Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng do những lo ngại về tình hình nguồn cung trên thị trường toàn cầu, trong đó giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất của bốn năm, mặc dù đà tăng bị hạn chế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc tăng 0,67 USD lên 81,87 USD/thùng, trước đó có lúc lên tới 82,55 USD/thùng, cao nhất kể từ 10/11/2014; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD lên 72,28 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2018.
Giá dầu Brent đang hướng đến quý tăng thứ năm liên tiếp - chuỗi tăng kéo dài nhất kể từ đầu năm 2007.
Giá naphtha trên thị trường châu Á vừa lập kỷ lục cao nhất 4 tháng theo xu hướng giá dầu thô thế giới, mặc dù nguồn cung dồi dào. Hợp đồng giao ngay đã vợt mức 700 USD/tấn (CFR Nhật Bản). Nguồn cung naphtha tại châu Á đang nhiều, trong khi một số tàu chở mặt hàng này vẫn đang tới. Tuy nhiên, nhu cầu cũng mạnh (từ các ngành sản xuất hóa dầu và olefin).
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới gây lo ngại về tình hình nguồn cung xăng dầu toàn cầu.
Trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc, Tổng thống Trump nhắc lại lời kêu gọi OPEC bơm thêm dầu và ngừng tăng giá. Nhóm OPEC và các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, Oman và Kazakhstan, vừa nhóm họp hồi cuối tuần qua để thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu, song kết thúc cuộc họp mà không đưa ra quyết định nào. Ngoài ra, việc Washington có thể sẽ áp đặt thêm trừng phạt lên Iran sau lệnh trừng phạt dầu trong tháng 11/2018 dự kiến sẽ có tác động ngay lập tức lên hoạt động xuất khẩu của nước sản xuất dầu lớn thứ ba OPEC.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) dự báo nhu cầu dầu tăng mạnh khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Ông Fereidun Fesharaki, người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tư vấn FACTS Global Energy, nhận định, nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nguồn cung dầu thô từ Iran bị cắt đứt hoàn toàn, giá dầu có thể sẽ chạm đỉnh 4 năm ở 100 USD/thùng.
Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Việc cô lập hoàn toàn nguồn cung dầu thô của Iran với thế giới sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh bởi các quốc gia sản xuất lớn khác sẽ không thể dễ dàng lấp được chỗ trống ngay, theo ông Fesharaki.
Tuy nhiên, theo ông Fesharaki, thời điểm giá dầu chạm đỉnh 4 năm ở 100 USD/thùng phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại như thế nào. Quan hệ thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới ngày càng căng thẳng, tác động lớn đến tâm lý thị trường. Theo nhận định của ông Fesharaki, nếu chiến tranh thương mại khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, ngành dầu khí cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong bối cảnh đồng USD yếu đi trước ngày diễn ra cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, đà tăng của vàng cũng bị hạn chế phần nào bởi những số liệu khá tích cực về kinh tế Mỹ - một yếu tồ thường hay hỗ trợ đồng bạc xanh.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.200,6 USD/ounce; vàng giao tháng 12/2018 tăng 0,1% (0,70 USD) lên khép phiên ở mức 1.205,1 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này giảm 0,13% xuống 94,15 (điểm). Giới đầu tư có tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp của Fed nhằm tìm kiếm những chỉ dấu về tiến trình tăng lãi suất của thể chế này trong tương lai.
Fed dự kiến sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày về chính sách tiền tệ từ thứ Tư 26/9/2018. Theo chiến lược gia Matthew Turner thuộc công ty tư vấn Macquarie, giá vàng có thể đi lên nếu Fed tỏ ra “mềm mỏng” hơn với chính sách tiền tệ. Song khả năng này hiện thời là khá thấp khi các số liệu về kinh tế Mỹ chưa yếu đi quá nhiều. Nhìn chung, chuyên gia này đánh giá tình hình thị trường hiện tại chưa đủ mạnh để tạo đà đi lên cho giá vàng.
Nhà chiến lược đầu tư cấp cao Rob Haworth thuộc U.S. Bank Wealth Management cho biết thị trường sẽ rất chú ý tới các từ ngữ được Fed sử dụng. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm tới việc liệu Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - có dự kiến tăng lãi suất thêm ba lần nữa vào năm sau hay không.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,6% lên 14,45 USD/ounce sau khi vào đầu phiên đã có lúc chạm 14,56 USD/ounce – mức cao nhất kể từ ngày 31/8 tới nay, giá bạch kim giảm 0,2% xuống 822,8 USD/ounce, giá palađi tăng 0,3% lên 1.062,20 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng, kẽm và các kim loại cơ bản khác đều giảm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua bởi lo ngại về triển vọng kinh tế của nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Một lý do khác cũng góp phần làm giảm giá, đó là sự điều chỉnh xu hướng sau ngày nghỉ lễ (phiên giao dịch liền trước – thứ Sáu ngày 21/9/2018 – giá đã tăng khá mạnh).
Với hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London, giá đồng đã giảm 0,6% xuống 6.318 USD/tấn, kẽm giảm 2,2% xuống 2.507 USD/tấn, nhôm nhích nhẹ 0,5% lên 2.071 USD/tấn, chì giảm 1,7% xuống 2.009 USD/tấn, nickel giảm 0,04% xuống 12.950 USD/tấn và thiếc giảm 0,1% xuống 18.900 USD/tấn.
Một số thông tin liên quan tới yếu tố cơ bản, tồn trữ đồng trên sàn LME tiếp tục giảm xuống 212.925 tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2018; trong khi sản lượng nhôm nguyên khai trên toàn cầu tháng 8/2018 tăng lên 5,485 triệu tấn, từ 5,476 triệu tấn của tháng 7/2018 (theo Viện Nhôm Quốc tế).
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần khi các nhà đầu tư trở lại thị trường sau ngày nghỉ lễ với tâm trạng hoang mang khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biểu hiện qua việc Mỹ vẫn thực hiện kế hoạch áp thuế mới lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 24/9/2018.
Thép cây kỳ hạn giao tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải đầu phiên vừa qua chạm mức thấp nhất kể từ 14/9/2018, và kết thúc phiên vẫn thấp hơn 1,8% so với ngày 21/9/2018 (phiên giao dịch gần đây nhất) xuống 4.060 CNY (592 USD)/tấn.
Thị trường thép càng thêm áp lực khi Hiệp hội Thép Thế giới vừa công bố sản lượng thép thô toàn cầu tháng 8/2018 tăng 2,6% so với tháng 7/2018, lên 152 triệu tấn, trong đó sản lượng của Trung Quốc đạt 80,3 triệu tấn (tăng 2,7% so với tháng 8 năm ngoái).
Quặng sắt giao tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên đầu phiên vừa qua cũng chạm mức thấp nhất kể từ 13/9/2018, và kết thúc ngày ở 497 CNY/tấn, giảm 1% so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 12/2018 tiếp tục giảm thêm 1,4 US cent tương đương 1,4% xuống 97,1 US cent/lb do đồng real Brazil giảm thấp. Robusta cũng giảm, với hợp đồng giao tháng 11/2018 giảm 6 USD tương đương 0,4% xuống 1.507 USD/tấn.
Đường cũng giảm, với đường thô giao tháng 10/2018 giảm 0,02 US cent tương đương 0,19% xuống 10,36 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 12/2018 giảm 20 US cent tương đương 0,06% xuống 317,50 USD/tấn.
Đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng, tăng 0,6% lên 8,45-3/4 USD/bushel. Thị trường đậu tương gần đây biến động rất mạnh bởi đậu tương chính là loại nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc. Từ giữa tháng 7/2018, giá đậu tương đã giảm khoảng 30% và tuần trước đã xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua đậu tương Argentina vì bất đồng với Mỹ và nguồn cung của Brazil không đủ, trong khi Brazil - nước xuất khẩu đậu tương số 1 thế giới, dự kiến cũng sẽ phải nhập khẩu 1 triệu tấn đậu tương Mỹ trong những tháng tới do nguồn cung trong nước sụt giảm. Theo Oil World, thị trường Trung Quốc đã không tiếp nhận đậu tương Mỹ từ tháng 7/2018, khi Mỹ bắt đầu tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và chính điều này đang gây xáo trộn thị trường toàn cầu, trong bối cảnh thời tiết xấu làm mất mùa ở nhiều nơi. Ngay cả Đức, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Liên minh châu Âu, cũng được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng ngũ cốc (trong đó có hạt có dầu – mặt hàng cạnh tranh với đậu tương) sau khi bị hạn hán nghiêm trọng.
Argentina dự kiến xuất khẩu 100.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc trong tháng 9 này, và kỳ vọng có thể xuất khẩu 1,8 triệu tấn trong giai đoạn tháng 9/2018 đến tháng 2/2019 (so với số 0 ở cùng kỳ năm trước). Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ mua gần như toàn bộ khối lượng đậu tương xuất khẩu của Argentina (1,9 triệu tấn trong giai đoạn tháng 9/2018 – 2/2019, vo với 1,77 triệu tấn cùng kỳ năm trước).
Giá cao su trên sàn Tokyo đạt mức cao nhất 3 tuần vào đầu phiên giao dịch 25/9/2018 (170,8 JPY/kg, hợp đồng giao tháng 3/2019), nhưng đã nhanh chóng quay đầu giảm sau đó, và kết thúc ở mức 169,6 JPY/kg, giảm 0,9% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố tác động trái chiều: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và giấ dầu thô trong ngày 25/9/2018 có lúc lập đỉnh 4 năm. Cũng vì lý do đó, giá cao su tại Thượng Hải vẫn tăng nhẹ 30 CNY lên 12.535 CNY (1.826 USD)/tấn (hợp đồng giao tháng 1/2019).
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu trong 7 tháng đầu năm 2018 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,158 triệu tấn, trong khi đó sản lượng tăng 3,7% lên 7,372 triệu tấn (thiếu hụt 786.000 tấn). Thời tiết xấu đã làm giảm sản lượng ở Malaysia, Việt Nam,Ấn Độ và Sri Lanka trong mấy tháng trước.
Giá hàng hóa thế giới
Mặt hàng
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
72,28
|
+0,20
|
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
81,87
|
+0,67
|
+0,83%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
53.860,00
|
+100,00
|
+0,19%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
3,07
|
-0,01
|
-0,26%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
205,65
|
-1,12
|
-0,54%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
229,79
|
-0,74
|
-0,32%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
713,50
|
+11,75
|
+1,67%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
71.900,00
|
-100,00
|
-0,14%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.206,30
|
+1,20
|
+0,10%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.348,00
|
+10,00
|
+0,23%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
14,51
|
+0,02
|
+0,12%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
52,20
|
+0,50
|
+0,97%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
824,64
|
+1,61
|
+0,20%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.060,00
|
-1,87
|
-0,18%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
282,15
|
-0,20
|
-0,07%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
6.318,00
|
-35,00
|
-0,55%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
2.071,00
|
+11,00
|
+0,53%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.507,00
|
-57,00
|
-2,22%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
18.900,00
|
-25,00
|
-0,13%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
363,75
|
+3,25
|
+0,90%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
520,75
|
-6,25
|
-1,19%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
257,00
|
-2,25
|
-0,87%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
9,88
|
+0,05
|
+0,46%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
845,75
|
+4,75
|
+0,56%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
309,20
|
+1,70
|
+0,55%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
28,65
|
+0,13
|
+0,46%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
490,90
|
+1,60
|
+0,33%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.195,00
|
-40,00
|
-1,79%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
97,10
|
-1,40
|
-1,42%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
11,15
|
-0,08
|
-0,71%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
149,80
|
+3,35
|
+2,29%
|
Bông
|
US cent/lb
|
78,99
|
+0,41
|
+0,52%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
336,90
|
-2,70
|
-0,80%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
168,00
|
+0,20
|
+0,12%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,29
|
+0,02
|
+1,26%
|
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg
Nguồn:Vinanet