Nhộn nhịp thị trường Tết Đoan Ngọ tại TP Hồ Chí Minh
Từ sáng sớm, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đến các chợ truyền thống để mua các loại đồ cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ.
Theo quan niệm văn hóa của người Việt, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là "Tết diệt sâu bọ" là ngày Tết quan trọng thứ 2 trong năm, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Theo truyền thống của người Việt, trên bàn thờ dâng lên tổ tiên thường có các loại đồ cúng như trái cây, rượu nếp, chè, xôi, bánh ú tro... để cầu cho mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, đủ đầy trong một năm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, từ 6 giờ sáng ngày 3/6 tại các chợ truyền thống Phước Long B, Bà Chiểu, chợ Phước Bình, Đo Đạc (thành phố Thủ Đức), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp)… đã nhộn nhịp người mua, người bán các sản phẩm dùng để cúng cho dịp tết này.
Năm nay, các tiểu thương bán các mặt hàng đồ cúng Tết Đoan Ngọ khá đông và giá cả không tăng cao vì lo ngại không có người mua. Mặt khác, đa số các tiểu thương đều cố gắng giữ giá để người dân ai cũng có thể mua được đồ cúng cơ bản.
Bánh tro được mua nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ tại TP Hồ Chí Minh. Giá bánh ú loại nhỏ tại các chợ truyền thống có mức giá khoảng 60.000 - 75.000 đồng/chục. Bánh ú loại lớn 40.000 đồng/cái, bánh bá trạng 70.000 đồng/cái. Bánh tro (hay còn gọi là bánh gio, bánh ú tro, bánh nẳng) là một loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm bằng nước tro, sau đó đem gói lá và luộc chín trong nồi.Xôi chè cũng được báy bán khá nhiều tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh. Một hộp chè trôi nước có giá 30-45.000 đồng/hộp (tùy theo số viên trôi nước), xôi gấc có giá 20 -35.000 đồng/đĩa (tùy kích cỡ). Tại chợ Đo Đạc (thành phố Thủ Đức), cơm rượu có giá 30.000 - 45.000 đồng/hộp, bánh tro có giá 60.000 -75.000 đồng/chục...Năm nay, kinh tế khó khăn nên người dân TP Hồ Chí Minh cũng thắt chặt chi tiêu và mua đồ cúng Tết Đoạn Ngọ không nhiều như các năm trước. Tại các chợ truyền thống, giá mặt hàng trái cây tăng nhẹ. Giá măng cụt dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg, chôm chôm có 30.000- 40.000 đồng/kg, quýt đường có giá 50.000 - 55.000 đồng/kg...Vải thiều có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, nho đỏ có giá 100.000 -120.000 đồng/kg...
Các loại trái cây đặc trưng phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ như: mận Hà Nội (mận hậu), vải thiều... được bày bán khá nhiều tại TP Hồ Chí Minh và cũng được nhiều người dân mua về cúng. Giá các loại hoa tươi cũng tăng giá từ 1.000 - 2.000 đồng/bó. Cụ thể, giá hoa cúc loại thường 20.000 đồng/bó, cúc lưới 30.000 đồng/bó, hoa cát tường 45.000 -60.000 đồng/bó, hoa salem 35.000 đồng/bó...Theo các tiểu thương tại TP Hồ Chí Minh, giá các loại lá dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ năm nay cũng tăng nhẹ, nhưng họ vẫn giữ giá bàn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Người dân thường mua 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn và sả về nấu nước xông trong ngày Tết Đoan Ngọ để giảm bớt bệnh tật và xua đuổi tà ma. Ngoài ra, người dân cũng mua vài cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma.Giá một bó lá xông và cây xương rồng dao động từ 10.000 -15.000 đồng/bó tùy theo chợ.Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân cũng chọn mua những con gà trống để làm mâm cơm cúng tổ tiên. Giá gà thịt dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Đến gần 9 giờ, lượng khách mua đồ cúng Tết Đoan Ngọ tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh vẫn khá đông.
Giá tiêu hôm nay 3/6: Tiếp đà tăng tại Đông Nam bộ
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp đà tăng. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mức 71.500 – 75.000 đồng/kg. Thị trường nhiều tín hiệu tích cực
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ 500 đồng/kg tại khu vực Đông Nam bộ. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần này. Với mức tăng này, giá tiêu trong nước hiện đang dao động quanh mức 71.500 – 75.000 đồng/kg.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay duy trì ổn định. Cụ thể, giá tiêu tại Gia Lai hôm nay ở mức 71.500 đồng/kg. Tại Đắk Nông, Đắk Lắk 73.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 72.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; Bình Phước 74.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu đứng ở mức cao nhất khi được thu mua ở mức 75.000 đồng/kg – mức cao nhất thị trường.
Những ngày đầu tháng 6/2022, thị trường hồ tiêu trong nước cho thấy chiều hướng tích cực khi liên tiếp có những ngày tăng đều.
Mặc dù giá tăng, song theo ghi nhận thực tế lượng giao dịch không nhiều. Các bên hiện vẫn "thăm dò" nhau. Năm nay, người dân vẫn giữ tâm lý găm hàng. Đây cũng là một trong những yếu tố giữ được giá tiêu không giảm mạnh giai đoạn từ tết Nguyên đán đến nay.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cũng rất dè dặt. Từ đầu năm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, nhất là xăng dầu đẩy chi phí logicstics tiếp tục là gánh nặng cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc áp dụng thu phí cảng biển của TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/4/2022 càng khiến khó khăn của DN thêm chồng chất.
Giá lợn hơi hôm nay 3/6: Tăng 1.000 đồng/kg tại một số địa phương khu vực miền Nam
Giá lợn hơi hôm nay 3/6 đi ngang tại khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và tăng 1.000 đồng/kg tại một số địa phương khu vực miền Nam.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đứng yên tại hầu hết tỉnh thành và Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Cụ thể, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình và TP Hà Nội tiếp tục duy trì giá lợn hơi ở mốc 57.000 đồng/kg. Theo sát phía sau là Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam,... khi neo tại mốc 56.000 đồng/kg.
Cùng chung xu thế, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đi ngang tại tất cả địa phương trong khu vực và dao động trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk hiện thu mua với giá 54.000 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm qua. Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận là địa phương có giá lợn hơi cao nhất khu vực khi neo tại mức 56.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh thành còn lại tiếp tục giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng rải rác so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, thương lái hai tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long đang thu mua lợn hơi với giá là 57.000 đồng/kg, mức giá này cũng được ghi nhận tại Tiền Giang, Trà Vinh, và Bến Tre. Mức giá thấp nhất khu vực là 55.000 đồng/kg, ghi nhận tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu và Kiên Giang.
Vì sao giá xi măng tăng từ 55.000 - 80.000 đồng/tấn?
Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều doanh nghiệp thông báo điều chỉnh giá xi măng tăng từ 55.000 - 80.000 đồng/tấn, do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao.
Cụ thể như: Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, từ ngày 10/5 điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Công ty Cổ phần Xi măng vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn với tất cả các loại. Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý IV/2021.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tồn kho sản phẩm xi măng của cả nước trong 5 tháng năm 2022 khoảng 4,7 triệu tấn tương đương khoảng 20 - 25 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Nhận định của giới chuyên gia, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng.
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.
Được biết, trong đợt điều chỉnh tăng giá tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đều có mức tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn sản phẩm.
Năm 2021, ngành xi măng lập kỷ lục về tiêu thụ với 108,4 triệu tấn, tăng 8,1% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,9%; xuất khẩu gần 46 triệu tấn, tăng 20,1%.
Nguồn:VITIC/Baocongthuong/TTXVN