Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi lãnh đạo đối lập Venezuela, Juan Guaido, kêu gọi quân đội ủng hộ để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Nhưng sau đó giá dầu nhanh chóng giảm trở lại sau khi chính phủ Venezuela thông báo hoạt động của công ty dầu quốc doanh PDVSA sẽ không bị gián đoạn và lãnh đạo quân đội vẫn trung thành với ông Maduro.
Phiên vừa qua, có lúc dầu Brent vượt 73 USD/thùng (73,27 USD/thùng), trước khi giảm nhẹ do thị trường không quá lo ngại biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tương lai vẫn tăng 76 US cent, tương đương 1,1%, lên 72,8 USD/thùng. Dầu WTI cũng tăng 41 US cent, tương đương 0,7% vào lúc đóng cửa, lên 63,91 USD/thùng, sau khi có lúc chạm 64,75 USD/thùng.
Nếu chính phủ của ông Madur vẫn duy trì được quyền lực, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu thô của Venezuela sẽ tiếp tục giảm khi quốc gia này vật lộn với tình trạng mất điện và những vấn đề khác. Theo khảo sát của Reuters xuất khẩu dầu của Venezuela đã giảm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ với PDVSA và khủng hoảng kinh tế, điều này giúp sản lượng của OPEC giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Thị trường dầu đang trong giai đoạn chịu tác động từ nhiều thông tin trái chiều. Viện dầu mỏ Mỹ ngày 30/4 cho biết tồn kho dầu thô tuần trước tăng 6,8 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 1,5 triệu thùng từ giới phân tích. Số liệu chính thức sẽ được công bố ngày 1/5.
Thị trường dầu đang được thúc đẩy nhờ việc Arab Saudi thông báo thỏa thuận giảm sản lượng giữa OPEC và đồng minh, tức OPEC+, có thể được gia hạn tới cuối năm 2019. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng trong khi Mỹ thắt chặt trừng phạt với Iran.
OPEC+ sẽ họp tại Vienna, Áo, vào ngày 25 – 26/6 để thảo luận chính sách nguồn cung.
Sản lượng của Mỹ trong tháng 2 tiếp tục giảm 187.000 thùng/ngày xuống còn 11,7 triệu thùng/ngày.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng do đồng USD yếu đi. Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.283,66 USD/ounce, trong khi đó vàng giao sau tăng 0,3% lên mức 1.285,70 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng đã giảm khoảng 0,6% trong tháng 4/2019, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục của kim loại quý này.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần qua làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, giữa bối cảnh họ đang ngóng chờ quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong cuộc họp tháng trước, Fed tỏ ý sẽ không có thêm đợt tăng lãi suất nào trong năm này.
Cũng trong phiên vừa qua, giá bạc tăng khoảng 0,4% lên 14,96 USD/ounce và giá bạch kim lại giảm khoảng 1%, xuống mức 885 USD/ounce. Trong khi đó, giá palađi tăng 1,2%, lên 1.387,01 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trong phiên qua do các nhà đầu tư đặt cược rằng Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới) sẽ tung ra các biện pháp kích thích kinh tế sau khi số liệu mới nhất cho thấy sản xuất của nước này đang yếu đi. Đồng USD suy yếu cũng khiến kim loại rẻ hơn cho người mua khi sử dụng các đồng tiền khác. Giá đồng LME chốt phiên tăng 0,3% lên 6.415 USD/tấn. Tính từ đầu năm tới nay, đồng đã tăng giá khoảng 8% do hy vọng Trung Quốc có thể ngăn chặn cuộc suy giảm kinh tế mạnh mẽ, nhưng giá đã kẹt quanh 6.500 USD kể từ cuối tháng 2/2019.
Daniel Briesemann, nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank cho biết một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ nâng giá đồng, nhưng dự đoán giá sẽ trở lại mức 6.500 USD/tấn vào cuối năm nay.
Hai cuộc khảo sát đã chỉ ra tăng trưởng hoạt động sản xuất của Trung Quốc mất đà trong tháng 4/2019. Sự suy giảm bất ngờ sau số liệu lạc quan trong tháng 3/2019 làm dấy lên hy vọng nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới này đang trở lại bằng những bước đi vững chắc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông hy vọng đạt được "tiến bộ đáng kể" với các nhà đàm phán Trung Quốc trong hai vòng đàm phán thương mại tiếp. Khu vực đồng euro và Mỹ báo cáo dữ liệu kinh tế tích cực.
Kẽm cũng tăng hơn 1% vào lúc đóng cửa phiên vừa qua khi giá giao ngay cao hơn 134,5 USD (cao nhất kể từ năm 1997) so với giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, mặc dù lượng kẽm lưu kho tại LME đã tăng lên 81.325 tấn từ mức thấp kỷ lục khoảng 50.000 tấn vào đầu tháng 4/2019. Kết thúc phiên giá kẽm tăng 1,2% lên 2.825,50 USD/tấn gần mức cao nhất 9,5 tháng tại 2.958 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 7/2019 tăng 0,5 Uscent tương đương 0,5% lên 93,15 UScent/lb, sau ki có lúc đạt mức cao nhất 1 tuần là 95,10 UScent. Đồng real mạnh lên so với USD đã khiến các nhà sản xuất cà phê Brazil không mặn mà với việc bán cà phê ra. Robusta giao tháng 7/2019 cũng tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.407 USD/tấn. Hợp đồng này đã giảm giá 4,3% trong tháng 4/2019, là tháng thứ 3 liên tiếp giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019, hết hạn trong cuối phiên đêm qua đã tăng 0,36 US cent hay 2,8% lên 11,99 US cent/lb. Chênh lệch giữa hợp đồng tháng 5 và tháng 7/2019 là -0.35 US cent, phục hồi sau đợt giảm kéo dài 2 ngày. Cofco International, chi nhánh kinh doanh của công ty thực phẩm nhà nước Trung Quốc được xem là khách hàng mua duy nhất của hợp đồng đường kỳ hạn tháng 5/2019.
Đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 chốt phiên tăng 0,01 US cent hay 0,1% lên 12,34 US cent/lb, hợp đồng này đã giảm gần 2,5% trong tháng 4/2019. Giá dầu tăng có thể khuyến khích các nhà máy mía đường sản xuất ethanol sinh học, giúp hỗ trợ sự phục hồi của đường.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE tăng 40 US cent hay 0,1% lên 334,90 USD/tấn.
Nguồn:Vinanet