Heo từ Thái Lan có thể vào Việt Nam qua Campuchia
Theo
vietnambiz.vn, Cục Trưởng Cục chăn nuôi cho biết mặc dù Campuchia không có heo nhưng không loại trừ khả năng heo từ Thái Lan quá cảnh qua Campuchia sau đó vận chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi cũng đã xuất hiện ở Thái Lan. Do đó chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là cơ quan thú y.
Bên cạnh đó, một số thông tin phản ánh có hiện tượng người dân bán heo sang Trung Quốc trong khi nguồn cung trong nước đang thiếu hụt do chênh lệch giá quá cao.
Trước thông tin này, ông Dương cũng cho biết hiện nay các đường biên giới Trung Quốc - Việt Nam đang quản lí rất chặt chẽ. Việc bán heo sang Trung Quốc là "thẩm lậu" nhưng số lượng không nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo người dân không nên bán heo lậu sang Trung Quốc nhằm tránh rủi ro không đáng có.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 14.824 tấn thịt heo. Trong khi đó, cả năm 2018, Việt Nam chỉ nhập khẩu gần 14.300 tấn, tương ứng với hơn 23,6 triệu USD.
Việt Nam đang nhập khẩu một số sản phẩm chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ heo và nội tạng.
Trung Quốc cấm nhập tôm từ Ecuador, cơ hội cho tôm Việt Nam
Thông tin từ
haiquanonline.com.vn, theo VASEP, trong tháng 9/2019, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty XK tôm lớn của Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào nước này.
Theo VASEP, ngành tôm và doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nhìn rõ thách thức từ việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador. Thứ nhất, lệnh cấm đối với tôm Ecuador được dỡ bỏ sớm hay muộn, chúng ta không thể lường trước, có thể tùy thuộc vào diễn biến chính trị, thương mại mà Trung Quốc đang liên quan, có thể tùy vào quan hệ ngoại giao của Ecuador với Trung Quốc…Nếu doanh nghiệp Việt Nam đổ xô XK nhiều vào thị trường này, có thể sẽ bị thụ động khi tình huống thay đổi, dẫn đến bị ép giá, hạ giá...
Khả năng thứ hai rất có thể xảy ra là sau Ecuador, sẽ là Ấn Độ, Việt Nam và một số nước sản xuất tôm khác. Do vậy, chúng ta phải lường trước khả năng này, sẵn sàng trước xu hướng tăng cường kiểm tra dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc và có thể sẽ có các thị trường khác. Và sẽ không phải chỉ kiểm tra với bệnh đầu vàng, đốm trắng trên tôm mà cả các bệnh khác như MBV (bệnh tôm còi do tôm nhiễm virus MBV), bệnh đuôi đỏ hay hội chứng Taura, bệnh hoại tử dưới vỏ trên tôm (IHHNV)…
Dự báo của VASEP XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các yêu cầu, quy định mới của Trung Quốc và có sự điều chỉnh phù hợp để duy trì XK sang thị trường này
Lo ngại Việt Nam làm điểm trung chuyển cho gỗ Trung Quốc ngày càng cao
Theo
vietnambiz.vn, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung "nổ ra" đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng lưu ý là ngành gỗ của Việt Nam với sự tăng đột biến về giá trị xuất nhập khẩu.
Đáng chý ý, nhiều nghiên cứu đã cảnh báo các rủi ro cho các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành gỗ với một số bằng chứng về gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc được xuất khẩu vào thị trường Mỹ qua con đường khác nhằm né thuế, nhất là đối với các sản phẩm gỗ dán (HS 4412).
Thực tế, nguy cơ này không còn là cảnh báo mà đã là sự thật. Đó là trường hợp mặt hàng gỗ dán Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, trùng với tình trạng cũng mặt hàng này từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tăng tương đương.
Cụ thể, nếu như xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ chỉ là 53 triệu USD trong 2010 thì đến năm 2017, con số này lên tới 387 triệu USD, năm 2018 đạt 632 triệu USD và đến hết 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đã đạt 368 triệu USD.
Trong khi đó, nhập khẩu gỗ dán và ván bóc (nguyên liệu làm gỗ dán) cả nước đạt 320,2 triệu USD trong năm 2018, chỉ tăng 22,7% về giá trị so với 2017.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản điều này có thể dẫn đến những quan ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam cũng như nguy cơ Trung Quốc "mượn" nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ Công thương nhận thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, lợi dụng hoạt động đầu tư để núp bóng nhằm lấy xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ.
Và mới đây Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra danh sách 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Canada; trong đó, gỗ dán bị cảnh báo mức độ 4 là mức độ cao nhất. Thực tế này cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam lo ngại.
Thị trường Trung Quốc ưa chuộng cá tra Việt Nam
Theo
plo.vn, nhiều TP lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên… bất ngờ tiêu thụ cá tra nhập từ Việt Nam tăng mạnh.
Theo VASEP, trong tám tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỉ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính từ sự sụt giảm rất mạnh ở thị trường quan trọng hàng đầu là Mỹ, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc lại tiêu thụ mạnh cá tra Việt Nam. Trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 389,8 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cá tra nguyên con sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, thì trong năm nay, cá tra phi lê đã thâm nhập vào nhiều TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…
Dù nước này siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng nhưng từ tháng 6 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn bắt kịp những yêu cầu mới và có những điều chỉnh phù hợp.
Trung Quốc đã trở lại vị trí là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vượt xa so với hai thị trường đứng tiếp sau là Mỹ và EU.
Các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đã khá đa dạng: Cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh...
Nguồn: VITIC