Giá thép xây dựng tăng mạnh
Thông tin từ
voh.com.vn, từ đầu năm đến nay, giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác ở TP HCM đã tăng 5% - 7%, sản lượng thép thô của Việt Nam đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu xây dựng tăng. Theo đó, thép cán ước đạt 430.000 tấn, tăng 3,38%; thép thanh, thép góc ước đạt 391.700 tấn, tăng 36,42%. Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng sắt thép thô đạt 3,295 triệu tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Từ đầu năm 2019, thị trường thép thế giới duy trì đà tăng giá mạnh do giá quặng sắt và phôi thép trên thế giới tăng. Đặc biệt, giá quặng sắt tăng vọt từ tháng đầu năm do sự cố vỡ đập nước thải tại khu khai thác quặng của Tập đoàn Vale ngày 25-1 khiến thị trường thép thế giới lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Brazil gián đoạn. Hiện thép cán nóng của Trung Quốc loại 3-12 li (mm) đang chào bán 530-545 USD/tấn, tăng 1%-7% so trước Tết.
Trong nước, giá thép xây dựng cũng đã tăng giá 3 đợt liên tiếp với mức tăng phổ biến từ 550.000-650.000 đồng/tấn. Giá thép tăng do giá nguyên liệu thế giới, do thuế nhập khẩu thép cao nên lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam hạn chế. Trong khi sau Tết là mùa xây dựng, giá vật liệu xây dựng luôn có xu hướng tăng.
Tại TP HCM, giá thép xây dựng phi 6-8 mm dao động 14.000-15.000 đồng/kg, thép phi 10-28 mm ở mức 14.100 - 14.700 đồng/kg.
Gỗ keo tăng giá mạnh
Theo
nongnghiep.vn, cuối năm ngoái, giá gỗ keo nguyên liệu tại Bình Định tăng lên 1,2 triệu đồng/tấn. Bước sang đầu năm 2019, giá tăng đến 1,3 triệu đồng/tấn, sức mua cũng rất mạnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có 150.000ha rừng trồng, trong đó chỉ có một ít rừng trồng phòng hộ, còn lại hầu hết là rừng SX. Hàng năm, những tổ chức, cá nhân trồng rừng ở Bình Định khai thác trồng lại khoảng 10.000ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn gỗ nguyên liệu. “
Giá gỗ keo nguyên liệu lên 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 200.000đ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 100.000đ/tấn so thời điểm cuối năm ngoái. Dăm gỗ nguyên liệu xuất khẩu hiện tăng từ 120 USD/tấn dăm khô lên 135USD/tấn dăm khô
Hiện giá gỗ rừng trồng tăng mạnh đã kích thích nhiều hộ trồng rừng ở Bình Định nhanh tay khai thác những diện tích rừng 4 – 5 năm tuổi để bán được giá cao.
Cần chú ý khi xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc
Vietnambiz.vn đưa tin, mặc dù nằm trong top 5 những nước xuất khẩu nhiều nhất vào Hàn Quốc, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam còn khiêm tốn với chỉ khoảng 1,7 tỉ USD so với tổng nhập khẩu của Hàn Quốc hơn 35 tỉ USD.
Hàn Quốc là thị trường có sức mua lớn, dân số khoảng 51 triệu dân, GDP hơn 1.500 tỉ USD đứng thứ 20 thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt 41.000 USD, đứng thứ 27 thế giới.
Trong số nhu cầu nhập khẩu nhóm nông sản của Hàn Quốc thì rau quả rất lớn với 8,44 tỉ USD. Hàn Quốc nhập chủ yếu bắp cải, xà lách, củ cải, ớt, tỏi, ớt chuông… bởi văn hóa ăn kim chi rất nhiều, mỗi năm 1 người Hàn Quốc dùng hơn 200 kg rau, trong khi bình quân thế giới chỉ 130 kg mỗi người.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều trái cây, bình quân mỗi người tiêu dùng khoảng 60 kg/năm. Các loại trái cây hay dùng có cà chua, dưa hấu. Tuy nhiên chỉ mới đáp ứng 64% nhu cầu trong nước, do đó, Hàn Quốc phải nhập khẩu thêm.
Hàn Quốc cũng nhập nhiều trái cây tưới như bơ, chuối, xoài, cam , dứa, sầu riêng. Chiếm 1/4 giá trị trái cây nhập khẩu của Hàn Quốc (năm 2017) là chuối với 370 triệu USD, và 90% chuối nhập từ Philippines. Thứ hai là cherry với 170 triệu USD, chủ yếu nhập từ Australia, New Zealand; kế đến là xoài 70 triệu USD, trong đó nhập từ Việt Nam hơn 3 triệu USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý kênh siêu thị (gồm đại siêu thị, chuỗi siêu thị, siêu thị vừa và nhỏ) chiếm tỉ trọng lớn nhất với tổng cộng 67%, còn lại chợ truyền thống và nơi khác lần lượt 27% và 6%.
Mặt hàng nông sản Việt sang Hàn Quốc chính như cà phê, chuối, xoài, ớt, tỏi, thanh long, gạo, tôm, cá phile, cá đông lạnh. Thị trường Hàn Quốc lớn nhưng thị phần Việt Nam còn hết sức hạn chế và khiêm tốn chiếm 3,5%. Nguyên nhân là hiện Việt Nam chỉ mới được phép nhập khẩu 5 loại trái cây vào Hàn Quốc (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long), trong khi một số loại khác như vú sữa, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn đang chờ xin phép nhập khẩu. Ngoài ra, Hàn Quốc ưa chuộng chuối và nhập mỗi năm đến 370 triệu USD trong khi nhập từ Việt Nam chỉ khoảng 2,7 triệu USD. Bên cạnh đó, gạo lứt, cao su của Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để xuất sang Hàn Quốc.
Chủ hàng không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản vào VN
Theo
nongnghiep.vn, Cục Thú y khẳng định không có chuyện chủ hàng, chủ tầu được cấp giấy chứng nhận (GCN) kiểm dịch để XK nguyên liệu vào VN.
Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nhiều container cá ngừ NK gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, do việc sửa đổi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản (sau đây gọi là Thông tư số 36).
Cục Thú y cho hay, quá trình sửa đổi, bổ sung để ban hành Thông tư số 36 đã thực hiện đúng quy định, quy trình, bài bản.
Việc đề nghị của Hiệp hội VASEP và các DN VN (thu mua cá ngừ từ các tàu chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất XK) quy định để chủ hàng hoặc chủ tầu cấp GCN kiểm dịch XK các lô hàng cá ngừ là không hợp với quy định của Ủy ban Châu Âu.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet