Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 - 15/2/2017, Việt Nam NK hơn 500.000 tấn phân bón các loại, đạt giá trị hơn 141 triệu USD. Những mặt hàng NK nhiều nhất là phân Kali chiếm hơn 165.000 tấn, SA 138.000 tấn, DAP 115.000 tấn và Urê 38.000 tấn. Lượng phân Urê, NPK trong nước có thể đáp ứng đủ, nhưng lại là những mặt hàng được NK nhiều, khiến phân bón trong nước rơi vào tình trạng tồn kho, quá tải.
Trước trực tế trên, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, Cục đã có công văn đề nghị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong đó giao Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với mặt hàng phân bón NK.
Nhưng mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thời gian tới sẽ chưa áp dụng các biện pháp PVTM đối với mặt hàng phân Urê và phân DAP NK. Nguyên nhân được lý giải là đối với mặt hàng phân Urê, hiện nay Việt Nam có 4 DN sản xuất gồm: Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, mỗi công ty sản xuất 800.000 tấn/năm; Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc với công suất lần lượt 480.000 tấn/năm và 560.000 tấn/năm. Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, chưa thấy có dấu hiệu tăng đột biến về lượng NK. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, lượng NK phân bón DAP đạt 978 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD, tăng 1,76% về lượng và 2,2% về giá trị so với năm 2014. Năm 2016, lượng NK đạt 762 nghìn tấn, giảm 22,1% về lượng và 38% về giá trị. Do vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, chưa có đủ cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật PVTM Việt Nam, cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng NK năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trước những bất lợi trên, các DN phân bón trong nước cần phải tự cứu mình. Giải pháp là nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và tận dụng lợi thế lớn nhất của mình là các kênh phân phối nhằm lấp đầy các khu vực có nhu cầu; lấy ưu thế về tốc độ và số lượng để bù đắp cho sự kém linh hoạt về giá.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem - cho rằng, tại thời điểm này, giải pháp cho các DN là chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị làm chủ thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tập đoàn và các đơn vị cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để tranh thủ sự hỗ trợ về pháp lý, nghiệp vụ để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thời gian tới, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích số liệu NK mặt hàng phân bón DAP, Urê và tư vấn, hỗ trợ DN để phát hiện hành vi bán phá giá, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công Thương điện tử