GTN sẽ mua lại khoản đầu tư từ SSIAM?
Vilico được thành lập theo quyết định số 862 NN-TCCB/QĐ ngày 21/6/1996 của Bộ NN&PTNT bao gồm các đơn vị thành viên hoạt động trong ngành chăn nuôi.
Theo quyết định cổ phần hóa, đến ngày 5/3/2013, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần 26.7 triệu cp Vilico (chiếm gần 35% vốn điều lệ), tuy nhiên kết quả cuối cùng chỉ bán được hơn 13.5 triệu cp với giá đấu thành công là 10,100 đồng/cp. Theo đó, kể từ tháng 7/2013, Vilico chính thức hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ hơn 631 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 5/2015, Vilico có 3 cổ đông tổ chức trong nước nắm giữ đến 92.88% vốn, trong đó có 2 cổ đông lớn là Bộ NN&PTNT nắm 77.59% và Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) 12.12%.
Cơ cấu cổ đông của Vilico tính đến cuối tháng 5/2015
Nguồn: Vilico
|
Cùng với kế hoạch chuẩn bị đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã VLC vào ngày 26/10 tới, cơ cấu cổ đông của Vilico đang có xu hướng dịch chuyển. Thông tin được hé lộ từ bên mua. Theo kế hoạch của HĐQT CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HOSE: GTN) trong nghị quyết mới được công bố gần đây, bên cạnh mua 75% vốn của Vinatea thì GTN sẽ mua 7.65 triệu cổ phần, tương đương 12.12% vốn của Vilico trong giai đoạn 1.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của GTN, HĐQT đã trình Đại hội kế hoạch tăng vốn nhắm tới phục vụ M&A với định hướng đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng. Đại diện công ty khi đó cũng cho biết, GTN đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp Nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng.
Tham vọng dần lộ diện khi kế hoạch của GTN đã hướng vào 2 tổng công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Vinatea và Vilico. Cần chú ý là theo kế hoạch của GTN, việc mua lại 12.12% của Vilico được GTN nêu rõ chỉ là giai đoạn 1, hay nói cách khác, tham vọng của GTN có thể không chỉ dừng ở việc sở hữu hơn 12%.
Được biết hiện Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng đang nắm 12.12% vốn tại Vilico. Như vậy, nhiều khả năng, lộ trình GTN thâu tóm Vilico sẽ bắt đầu từ SSIAM sau đó hướng tới việc thoái vốn của Bộ NN&PTNT tương tự như trường hợp Vinatea.
Cùng với việc này, GTN cũng bất ngờ thông báo Nghị quyết HĐQT thay đổi phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2015. Phương án phát hành mới sẽ được triển khai dưới các hình thức: phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức tài chính. Trước đó, theo kế hoạch, GTN dự kiến sẽ phát hành thêm 75.2 triệu cổ phần, trong đó, phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu là 74.8 triệu cổ phần, với tỷ lệ thực hiện là 1:1 và phát hành 0.4 triệu cổ phần ESOP.
Hấp dẫn nhờ "sữa" hay "đất"?
Hoạt động của Vilico kể từ khi cổ phần hóa đến nay không có nhiều đột biến, các chỉ số hầu hết được duy trì ổn định. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 của Vilico gần 1,259 tỷ đồng, trong đó lãi thuần gần 92 tỷ đồng, tương đương khoảng 7% doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, giá trị sổ sách 13,270 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh của Vilico kể từ khi CPH
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán của Vilico
|
Tuy nhiên, điểm đặc biệt đối với Vilico là danh sách 2 công ty con và 15 công ty liên kết đang hoạt động. Trong đó, hiện Vilico có 2 công ty con là: CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu và CTCP Chăn nuôi Miền Trung với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 51% và 91%, giá trị đầu tư đạt 188 tỷ và 8.6 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là Giống Bò sữa Mộc Châu – đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu nổi tiếng trên thị trường, với nhiệm vụ chính là chăn nuôi bò sữa, cung cấp con giống bò sữa, sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cơ cấu của mặt hàng sữa đối với doanh thu thuần của Vilico cũng duy trì ở mức rất cao, đều đạt xấp xỉ 70% (giai đoạn kể từ khi cổ phần hóa từ tháng 7/2013 – nay). Trong cơ cấu lợi nhuận gộp, sữa luôn chiếm tỷ trọng từ 84-98%.
Cơ cấu doanh thu thuần của Vilico kể từ khi CPH đến nay
|
Cơ cấu lợi nhuận gộp của Vilico trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2015
Nguồn: Villico
|
Điểm đặc biệt của Vilico không chỉ đến từ việc sở hữu Sữa Mộc Châu mà còn đến từ danh mục quỹ đất khổng lồ mà Tổng Công ty này đang quản lý và sử dụng.
Theo danh mục tài sản của Công ty, hiện Vilico đang quản lý, sử dụng 1,025,311 m2 đất tại 4 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó có 3 đơn vị tại Tp Hà Nội, 1 đơn vị tại Tp HCM, 1 đơn vị tại tỉnh Vĩnh Phúc và 1 đơn vị tại tỉnh Hưng Yên. Hầu hết đây đều là đất thuê thời hạn từ 30 – 49 năm.
Các khu đất thuộc quản lý và sử dụng của Vilico
Nguồn: Vilico
|
Theo Đăng Tùng
Vietstock
Nguồn:Vietstock