Để đáp ứng cho nhu vốn phát triển các dự án lớn, năm 2011, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) đã huy động 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ các nhà đầu tư do Goldman Sachs quản lý (Goldman Sachs).
Lượng trái phiếu trên được phát hành đợt đầu vào tháng 1/2011, có giá trị 25 triệu USD và 15 triệu USD phát hành sau đó 3 tháng.
Từ năm thứ 2 sau khi phát hành, trái chủ có thể chuyển đổi thành cổ phiếu một phần hoặc toàn bộ giá trị trái phiếu. Từ năm thứ 3, trái chủ có quyền yêu cầu công ty mua lại lô trái phiếu trên sau khi thông báo trước 6 tháng.
Các trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 4%/ năm và giá chuyển đổi ban đầu là 43.500 đồng/cổ phiếu và kèm theo điều kiện chống pha loãng cổ phiếu trong thời gian trái chủ chưa chuyển đổi.
Theo thông lệ, giá chuyển đổi sẽ tự động điều chỉnh khi công ty phát hành thêm cổ phiếu. Khi đó giá chuyển đổi mới = giá chuyển đổi cũ * (giá sau khi pha loãng/ giá trước pha loãng cổ phiếu)
Vào tháng 8/ 2012, CII đã phát hành cổ phiếu thưởng 2:1 cho cổ đông hiện hữu, làm pha loãng cổ phiếu. Do đó giá chuyển đổi cho lô trái phiếu của Goldman Sachs đã tự động điều chỉnh xuống còn 29.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ĐHCĐ năm 2013, CII tiếp tục thông qua việc điều chỉnh giá chuyển đổi cho các lô trái phiếu của Goldman Sachs.
Theo đó lô trái phiếu 15 triệu USD có giá chuyển đổi là 10.000 đồng, lô còn lại (25 triệu USD) có giá chuyển đổi 18.800 đồng.
CII khi đó đứng trước nhu cầu vốn lớn để đầu tư vào hàng loạt các dự án hạ tầng. Một trong các kế hoạch huy động vốn của công ty là phát hành thêm các đợt trái phiếu với giá chuyển đổi thấp (11.000 đồng) trong điều kiện giá cổ phiếu thấp hơn rất nhiều so với năm 2011.
Do đó, công ty phải thực hiện điều khoản chống pha loãng nhằm giảm xung đột lợi ích giữa các trái chủ cũ và mới. Hay nói cách khác là đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư của Goldman Sahcs.
Từ đầu năm 2015, mặc dù chưa đến thời gian đáo hạn, các trái chủ của CII đã bắt đầu chuyển đổi và thu hồi vốn với lô trái phiếu 15 triệu USD.
Vào tháng 1, tháng 7 và tháng 9, các quỹ đầu tư do Goldman Sachs quản lý đã thực hiện 3 đợt chuyển đổi để sở hữu tổng cộng khoảng 32 triệu cổ phiếu CII.
So với giá giao dịch trên thị trường trong 1 năm qua (dao động từ 17.700 đồng đến 28.200 đồng), mức giá chuyển đổi (10.000 đồng) của các trái chủ tạo ra một khoản chênh lệch lớn.
Và Goldman Sachs chốt lời!
Nhưng người mua không phải một nhà đầu tư khác mà chính là CII, với mục đích mua cổ phiếu quỹ.
Công ty này đã bỏ ra khoản 196 tỷ đồng để mua toàn bộ 9,8 triệu cổ phiếu mà Goldman Sachs chuyển đổi vào tháng 7. CII cũng đang xúc tiến các thủ tục để mua số cổ phiếu còn lại của Goldman Sachs đã chuyển đổi gần đây.
So với việc lựa chọn thanh toán gốc và lãi trái phiếu này, việc chuyển đổi và bán lại cho CII ở giá hiện tại giúp Goldman Sachs đạt được lợi ích cao hơn 76%.
|
Lô trái phiếu đã chuyển đổi của Goldman Sachs |
Trong thông báo triệu tập ĐHCĐ bất thường mới đây, Ban điều hành công ty trình phương án mua tối đa 50 triệu cổ phiếu quỹ; và xin ý kiến cổ đông về việc gia hạn thời gian của lô trái phiếu 25 triệu USD còn lại của Goldman Sachs.
Để thực hiện kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, CII sẽ cần khoảng 1.000 tỷ đồng và đây không phải là số tiền nhỏ đối với công ty. Thực tế ước tính cả năm 2015, tổng đầu tư vào các dự án và góp vốn vào công ty con của CII chỉ khoảng 2.400 tỷ đồng, theo một báo cáo của Ban Giám đốc công ty.
Một điểm đáng chú ý là số tiền và tương đương tiền trên báo cáo tài chính gần nhất của CII là hơn 880 tỷ đồng. Con số cuối kỳ này chủ yếu được bù đắp bởi nguồn thu từ hoạt động đi vay do dòng tiền thuần từ kinh doanh và đầu tư của CII đều âm trong nửa đầu năm.
Mặc dù năng lực huy động vốn của CII thời gian qua là rất tốt nhưng việc phải chi khoảng 1.000 tỷ để mua cổ phiếu quỹ sẽ gây áp lực lên khả năng cân đối và thu xếp tài chính của công ty này.
Theo Phúc Anh
Trí thức trẻ
Nguồn:Trí thức trẻ