Trên thị trường năng lượng, giá dầu ít biến động do thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể cân nhắc việc nới lỏng cắt giảm sản lượng vào năm 2020, làm che mờ sự lạc quan của các nhà đầu về khả năng Mỹ và Trung Quốc sắp ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.
Kết thúc phiên này, dầu Brent biển Bắc tăng 25 US cent (0,4%) lên 66,39 USD/thùng; giao dịch tầm lắng trước ngày nghỉ lễ Giáng Sinh. Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8 US cent (0,1%) lên 60,52 USD/thùng.
OPEC+ trong tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày kể từ 1/1/2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết OPEC+ có thể cân nhắc nới lỏng hạn chế sản lượng tại cuộc họp vào tháng 3/2020.
Trả lời phỏng vấn kênh RBC TV của Nga vào tuần trước, ông Novak nói rằng “Chúng tôi có thể cân nhắc bất cứ lựa chọn nào, trong đó có khả năng nới lỏng dần dần hạn ngạch hoặc tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay”. Sản lượng dầu của Nga đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm nay.
Nguồn cung từ các nước ngoài OPEC trên thế giới dự kiến sẽ tăng trong năm 2020 do sản lượng từ các nước như Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana tăng lên.
Kuwait cho hay cuộc tranh chấp kéo dài với Saudi Arabia liên quan đến khu vực Neutral Zone sẽ được giải quyết vào cuối năm 2019, theo đó dự kiến nguồn cung dầu thế giới có thể tăng lên trong vài tháng tới. Sản lượng tại hai mỏ dầu ở khu vực Neutral Zone đã bị sụt khoảng 500.000 thùng/ngày trong hơn ba năm qua.
Giá dầu đã tăng lên kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu tháng này sau nhiều tháng đàm phán. Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Washington và Bắc Kinh sẽ sớm ký kết một thỏa thuận. Theo thỏa thuận này, Mỹ dự kiến sẽ giảm một số thuế quan, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa nông sản của Mỹ hơn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng mặc dù giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Cuối phiên này, vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.484,97 USD/ounce; vàng giao tháng 2/2020 tăng 0,5%, lên 1.488,70 USD/ounce.
Theo chuyên gia phân tích Rhona O'Connell từ INTL FCStone, giới đầu tư đang quan sát những nguy cơ bất ổn chính trị trong dài hạn và những rủi ro kinh tế vẫn tiềm ẩn tại các nền kinh tế lớn. Trong khi đó, việc Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và căng thẳng tại khu vực Trung Đông góp phần thúc đẩy đà đi lên của giá vàng. Mối quan ngại về “sức khỏe” một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã hỗ trợ nhu cầu mua vào các tài sản an toàn, qua đó đẩy giá vàng tăng.
Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo nước này sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hàng loạt sản phẩm từ ngày 1/1/2020 nhằm thúc đẩy phát triển thương mại chất lượng cao. Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cân nhắc lại các điều kiện của thỏa thuận thương mại, song những bất ổn vẫn còn tồn tại. Các chuyên gia phân tích cho rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán về thỏa thuận này bị thất bại sẽ đều là động lực "nâng đỡ" giá vàng.
Về những kim loại quý khác, giá palađi tăng 1,2%, lên 1.877,60 USD/ounce; bạch kim tăng 2,9%, lên 935,02 USD/ounce; trong khi giá bạc tăng 1,3%, lên 17,41 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng đạt mức cao nhất gần 7 tháng do tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung và số liệu kinh tế được cải thiện, làm gia tăng triển vọng nhu cầu kim loại.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.190 USD/tấn. Tính từ đầu tháng đến nay, đồng tăng hơn 5%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn mức cao nhất năm 2018 – là thời điểm trước khi tranh chấp thương mại xảy ra ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, giá nhôm tăng 0,2% lên 1.804 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 6 tuần do lượng nhôm lưu kho tại London giảm xuống 1,2 triệu tấn và dự trữ nhôm lưu tại sàn Thượng Hải giảm xuống 193.820 tấn, thấp nhất gần 3 năm.
Trong nhóm sắt thép, giá thép tại Thượng Hải tăng sau khi các thành phố sản xuất thép chủ chốt của Trung Quốc – nằm ở miền Bắc nước này - đưa ra cảnh báo ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí khu vực này.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,7% lên 3.538 CNY (504,62 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.572 CNY/tấn, đầu phiên giao dịch có lúc tăng 1,3%; thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,4% lên 14.440 CNY/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,1% xuống 639 CNY/tấn.
Thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn – đưa ra cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2, sau khi tỉnh Sơn Tây và Sơn Đông cảnh báo vào cuối tuần trước. Cảnh báo này đã làm gián đoạn sản xuất tại các nhà máy thép, đẩy giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tăng ngay cả khi nhu cầu trong mùa đông suy giảm, do hoạt động xây dựng chậm lại.
Trên thị trường nông sản, giá đường giảm do các nhà đầu tư điều chỉnh danh mục đầu tư trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giao dịch trầm lắng. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York giảm 0,7%, tương đương 9 US cent, xuống 13,45 US cent/lb, rời khỏi chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp. Đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,3%, tương đương 0,9 USD, xuống 357,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York giảm 5,4 US cent, tương đương 4,1%, xuống 1,253 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 39 USD tương đương 2,8% xuống 1.335 USD/tấn.
Giá đậu tương tại Mỹ đạt mức cao nhất 6 tuần do lạc quan Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động mua đậu tương của Mỹ, sau thông báo về việc hai nước sắp đạt thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1".
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ giảm thuế quan đối với một số sản phẩm từ thịt lợn và bơ đông lạnh đến chất bán dẫn vào năm tới, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực tăng nhập khẩu giữa lúc nền kinh tế chậm lại và tiếp diễn cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 4 US cent lên 9,42-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 9,46-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 8/11/2019; ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1 US cent lên 3,88-3/4 USD/bushel; trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 2-3/4 US cent xuống 5,39-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm do các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh vào tuần trước, song lo ngại sản lượng và dự trữ vào đầu năm 2020 ở mức thấp đã hạn chế đà giảm.
Dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 6 ringgit, tương đương 0,21%, xuống 2.906 ringgit (701,59 USD)/tấn, sau khi tăng hơn 2% trong tuần trước đó. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ tăng hơn 35%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 trong ngày 11/12/2019, sau 2 năm giảm liên tiếp.
Giá cao su tại Tokyo tăng nhẹ trong bối cảnh lạc quan rằng Bắc Kinh và Washington sẽ tiến gần đến việc ký kết 1 thỏa thuận thương mại, mặc dù giá cao su tại Thượng Hải giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn TOCOM tăng 0,3 JPY (0,0027 USD) lên 193,6 JPY/kg. Trong khi đó trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 100 CNY (14,26 USD) xuống 12.715 CNY/tấn; cao su TSR20 giảm 105 CNY xuống 10.640 CNY/tấn.
Nguồn:VITIC/ Reuters