Đã thấy hồ sơ của Metro
Một nguồn tin từ cơ quan quản lý doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TPHCM vừa tiết lộ với TBKTSG Online rằng hồ sơ chuyển nhượng hệ thống Cash & Carry vừa đến tay cơ quan này dù thông tin Metro sẽ bán toàn bộ hệ thống kinh doanh của mình ở Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã được công bố khoảng một năm nay.
Nguồn tin này không tiết lộ thêm nhiều chi tiết bởi hồ sơ chuyển nhượng của thương vụ này vẫn còn chờ các sở ban ngành xem xét. Nhưng theo nguồn tin này thì đối tác mua vẫn là doanh nghiệp Thái Lan.
Như vậy, đến thời điểm này cho thấy việc tập đoàn Metro quyết định bán toàn bộ hệ thống kinh doanh của mình đã dần thành hiện thực dù trước đó phía đối tác Thái Lan BJC muốn mua chuỗi kinh doanh này gặp một vấn đề rắc rối từ các cổ đông. Họ đã phản đối thương vụ mua lại hệ thống kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (tương đương chừng 879 triệu đô-la Mỹ) tại đại hội cổ đông của BJC hồi đầu năm vì lo ngại về những rủi ro tài chính và pháp lý.
Ngay sau đó, Công ty TCC Holding của Thái Lan, cổ đông lớn nhất của BJC, cho biết sẽ tham gia đàm phán với tập đoàn Metro về các điều kiện liên quan đến thương vụ mua lại Metro Việt Nam. Theo đó, TCC sẽ tự mua Metro Việt Nam nếu cổ đông BJC vẫn tiếp tục phản đối thương vụ sau khi đã thương lượng lại.
Đến nay chưa rõ rốt cuộc là chuỗi hệ thống kinh doanh của Metro do BJC mua hay TCC Holding mua, nhưng điều đó theo giới quan sát không quan trọng, bởi TCC Holding là công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi kiểm soát và công ty này ở thời điểm đầu năm nay nắm đến 73,7% cổ phần tại BJC.
Do đó, dù BJC hay TCC mua thì gần như không khác nhiều về chủ đầu tư và mục tiêu thâu tóm 19 điểm bán sỉ Cash & Carry rộng khắp cả nước của hai công ty này cũng nhằm khai thác thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam cũng như đẩy mạnh đưa hàng Thái vào Việt Nam qua chuỗi kinh doanh này.
Trước đó, giải thích về việc bỏ ra số tiền lớn kỷ lục để mua lại Metro, lãnh đạo BJC cho rằng tập đoàn thấy được tiềm năng trong việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam và mua lại Metro là thời cơ tốt. Metro có nền tảng và cơ cấu phù hợp với BJC, giúp công ty phát triển nhanh hơn là đầu tư mới. Gần 4.000 nhân viên người Việt Nam có kỹ năng, trình độ giỏi của Metro cũng là nhân tố quan trọng, giúp BJC quyết định đầu tư vào Metro.
Không lo Metro trốn thuế chuyển nhượng
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu với việc bán toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam với giá chuyển nhượng lên đến 655 triệu euro, Metro có phải đóng thuế chuyển nhượng tài sản hay không bởi theo giới phân tích Metro sẽ mang về một khoản lợi nhuận không nhỏ từ thương vụ này.
Trước đó, một cán bộ ngành thuế cho rằng chỉ sợ hai doanh nghiệp này "thỏa thuận ngầm" không thông qua cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một khi Metro đã chính thức trình hồ sơ chuyển nhượng thì họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu việc chuyển nhượng có phát sinh thu nhập.
Như vậy, điều quan trọng hiện nay là cần xác định tổng số tiền đầu tư 19 trung tâm Cash & Carry cùng danh mục bất động sản đính kèm của Metro ở Việt Nam trong gần 13 năm qua là bao nhiêu.
Theo số liệu tổng hợp về đầu tư của Metro ở Việt Nam, tính đến tháng 5-2013, tổng vốn đầu tư của 19 trung tâm Cash & Carry là hơn 301 triệu đô la Mỹ. Chưa có con số cập nhật về vốn đầu tư tính đến ngày công bố bán cho BJC, nhưng giới quan sát cho rằng khoản đầu tư sau đó là không đáng kể, bởi từ năm 2012 đến nay là giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các nhà phân phối, và Metro đã tạm khép lại việc mở rộng đầu tư và chỉ tập trung kinh doanh hàng hóa.
Vốn điều lệ của Metro Cash & Carry Việt Nam đến thời điểm nói trên cũng chỉ khoảng 103,57 triệu đô la Mỹ.
Như vậy nếu không có thêm khoản đầu tư nào, tính ra chênh lệch giữa vốn chuyển nhượng và vốn ước đầu tư của Metro ở Việt Nam là khoảng 578 triệu đô la Mỹ. Theo các luật sư, nếu thông tin về giá bán và vốn đầu tư nói trên là chính xác thì Metro sẽ phải đóng một khoản thuế thu nhập chuyển nhượng khá lớn, ước khoảng 20% theo quy định.
Tuy nhiên, còn cần phải xác định chi phí chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này nữa mới xác định được thuế chuyển nhượng phải đóng của Metro. Theo quy định, chi phí chuyển nhượng bao gồm chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
Trước đó, ngay khi công bố bán hệ thống kinh doanh ở Việt Nam của Metro, báo chí quốc tế cũng nhận định rằng, qua thương vụ này tập đoàn Metro sẽ thu được một khoản lợi nhuận rất lớn. Một bản tin của Reuters dẫn hai nguồn tin am hiểu về thương vụ này cho rằng việc chuyển nhượng sẽ giúp tăng lợi nhuận của Metro trước lãi vay và thuế (EBIT) trong năm tài chính 2014/15 khoảng 400 triệu euro.
Metro không bỏ thị trường Việt Nam
Ngay sau khi thông tin bán hết toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng Metro sẽ rút khỏi Việt Nam. Trong thực tế, nhà bán lẻ này đã chuẩn bị một chuỗi kinh doanh mới thay thế. Đầu tháng 8 này, Tập đoàn Metro AG của Đức công bố rằng hãng đã đạt được thỏa thuận mua lại Classic Fine Foods Group (CFF), một nhà phân phối thực phẩm cao cấp có trụ sở ở Singapore và đang hoạt động tại nhiều thành phố khác nhau bao gồm cả TPHCM.
CFF cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng và khách sạn hàng đầu ở các thành phố lớn thuộc khu vực châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, công ty còn phục vụ các hãng hàng không, các chuỗi siêu thị và các cửa hàng đặc sản.
Như vậy, có khả năng sắp tới đây, sau khi chính thức giao toàn bộ chuỗi kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam, Metro sẽ không rút khỏi thị trường Việt Nam mà sẽ tập trung vào mảng dịch vụ phân phối thực phẩm ở các nhà hàng và khách sạn, một mảng kinh doanh không xa lạ gì với Cash & Carry trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của CFF gồm gia công và mua sắm, xuất nhập khẩu, lưu trữ, tiếp thị và phân phối các loại thực phẩm cao cấp như sữa, thịt, bánh ngọt, hải sản, đồ gia vị, mì ống và các sản phẩm khô, phục vụ các nhu cầu hàng ngày của nhóm khách hàng là khách sạn-nhà hàng ở các thành phố lớn.
Metro bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.
Có luồng ý kiến cho rằng chính những cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương mà ngay từ những ngày đầu, Metro đã được phép mở đến tám trung tâm ở các thành phố lớn. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.
Với việc kinh doanh thuận lợi, Metro tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và tới nay đã có 19 trung tâm phân phối trên cả nước và hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Quốc Hùng
TBKTSG
Nguồn:TBKTSG