Đến giữa tháng 5, ngành mía đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020-2021. Lũy kế tổng lượng mía ép gần 6,3 triệu tấn mía; chỉ sản xuất được 667.208 tấn đường, thấp hơn rất nhiều so các niên vụ trước.
Mía đường Việt Nam điêu đứng vì đường nhập khẩu giá rẻ
Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), số liệu trên đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp.
Lượng đường phá giá tràn vào thị trường, mà đỉnh điểm là năm 2020 đã khiến giá đường trong nước giảm thấp, dẫn đến giá thu mua mía bắt buộc phải giảm.
Có những thời điểm, giá mua mía thấp hơn giá thành sản xuất mía. Nông dân buộc phải chuyển đổi cây trồng. Do đó diện tích đất trồng mía ngày càng thu hẹp.
Theo VSSA, số hộ nông dân trồng mía và diện tích trồng mía ngày càng suy giảm. Niên vụ 2020-2021, diện tích trồng mía chỉ còn khoảng 50% so với diện tích vụ 2016-2017. Khoảng 109.331 hộ nông dân không thể tiếp tục sản xuất mía.
Theo VSSA, số hộ nông dân trồng mía và diện tích trồng mía ngày càng suy giảm. Niên vụ 2020-2021, diện tích trồng mía chỉ còn khoảng 50% so với diện tích vụ 2016-2017. Khoảng 109.331 hộ nông dân không thể tiếp tục sản xuất mía.
Không chỉ 109.331 hộ nông dân trồng mía gặp khó khăn, mà những hộ nông dân còn đang cố gắng duy trì trồng mía (110.141 hộ) cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn nợ nần do không thể chuyển đổi được trong khi thu nhập từ cây mía quá thấp.
Đây là thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà chưa quốc gia trồng mía nào trong khối ASEAN phải gánh chịu vì sự sút giảm vùng nguyên liệu.
Kéo theo đó là các nhà máy buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Lượng nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa cũng là mức kỷ lục trong khối ASEAN.
Số nhà máy đường ngừng hoạt động
VSSA xác định rằng có sự liên quan mật thiết giữa mức thuế áp cho đường thô nhập khẩu và giá mua mía cho nông dân.
Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan (bao gồm đường tinh luyện và đường thô) đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.
Do đó, mức thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88% (thấp hơn mức phá giá).
VSSA cho rằng mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô thấp hơn mức bán phá giá nêu trên cần được xem xét lại.
Nông dân Long An thẫn thờ bên ruộng mía vì giá mua mía thấp. (Ảnh: Trần Đáng)
Đầu năm 2021, VSSA khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá mua mía. Đồng thời cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận.
Những động thái này nhằm giúp nông dân có thể tồn tại, có thể tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường, và phục hồi diện tích trồng mía.
Hưởng ứng khuyến cáo của VSSA, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt nâng giá mua mía. Giá mua mía vụ ép 2020-2021 đạt bình quân hơn 1 triệu đồng/tấn.
Giá mua mía này đã tăng từ 150.000- 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây và đã được bà con nông dân hưởng ứng, chấp nhận.
VSSA ước tính, giá đường thô Thái Lan nhập khẩu sau khi đóng thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) ở mức 33,88% và mức 5% (đối với đường có xuất xứ ASEAN) theo mức giá của hai năm 2019 và 2020: là hơn 10,8 triệu đồng/tấn.
Theo cách tính được các quốc gia trồng mía trong ASEAN thừa nhận: Giá mía chiếm từ 65-70% giá đường.
Với giá đường thô hơn 10,8 triệu đồng/tấn như trên, giá mía chỉ còn khoảng 700.000- 750.000 đồng/tấn.
Vùng trồng mía ở Gia Lai. (Ảnh:Nguyễn Diệp)
VSSA xác định, phòng vệ thương mại phải bảo đảm cho người nông dân được hưởng giá mía tương đương với các đồng nghiệp trong khu vực. Khi đó ngành đường Việt Nam mới có cơ may tồn tại.
Với giá mua mía tương quan với giá đường thô nhập khẩu như trên, các nhà máy đường không thể duy trì giá mua mía trong vụ 2021-2022 tới đây theo khuyến cáo của Hiệp hội.
Đường nhập khẩu giá thấp sẽ dìm giá đường xuống. Khi đường mía sản xuất trong nước không bán được hoặc bán dưới giá thành thì nhà máy cũng không thể duy trì giá mua mía và thanh toán tiền mía cho nông dân, VSSA nhận định.
Hành trình tìm công lý cho mía đường Việt Nam
Theo Hiệp hội người trồng mía Tây Ninh, khi việc cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan được loại bỏ; năng lực sản xuất nông dân khu vực Tây Ninh hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhận định, trình độ sản xuất mía ở Việt Nam hoàn toàn tương đương với các nước khác trong khu vực. Thậm chí, trong cùng điều kiện thời tiết không thuận lợi, Việt Nam vẫn có năng suất cao hơn Thái Lan.
Một số khu vực trồng mía của Việt Nam còn có mô hình sản xuất hàng đầu trong ngành mía đường thế giới, với mức năng suất hơn 10 tấn đường/ha. Cụ thể như ở vùng Cù Lao Dung (Đồng Tháp), Câu lạc bộ 200 tấn vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang)...
Nông dân thu hoạch mía ở Tây Ninh. (Ảnh: Công Điều)
Theo kết luận điều tra của Cục Phòng Vệ Thương Mại, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan trong thời kỳ điều tra (từ 1/7/2019 đến 30/6/2020) là 867.154 tấn; chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu.
Kết luận này đánh giá:
. Có tác động kìm giá giữa hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan và hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;
. Có sự suy giảm đáng kể về sản lượng, công suất thiết kế, hiệu suất sử dụng của các nhà máy sản xuất đường;
Những tác động này đã dẫn đến:
. Diện tích trồng mía và số lượng nông dân tham gia trồng mía giảm mạnh sau 4 năm
. Một loạt các nhà máy đường trong nước đã phái đóng cửa, tác động nghiêm trọng đến vấn đề việc làm của người lao động và thu nhập của nông dân.
. Các yếu tố khác như: sự gia tăng xuất khẩu của ngành sản xuất trong nước, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước... không phải là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sán xuất trong nước.
Hàng hóa nhập khẩu bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Từ những kết luận trên, cơ quan điều của Cục đã kiến nghị Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán giá và chống trợ cấp chính thức đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 05 năm.
Đến ngày 15/6, Bộ Công Thương chính thức ra Quyết định số 1578 thông báo:
(i) Mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%
(ii) Mức thuế chống trợ cấp chính thức: 4,65%
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức là 5 năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/6/2021.
Nông dân huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thu hoạch để vận chuyển về nhà máy. (Ảnh: Anh Ngọc)
Từ cuối ngày 15/6, khi nhận được Quyết định chính thức của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Út bảo mình đã có một đêm không ngủ được vì vui mừng.
Ông Út là nông dân trồng mía của tỉnh Phú Yên, một trong những người trông chờ và ủng hộ mạnh mẽ quyết định áp thuế CBPG, CTC các sản phẩm đường nhập khẩu của Thái Lan.
Ông Út cho rằng nông dân trồng mía là đối tượng chính, đóng vai trò cốt lỗi đối với toàn bộ chuỗi sản xuất mía đường. Vì vậy, người nông dân trồng mía phải được coi là bên liên quan trong vụ việc điều tra CBPG, CTC này.
Trước đó, ông Út còn đề nghị áp dụng thuế CBPG và CTC đối với đường trắng và đường thô với cùng một mức thuế là 48,88%.
Đại diện Hiệp hội VSSA, ngày 15/6 là một dấu mốc đáng nhớ trong hành trình đòi lại công bằng cho nông dân trồng mía và ngành mía đường Việt Nam. Với "tấm áo giáp" là Quyết định số 1578, hi vọng ngành mía đường VN sẽ được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ hơn.