuyện, cung cấp thông tin về TPP, phía cơ quan VN lại cho rằng rất bí mật, không thể tiết lộ điều gì.
Đến nay, trong rất nhiều FTA mà VN đã ký thì chỉ đàm phán Liên minh thuế quan Á - Âu (vừa được ký hồi tháng 5-2015) có tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, còn lại doanh nghiệp chỉ thật sự biết khi đã xong xuôi.
Câu chuyện của ông Hạnh được đưa ra trong một hội thảo về các chính sách hỗ trợ của VN trong bối cảnh hội nhập gần đây cho thấy đang có độ chênh giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong sự chuẩn bị cho hội nhập.
Ông Trần Hữu Huỳnh, chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI, thừa nhận những gì đang xảy ra với các doanh nghiệp VN rất vô lý.
Từ năm 2012, Chính phủ đã ra nghị quyết thiết lập cơ chế tham vấn giữa cơ quan đàm phán và doanh nghiệp.
Theo đó, trước khi đi đàm phán, đoàn phải tham vấn ý kiến tổ chức, hiệp hội về các nội dung, ý tưởng đàm phán.
Điều đó cho thấy Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội tham gia việc đàm phán các FTA, tích cực chủ động trong tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thế nhưng điều gì đang cản trở việc kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước?
Ở các nước khác, ngay trước vòng đàm phán FTA, đoàn đàm phán sẽ chủ động liên hệ với doanh nghiệp, hiệp hội trong nước xin ý kiến.
Hội nhập là chuyện sống còn của doanh nghiệp, những FTA mà VN mới ký và sắp ký trong thời gian tới có mức độ mở cửa sâu hơn, các công cụ bảo hộ vì thế ít dần.
Trong WTO, công cụ thuế vẫn còn vì VN chỉ cam kết giảm chứ không xóa bỏ thuế, nhưng với các FTA mới, VN gần như cam kết đưa hầu hết dòng thuế về 0% (trừ một số lĩnh vực nhạy cảm). Điều này vừa mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế, nhưng cũng hạn chế một số chính sách nhất định hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển.
Bởi vậy các chuyên gia cho rằng các bộ, ngành cần tăng cường giải pháp tuyên truyền sâu rộng các FTA về thuận lợi, bất lợi để doanh nghiệp có sự chuẩn bị và khai thác hiệu quả lợi thế.
Nguồn:Tuổi trẻ