menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 1/11/2019: Giá gas tăng; XK chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc

16:37 01/11/2019

Vinanet - Giá gas tăng; Đài Loan tăng mua tôm Việt; Đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn đường năm 2019; Thạch đen chuẩn bị XK chính ngạch sang Trung Quốc… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Tháng 11 giá gas tiếp tục tăng
Theo plo.vn, từ đầu năm đến nay giá gas đã bảy lần tăng với tổng mức 69.000-69.500 đồng/bình 12 kg. Công ty Gas Pacific Petro, City Gas, EFF Gas cho biết từ ngày 1-11 sẽ tăng giá bán lên 3.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá 327.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự, Petrolimex Gas SaiGon cũng tăng 3.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng tại TP.HCM là 330.500 đồng/bình 12 kg. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) tăng 3.500 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 333.500 đồng/bình 12 kg.
Các công ty cho biết giá gas thế giới tháng 11 công bố 437,5 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng trước. Vì vậy các công ty điều chỉnh tăng tương ứng. Như vậy, từ đầu năm đến nay giá gas đã bảy lần tăng với tổng mức 69.000-69.500 đồng/bình 12 kg.
Xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Úc
Congthuong.vn đưa tin, theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, ngày 29/10/2019, hành trình thưởng thức sầu riêng Việt Nam tại Úc đã khởi hành từ Thương vụ đi qua nhiều đường phố Sydney. Hình ảnh quả sầu riêng được trang trí trên xe ô tô cổ cùng với dòng chữ “Vietnamese Durian” đã tạo được nhiều thú vị cho người đi đường.
Đây là hoạt động khởi đầu của Chương trình xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam do Thương vụ thực hiện nhằm thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng đông lạnh Việt Nam tại Úc. Trước đây sầu riêng đông lạnh Việt Nam cũng đã cập bến Úc với số lượng rất ít, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, nên khó cạnh tranh.
Thương vụ khuyến nghị đề cao giá trị bản địa, tôn vinh các yếu tố thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam để người tiêu dùng có ấn tượng. Việt Nam có dòng sầu riêng được người Trung Quốc và người Úc gốc Á rất yêu thích, có lợi thế khác biệt trong cạnh tranh. Đối với các giống sầu riêng nhập, có chất lượng ngon, cần phân tích đề cao đặc trưng thổ nhưỡng, thiên nhiên ưu đãi của Việt Nam đã tạo ra hương vị đặc sắc. Thương vụ sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá tại Úc để khẳng định đẳng cấp thương hiệu sầu riêng Việt Nam và mong muốn được phối hợp với các địa phương, vùng trồng và doanh nghiệp tâm huyết xây dựng thương hiệu.
Nông sản là một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam tại Úc. Hiện nay, Úc đã mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt Nam như vải, xoài, nhãn, thanh long…
Đài Loan tăng mua tôm Việt
Theo vnexpress.net, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 41,9 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng tốt nhất trong top 10 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam.
Đài Loan ưa chuộng tôm sú từ Việt Nam, chủ yếu như tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con tươi xẻ bướm đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú PUD đông lạnh. Tôm sú nguyên con tươi đông lạnh xuất sang Đài Loan có giá 6-8 USD một kg. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng nhập từ Việt Nam tôm chân trắng thịt đông lạnh, tôm chân trắng PTO nobashi, tôm chân trắng PD luộc đông lạnh, tôm chân trắng sushi hấp đông lạnh...
Theo thống kê của ITC, Việt Nam đứng thứ 2 trong top các thị trường tôm xuất vào Đài Loan, chiếm 16,6%.
Sáu tháng đầu năm, trong top 4 nguồn cung chính, nhập khẩu tôm vào Đài Loan từ Việt Nam và Honduras tăng trưởng tốt trong khi tôm từ Thái Lan sụt giảm mạnh.
Tỷ trọng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đài Loan chưa tăng như kỳ vọng là do thuế nhập vào thị trường này còn cao (khoảng 20%), đồng thời thị trường này áp dụng quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi.
Tuy nhiên, Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng cho tôm Việt Nam với thị hiếu đa dạng, cộng đồng người Việt khá đông đảo. Nhu cầu nhập tôm của Đài Loan cũng có xu hướng tăng những năm gần đây.
Đề xuất không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN
Theo vietnambiz.vn, dự thảo của Bộ Công thương nêu rõ, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường (mã HS 1701) có xuất xứ từ các nước ASEAN theo quy định của pháp luật hiện hành.
Số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng với các nước WTO.
Về thuế suất thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước ASEAN thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngày 31/10, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019 thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn đường (mã HS 17.01) trong năm nay.
Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được cấp cho 68.000 tấn đường thô (mã HS 17.01) và 30.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 17.01).
Thạch đen chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Thông tin từ nongnghiep.vn, các chuyên gia kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc vừa có chuyến thực địa kiểm tra, khảo sát, đánh giá vùng trồng thạch đen tại Việt Nam để chuẩn bị cho việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, dự kiến trong năm 2019.
Trong tháng 10/2019 vừa qua, hai chuyên gia kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra và làm việc với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng đánh giá cao tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế mà các phòng phân tích, thử nghiệm của Việt Nam hiện có, hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng việc phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng, dư lượng các sản phẩm thạch đen xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các hệ thống kho bãi của Việt Nam, các cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cần tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống kho bãi tốt hơn nữa nhằm tránh việc côn trùng xâm nhiễm vào hàng hóa trong quá trình lưu kho, vận chuyển trước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam cần xử lý loại bỏ một số loại cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc mọc lẫn cây thạch đen trong quá trình sơ chế, đóng gói.
Riêng về chất lượng, các chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao chất lượng thạch đen của Việt Nam và khẳng định chất lượng thạch đen của Việt Nam ngon hơn thạch đen đang được trồng tại Trung Quốc.
Dự kiến, lô thạch đen đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư sẽ diễn ra trong tháng 11 hoặc 12 năm 2019.
Đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn đường năm 2019
Theo vietnambiz.vn, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019 thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn đường (mã HS 17.01) trong năm nay.
Theo thông báo, đối tượng và phạm vi tham gia đấu giá gồm thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng kí tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô; thương nhân sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng kí tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện.
Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được cấp cho 68.000 tấn đường thô (mã HS 17.01) và 30.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 17.01).
Mức giá khởi điểm đối với đường thô và đường tinh luyện là 2,45 triệu đồng/tấn. Bước giá trong phiên đấu giá là 50.000 đồng/tấn.
Tiền đặt trước được tính theo công thức: (giá khởi điểm x số lượng đường đăng kí mua quyền sử dụng hạn ngạch) x 10%.
Nguồn: VITIC