Xuất khẩu chuối sang Nga tăng vọt
Theo
vietnambiz.vn, trong khi thị trường cung ứng chuối số một cho Nga là Ecuador giảm cả lượng và giá trị thì mặt hàng chuối của Việt Nam tăng mạnh mẽ gần 150%.
Nhập khẩu quả chuối của Nga trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 920.000 tấn, trị giá 681,7 triệu USD, giảm 3,8% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với cùng kì năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân đạt 739,9 USD/tấn, giảm 0,9% so với 7 tháng đầu năm 2018.
Về thị trường cung ứng, Nga nhập khẩu chủng loại quả chuối (mã HS 0803) chủ yếu từ thị trường Ecuador đạt 903.000 tấn, trị giá 667,4 triệu USD, giảm 2,7% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với cùng kì năm 2018. Tỉ trọng nhập khẩu từ thị trường này chiếm tới 98,1% tổng lượng nhập khẩu của Nga. Tiếp theo là các thị trường khác như Colombia, Costa Rica, Mexico… Đáng chú ý, Nga tăng mạnh nhập khẩu chuối từ thị trường Colombia và Việt Nam.
Nhập khẩu chuối từ Việt Nam đạt 919 tấn, trị giá 1,8 triệu USD, tăng 141,2% về lượng và tăng gần 153% về trị giá so với cùng kì năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân quả chuối từ Việt Nam cao nhất so với các nguồn cung khác, đạt 1.971,5 USD/ tấn, tăng 4,8%. Tỉ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2018.
Tuy nhiên tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp so nhu cầu nhập khẩu của Nga. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu chuối đẩy mạnh sang thị trường Nga trong thời gian tới.
Theo thống kê từ worldstopexports. com, Nga là thị trường nhập khẩu chuối lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Bỉ. Trong năm 2018, trị giá nhập khẩu chuối của Nga đạt 1,2 tỉ USD, chiếm tới 7,4% tổng nhập khẩu toàn cầu.
Nga là thị trường nhập khẩu chuối tăng trưởng nhanh kể từ năm 2014 tới năm 2018, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,6%.
Cơ hội tăng xuất khẩu gạo sang Hồng Kông
Theo
vietnambiz.vn, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ hai vào Hồng Kông, chỉ sau Thái Lan. Đặc biệt tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn khi gạo Việt đang được khá ưa chuộng tại thị trường này.
Thông tin tại Hội thảo Kết nối giao thương mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hồng Kông năm 2019 tại TP HCM cho biết xuất khẩu gạo tháng 9/2019 sụt giảm 20,4% về lượng và 21,7% về giá trị so với tháng 8/2019, đạt 479.363 tấn, tương đương 210,94 triệu USD.
Đáng chú ý, Hồng Kông là một trong những thị trường có sự tăng trưởng nổi bật với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 94.600 tấn, trị giá hơn 48,6 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và hơn 32,7% về giá trị. Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu nhiều thứ hai vào Hồng Kông, chỉ sau Thái Lan. Thậm chí năm 2013, lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào Hồng Kông vươn lên con số 137.000 tấn, chỉ ít hơn lượng gạo Thái Lan nhập vào thị trường này có 10.000 tấn. Tuy nhiên, sau đó có sự sụt giảm, đến năm 2018, Hồng Kông chỉ nhập khẩu 76.000 tấn gạo Việt Nam, tương đương 25% lượng gạo nhập của vùng lãnh thổ này.
Riêng 9 tháng đầu năm 2019, lượng gạo Việt Nam nhập vào Hồng Kông là 65.000 tấn, tăng 14% so với cùng kì năm ngoái.
Thị trường Hồng Kông ưa chuộng các loại gạo thơm của các nước, sau đó mới đến gạo trắng và các loại khác. Đáng chú ý, trong cơ cấu gạo Việt Nam xuất sang Hồng Kông, gạo thơm chiếm tới 90% tổng sản lượng gạo.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng cơ hội tăng trưởng ở thị trường Hồng Kông là hoàn toàn khả thi, dù tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 và 2020 giảm do sản xuất khó khăn như mùa khô kéo dài ở ĐBSCL, lượng đất ngập mặn tăng, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các thị trường chính như Trung Quốc, Indonesia... có một số thay đổi về chính sách nhập khẩu.
Ngành xay bột ở Việt Nam cần các thiết bị hiện đại
Thông tin từ
nongnghiep.vn, tại một hội thảo tổ chức mới đây về máy xay xát, ông Vianney, Giám đốc Marketing khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Bühler, cho biết, các quốc gia Đông Nam Á có tầng lớp trung lưu đông đảo đang tạo nên những thói quen ăn uống mới. Cụ thể, họ sẽ tiêu thụ nhiều đồ ăn trong nhà hàng và đồ ăn giao tận nơi, đa dạng hóa nguồn protein. Việc tiêu thụ sữa, thịt và nhiều sản phẩm làm từ lúa mì, trái ngược với gạo, cũng là một xu hướng mạnh mẽ ở châu Á.
Các sản phẩm đóng gói làm từ lúa mì đang tăng nhanh, với doanh số bán mì ống và bánh quy được dự báo sẽ tăng 13% mỗi năm và dự báo lên gấp đôi vào 2025.
Xay bột từ lúa mì là một ngành công nghiệp đang có sự tham gia của khoảng 20 công ty tại Việt Nam. Những công ty đó tạo ra tất cả các loại bột trên thị trường bán lẻ, bột làm bánh quy, bánh mì và mì.
Bühler đang giúp nhà máy xay bột hiện đại hóa và tăng công suất hàng ngày để đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu được tạo gia bởi sự gia tăng dân số và xu hướng tiêu dùng mới. Đồng thời giúp các nhà máy tăng cường an toàn thực phẩm.
Điều này đang trở thành thách thức khi các nhà máy xay bột buộc phải tìm nguồn ngũ cốc từ nhiều nơi khác nhau do biến đổi khí hậu và biến động giá cả vì ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Sự lựa chọn của các nhà máy xay bột Việt Nam không chỉ là các thiết bị hiện đại mà cả hệ thống hiện đại. Bây giờ, các nhà máy xay bột trang bị ngày càng nhiều máy tính, qua đó có nhiều khả năng để truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.
Bühler đã nghiên cứu, chế tạo được một số thiết bị có thể điều chỉnh trong thời gian thực nhờ dữ liệu và cảm biến, cho phép các nhà máy xay bột lấy thêm bột từ hạt. Qua đó tăng thêm được hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cho các nhà máy.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Việt Nam, Bühler đang tập trung vào xay xát lúa gạo, bột mì, chế biến thức ăn gia súc, chế biến sô cô la, cà phê, phân loại màu cho các sản phẩm có giá trị cao (hạnh nhân, hạt điều, cà phê…) ...
Sầu riêng Đăk Lăk tìm hướng xuất ngoại
Theo
nongnghiep.vn, khi xuất khẩu tiểu ngạch sầu riêng Đăk Lăk sang Trung Quốc bị “bít” lại, ngay lập tức giá sầu riêng giảm mạnh. Bên cạnh đó rất nhiều diện tích trong những năm tới đây sẽ cho thu hoạch khiến nguy cơ khủng hoảng thừa hiển hiện nếu không tìm được đầu ra ổn định.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã cơ bản thu hoạch xong vụ sầu riêng năm 2019, tuy nhiên so với những năm trước giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do sầu riêng của địa phương này những năm trước chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, nay đã bị “bít” lại do chưa có tấm giấy thông hành chính ngạch.
Năm nay giá sầu riêng đầu vụ được thương lái thu mua ở mức 40.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá mới được 55.000 – 60.000 đồng/kg. Trong khi đó giá sầu riêng năm 2018, ngay từ đầu vụ đã ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg và đặc biệt cuối vụ giá sầu riêng đạt kỷ lục trên 90.000 đồng/kg ngay tại vườn.
Nguyên nhân, sau khi giá đạt đỉnh năm 2018 thì năm nay giá giảm rất mạnh do diện tích sầu riêng bước vào thời kỳ thu hoạch tăng mạnh khiến cho sản lượng lớn, trong khi thị trường tiêu thụ kém, sầu riêng Đăk Lăk không xuất khẩu qua Trung Quốc được bằng đường tiểu ngạch
Nguyên nhân bắt đầu từ năm 2019, phía Trung Quốc cấm các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch trong đó có trái sầu riêng, dẫn đến biến động trên thị trường tiêu thụ. Chính vì lý do này mà các thương lái, vựa sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nên giá thấp.
Giá chanh leo giảm mạnh
Theo
nongnghiep.vn, chỉ sau 3 năm đặt chân lên Sơn La, cây chanh leo đã nhanh chóng “làm mưa làm gió” vùng đất này. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng liên kết SX với doanh nghiệp, ồ ạt bán chanh leo cho các tư thương để XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đã khiến giá chanh leo lập tức dội chợ, giảm thê thảm kể từ khi bị phía Trung Quốc chặn đường tiểu ngạch.
Từ năm 2018, khi giá chanh leo cao chót vót, người trong xã đổ xô đi mua giống chanh leo ở thị trường tự do, không rõ nguồn gốc về trồng ở bất cứ chỗ nào có đất trống. Và hậu quả là từ đầu năm 2019 đến nay, những vườn chanh leo bắt đầu bùng phát bệnh.
Đến nay, cả vùng chanh leo của xã Chiềng Lương với diện tích hàng trăm hecta (riêng HTX Thành Đạt có 80 hộ, hơn 60ha) đều đã bị dính bệnh, trong đó một diện tích lớn đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, do không còn hợp đồng liên kết, nên dịch bệnh không kịp phát hiện và xử lí, càng lây lan chóng mặt. Một số vườn của các HTX khác trong xã còn giữ được, nhưng mới đây cũng đã bị lây bệnh
Những vườn chanh leo đẹp nhất, những lô chanh leo quả loại A được các thương lái lùng sục thu mua bằng hết. Phía Nafoods Tây Bắc ban đầu còn nâng được giá cho các HTX theo mức tăng giá của thị trường tự do, lên mức 20.000 đ/kg, rồi thì 25.000 - 26.000 đ/kg, nhưng khi mà phía Cty nâng được một giá, thì cánh thương lái nâng thêm 2 giá.
Cứ thế, giá chanh leo năm 2018 ở Sơn La như ngựa bất kham, có giai đoạn nhảy lên tới trên 40.000 đ/kg. Thế nhưng kể từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 đến nay, cùng với dịch bệnh bùng lên ở nhiều nơi, chanh leo ở Sơn La đã liên tục rớt giá thảm hại, mà nguyên nhân là do những thương lái không còn XK được tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Nếu như năm 2018, giá chanh leo loại A, B mà cánh thương lái tự do thu mua bình quân lên tới 22.000 – 26.000 đ/kg (có lúc bình quân trên 30.000 đ/kg), thì từ đầu năm 2019, giá chanh bắt đầu xuống dốc không phanh, hiện chỉ còn dao động từ 7.000 - 8.000 đ/kg đối với chanh loại A, B. Riêng những loại chanh xấu (chiếm từ 30 - 35% sản lượng), giá thời điểm này chỉ còn khoảng 2.000 - 4.000 đ/kg.
Không còn XK được chanh leo sang thị trường Trung Quốc, hiện nay, thị trường tiêu thụ buộc phải đảo chiều, 70% chanh leo được các thương lái ở Sơn La bán cho các nhà máy chế biến trong nước...
Nguồn: VITIC