Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1%, dầu Brent lên cao nhất 7 tuần trong khi dầu Mỹ cao nhất 3 tuần. Lý do bởi dự trữ xăng và dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và xuất khẩu dầu thô Iran cũng giảm do các biện pháp trừng phạt của Mỹ tác động đến khách mua.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6% (1,19 USD) lên 77,14 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 77,41 USD/thùng –cao nhất kể từ 11/7/2018. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,4% (98 US cent) lên 69,51 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,75 USD/thùng – cao nhất kể từ 7/8/2018.
Chủ tịch Lipow Oil Associates, Andrew Lipow, nhận định giá dầu phiên này được hỗ trợ bởi dự trữ dầu Mỹ giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm 2,6 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn mức giảm dự đoán 686.000 thùng dầu được các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra. Iran và Venezuela giảm xuất khẩu dầu cũng góp phần đẩy giá tăng. Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran trong tháng 8/2018 dự đoán giảm xuống dưới ngưỡng 70 triệu thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2017. Nhiều khách hàng đã giảm lượng đơn đặt hàng từ Iran – nước sản xuất dầu lớn thứ ba của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – trước ngày 4/11/2018 khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.
Tại Venezuela, nơi sản lượng khai thác dầu giảm một nửa kể từ năm 2016, nhằm ngăn chặn đà sụt giảm, Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh PDVSA ngày 28/8/2018 cho biết đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 430 triệu USD để nâng sản lượng thêm 640.000 thùng/ngày tại 14 mỏ dầu, mặc dù một số chuyên gia tỏ ra nghi ngại về khả năng thực hiện khoản đầu tư này trước tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị của Venezuela.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định thị trường dầu toàn cầu có thể thắt chặt vào cuối năm nay do nhu cầu mạnh trong khi thiếu chắc chắn về sản lượng ở một số nước sản xuất.
Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ Merrill Lynch dự đoán nguồn cung dầu toàn cầu có thể tăng vào cuối năm bởi sản lượng khai thác dầu tăng tại các nước sản xuất dầu nằm ngoài OPEC là Canada, Mỹ và Brazil. Công ty năng lượng Equinor của Na Uy cho biết đang lên kế hoạch phát triển các khu vực khai thác dầu mới tại Brazil và dự định nâng sản lượng từ mức 90.000 thùng dầu/ngày lên 300.000-500.000 thùng/ngày vào năm 2030.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay tăng do USD giảm, nhưng vàng giao sau giảm bởi triển vọng Mỹ tăng lãi suất. Vàng đang tiến tới tháng thứ 5 liên tiếp giảm – kéo dài nhất kể từ đầu năm 2013.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.205,20 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/8/2018 là 1.214,28 USD/ounce (hôm 28/8/2018); vàng giao tháng 12/2018 giảm 2,9 USD (0,2%) xuống 1.211,50 USD/ounce do chứng khoán toàn cầu mạnh lên và triển vọng Mỹ tăng lãi suất.
Chuyên gia phân tích Ole Hansen thuộc ngân hàng Saxo Bank nhận định giá vàng giao ngay hiện cao hơn một chút do đã đạt được ngưỡng hỗ trợ 1.200 USD/ounce. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,6% trong ngày 28/8.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,4% lên 14,73 USD/ounce; bạch kim tăng 1,4% lên 796,30 USD/ounce, trong khi palađi tăng 1,9% lên 959,30 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và thép giảm sau cảnh báo những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể gia tăng vào nửa cuối năm nay. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho rằng Chính phủ nước này cần nỗ lực hơn nữa để đạt các mục tiêu phát triển cơ bản.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 6.086 USD/tấn. Giá thép tại Trung Quốc giảm phiên thứ 6 liên tiếp. Thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 1,5% xuống 4.160 CNY (605 USD)/tấn. Tuy nhiên, yếu tố ngăn giá thép giảm mạnh là biện pháp cắt giảm sản lượng thép trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.
Giá nhôm tăng do chi phí đầu vào như alumina và năng lượng đều tăng. Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,8% lên 2.172 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.178 USD/tấn (cao nhất 2 tuần).
Ngày 28/8/2018, Bộ trưởng Công nghiệp Nga, ông Denis Manturov cho biết, quốc gia này đang lên kế hoạch hỗ trợ nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, Rusal, chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra hồi tháng 4, gồm cả việc mua đồng cho dự trữ quốc gia.
Hồi tháng 4/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa doanh nhân người Nga Oleg Deripaska và công ty do ông sở hữu, Rusal, vào danh sách đen, đóng băng phần lớn hàng xuất khẩu của công ty, khiến chuỗi cung ứng của công ty tê liệt và nhiều khách hàng phải ngừng mua. Các biện pháp trừng phạt gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường nhôm toàn cầu, mặc dù khách hàng quốc tế của Rusal đã được cho thời hạn đến ngày 23/10/2018 để hoàn tất hoạt động kinh doanh với công ty. En + Group, công ty mẹ của Rusal, cũng chịu lệnh trừng phạt.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 0,15 US cent tương đương 0,2% xuống 1,029 USD/lb. Tuy nhiên đó vẫn sát mức thấp nhất 12 năm chạm tới hồi tuần trước (99,3 US cent) và thấp hơn cả chi phí sản xuất ở nhiều nước. Lý do bởi đồng real Brazil yếu đi tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu của nước này hạ giá bán.
Trái lại, robusta giao tháng 11/2018 tăng 10 USD tương đương 0,7% lên 1.546 USD/tấn bất chấp dự báo sản lượng của Việt Nam sẽ bội thu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, vụ 2018/19, Việt Nam sẽ thu hoạch kỷ lục 29,9 triệu bao cà phê, tăng 2% so với niên vụ trước, chủ yếu là robusta.
Đường trắng trên sàn London trong ngày giao dịch 29/8/2018 có lúc đạt mức cao nhất 1 tháng, 329,60 USD/tấn, do lo ngại sản lượng của châu Âu có thể giảm do thời tiết khô hạn. Kết thúc phiên, giá ở mức 321,60 USD/tấn, tăng 4,4 USD tương đương 1,4% so với phiên trước đó.
Hợp đồng đường trắng giao tháng 10/2018 sẽ đáo hạn vào ngày 14/9/2018, và đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư đang mua mạnh. Mức chênh lệch giá giữa đường trắng với đường thô (kỳ hạn giao tháng 10/2018) đã lên tới khoảng 93 USD, cao nhất trong lịch sử.
Đường thô phiên vừa qua cũng tăng 0,06 US cent tương đương 0,6% lên 10,37 US cent/lb trên sàn New York.
Giá cao su tại Tokyo kết thúc 4 phiên giảm khi một số nhà đầu tư mua vào nhân cơ hội giá rẻ. Kết thúc phiên, hợp đồng giao tháng 2/2019 tăng 0,3 JPY lên 172,5 JPY (1,56 USD)/kg. Tuy nhiên, tại Thượng Hải và Singapore, giá giảm lần lượt 55 CNY xống 12.340 CNY (1.808 USD)/tấn và 0,3 US cent xuống 132,7 US cent/kg.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ngày 26/8/2018 công bố báo cáo cho hay, tiêu thụ cao su toàn cầu đang gia tăng, theo đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới tăng 5,2% trong 7 tháng đầu năm lên 8,15 triệu tấn, trong khi sản lượng cùng kỳ chỉ đạt 7,3 triệu tấn. Sự chênh lệch giữa cung và cầu một phần là do thiếu hụt sản lượng tại các quốc gia sản xuất chính dưới ảnh hưởng của lũ lớn trong mùa gió mùa và giá thấp, đặc biệt là ở Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka.
Mặc dù sản xuất thiếu hụt tại một số quốc gia láng giềng, nhưng sản lượng cao su của Campuchia dự kiến sẽ tăng trong năm 2018 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Không giống như những quốc gia khác trong khu vực, nơi các đồn điền cao su nằm trong địa hình bằng phẳng, trang trại cao su của Campuchia chủ yếu ở các vùng đồi núi, cho phép sản xuất tăng trưởng bất chấp lũ lụt trong thời gian gần đây, theo ông Sopha.
“Có nhiều dấu hiệu tốt đối với ngành cao su Campuchia. Đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sản xuất khoảng 220.000 tấn cao su”, ông Pol Sopha, Tổng giám đốc của Tổng cục Cao su Campuchia cho biết. Theo ông, điều kiện thời tiết tốt trong nước đang cho phép sản xuất tăng trưởng. "Campuchia đã sản xuất cao su từ năm 2007 và chúng tôi hy vọng sản xuất sẽ tiếp tục mở rộng".
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
69,51
|
+0,98
|
+1,4%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
77,14
|
+1,19
|
+1,6%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
51.220,00
|
+1.010,00
|
+2,01%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,90
|
+0,04
|
+1,51%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
211,24
|
+0,64
|
+0,30%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
224,67
|
+0,46
|
+0,21%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
692,00
|
+6,25
|
+0,91%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
69.120,00
|
+910,00
|
+1,33%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.211,60
|
+0,10
|
+0,01%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.320,00
|
+30,00
|
+0,70%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
14,78
|
-0,03
|
-0,20%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
53,00
|
+0,60
|
+1,15%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
795,56
|
-2,04
|
-0,26%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
960,35
|
-5,16
|
-0,53%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
272,60
|
-1,05
|
-0,38%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
6.086,00
|
-61,00
|
-0,99%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
2.172,00
|
+38,50
|
+1,80%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.512,00
|
-28,00
|
-1,10%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
18.940,00
|
-115,00
|
-0,60%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
357,75
|
+1,25
|
+0,35%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
546,75
|
+5,00
|
+0,92%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
253,25
|
+1,25
|
+0,50%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
10,83
|
-0,04
|
-0,32%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
838,50
|
+2,50
|
+0,30%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
305,70
|
+0,50
|
+0,16%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
28,46
|
+0,04
|
+0,14%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
491,90
|
+0,60
|
+0,12%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.349,00
|
+29,00
|
+1,25%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
102,90
|
-0,15
|
-0,15%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
10,37
|
+0,06
|
+0,58%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
153,05
|
-0,35
|
-0,23%
|
Bông
|
US cent/lb
|
82,76
|
-0,82
|
-0,98%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
411,40
|
-9,00
|
-2,14%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
173,20
|
+0,70
|
+0,41%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,27
|
-0,03
|
-2,16%
|
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg
Nguồn:Vinanet