menu search
Đóng menu
Đóng

Tín đáng chú ý 14/11: Giá tôm giảm; sầu riêng, chanh, mít, thanh long tăng

08:24 14/11/2019

Vinanet - Nguồn cung tôm tăng, giá giảm; Cảnh báo heo dịch chạy “lậu” qua biên giới; giá sầu riêng lên đỉnh; chanh, mít, thanh long tăng… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Cảnh báo heo dịch chạy “lậu” qua biên giới
Thông tin từ thanhnien.vn, trong bối cảnh heo khan hiếm, để bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020, trong tháng 10, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp lớn, địa phương có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm.
Đặc biệt, có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu. Dường như mọi trấn an của cơ quan quản lý, phương án bình ổn giá thịt heo… chưa “chạm” đến thị trường. Giá heo thị trường tự do vẫn tăng như ngựa không cương. Trong khi đó, tình trạng nhập lậu heo bệnh qua đường biên giới lại gia tăng.
Mới đây, trong ngày 10.11, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Phú Hội, cùng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đã “mật phục” tại khu vực ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, phát hiện 1 thuyền máy chạy từ hướng Campuchia qua biên giới để vào Việt Nam để ra sông Châu Đốc.
Phát hiện có dấu hiệu khả nghi, tổ công tác đã truy đuổi và tiếp cận, phát hiện có khoảng 30 con heo với tổng trọng lượng ước tính 1,8 tấn được chở trên thuyền máy này. Tình trạng heo yếu, trầy xước và không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng đang cho xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ số heo trên.
Thương lái Trung Quốc lùng mua, giá sầu riêng lên đỉnh
Theo danviet.vn, Ông Nguyễn Hoàng Cung – Giám đốc Công ty thu mua nông sản Đại Thuận Thiên, Cần Thơ vừa cho biết, hiện giá sầu riêng đang lập lỷ lục mới tại vựa trái cây miền Tây Nam bộ. Hiện giá sầu riêng tại vườn 80.000 – 85.000 đồng/kg, còn trên thị trường hơn 100.000 đồng/kg, do đây là vụ sầu riêng nghịch mùa, sản lượng ít nên gây sốt giá. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc đang “ăn” sầu riêng. Một số thương lái đang lùng sục thu mua sầu riêng tại miền Tây để xuất tiểu ngạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Tiền Giang) Lê Văn Bình cũng cho biết, hiện bà con nông dân trồng sầu riêng nghịch vụ trên địa bàn xã rất phấn khởi do giá đang tăng cao. Giá đang tăng rất cao, nhưng trong vườn số lượng sầu riêng còn khá ít. Hiện, trên địa bàn xã có 334ha sầu riêng, năng suất khoảng 20 tấn/ha.
Thời gian qua, bà con nông dân đang rải vụ với cây sầu riêng nên trong năm thời điểm nào cũng có trái. Tuy nhiên, vụ sầu riêng tập trung nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6, 7.
Hiện, tỉnh Tiền Giang có hơn 12.100ha sầu riêng. Bình quân, mỗi ha cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Nhu cầu tăng, chanh, mít, thanh long... tăng giá
Vietnambiz.vn đưa tin, mặc dù nhiều loại trái cây, rau quả sụt giảm về giá nhưng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh, một số loạt trái cây như chanh, mít, thanh long... có sự tăng đáng kể về giá bán trong tháng 10.
Giá chanh tăng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg trong khi năm ngoái chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg. Được biết, vụ thu hoạch chanh năm 2018, giá xuống đáy, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi.
Trong tháng qua, do giá mít tăng cao, nông dân Tiền Giang bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp vẫn cứ ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000 ha.
Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên liếp trồng mít trên đất ruộng hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.
Trong tháng 10, tại Lâm Đồng giá cà chua tăng do nhu cầu tăng mạnh, trong khi đó giá bắp cải, cải thảo, xà lách, su su, su hào… giảm do nguồn cung tăng vào thời điểm chính vụ trong khi nhu cầu không biến động mạnh.
Ngoài ra, cam sành, cam mật và cam xoàn tại ĐBSCL giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách nay khoảng một tháng.
Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, cam sành bán xô với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, cam xoàn giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, cam sành 12.000 - 17.000 đồng/kg, còn cam mật khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg.
Giá trái cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Australia và Mỹ.
Đáng chú ý, với quả thanh long, trong những ngày đầu tháng 10/2019, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu. Mức giá thanh long dao động khoảng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước và trái cây được thương lái thu mua đều nên người làm vườn có lãi.
Nguồn cung tôm tăng, giá giảm
Theo vietnambiz.vn, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết sau khi tăng mạnh trong tháng trước do nguồn cung thấp, đến đầu tháng 11 các hộ nuôi đã bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nguồn cung tăng khiến giá giảm.
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng tôm nước lợ cả nước tháng 10 ước đạt gần 90 nghìn tấn, tăng 8,2% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 538 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kì năm trước.
Trên cả nước sản lượng tôm sú ước đạt 251,2 nghìn tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 434,9 nghìn tấn trong 10 tháng đầu năm. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước đạt 230 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kì năm trước.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng lớn ước đạt 361,4 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kì năm trước do điều kiện thời tiết thời tiết và chăm nuôi tốt.
Giá tôm sú loại 30 con/kg bình quân trong tháng 10 với mức 154.000 - 156.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng bình quân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau loại 70 con/kg đạt mức 101.000 - 104.000 đồng/kg.
Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tiếp tục phát triển mạnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết sau khi tăng mạnh trong tháng trước do nguồn cung thấp, đến đầu tháng 11 các hộ nuôi đã bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nguồn cung tăng khiến giá giảm.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tôm các loại chiếm 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu các loại thủy hải sản, đạt 2,4 tỉ USD, giảm 7% so với cùng kì năm ngoái.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng trong các tháng cuối năm có thể sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng cho biết vào khoảng cuối tháng 9, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với 5 công ty xuất khẩu tôm của Ecuador do lo ngại về vấn đề virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tìm thấy trên sản phẩm tôm từ các công ty này. Điều này cũng được xem là cơ hội đối với tôm Việt Nam.
Lao đao làng nghề hấp cá xuất khẩu
Theo nongnghiep.vn, nghề hấp cá phơi khô ở vùng ven biển huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đang lâm cảnh sản phẩm khó tiêu thụ, giá sụt giảm, hàng trăm hộ dân sống bằng nghề này bị mất nguồn thu. Huyện Gio Linh là địa phương tập trung các làng nghề hấp cá phơi khô xuất khẩu của tỉnh Quảng Trị. Toàn huyện hiện có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô. Toàn huyện Gio Linh có hơn 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô xuất khẩu.
Mỗi năm các làng nghề này chế biến khoảng 20.000 tấn cá biển, chủ yếu là các loại cá nục và cá cơm. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính cho sản phẩm cá hấp phơi khô từ các cơ sở này. Cá hấp chế biến chủ yếu là loại cá nục và cá cơm.
Từ khi thị trường Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, thương lái cũng dừng thu mua mặt hàng này. Hoặc có thu mua thì với số lượng rất ít và giá bán quá thấp. Từ khi thị trường Trung Quốc ngừng mua, nhiều cơ sở hấp cá lâm vào cảnh lao đao.
Do gặp khó khăn trong đầu ra, hầu hết cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô nằm hai bên đường Xuyên Á đoạn qua xã Gio Việt và TT. Cửa Việt, huyện Gio Linh đã dừng hoạt động. Nhiều lò hấp thường ngày đỏ lửa nay đóng kín cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Một số cơ sở phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, từ khi thương lái Trung Quốc dừng thu mua, thống kê cho thấy, các cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô trên địa bàn còn tồn khoảng 750 tấn cá khô. Chính quyền đang tìm mọi giải pháp nhằm giúp các chủ cơ sở làm nghề hấp cá tiêu thụ số hàng tồn trên. Nhiều người đang kỳ vọng làng nghề sẽ sớm vượt qua khó khăn để tìm lại thời kỳ hoàng kim.
Nguồn: VITIC