menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 26/11: Xem xét nhập khẩu thịt lợn; Ngành thép lao đao

10:28 26/11/2019

Vinanet - Xem xét nhập khẩu thịt lợn để ổn định cung cầu; Ngành thép lao đao trước làn sóng thép ngoại nhập giá rẻ; Xuất khẩu dệt may, da giày hụt hơi… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Xem xét nhập khẩu thịt lợn để ổn định cung cầu
Theo congthuong.vn, trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao, gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, phương án xem xét nhập khẩu thịt lợn để góp phần ổn định cung cầu đã được tính đến.
Thông tin tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Về vấn đề giá thịt lợn, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường.
Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Do đó, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
Ngành thép lao đao trước làn sóng thép ngoại nhập giá rẻ
Thông tin từ congthuong.vn, gần đây, thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… vào Việt Nam tăng nhanh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và trật tự cung cầu của ngành gang thép. Các nhà máy thép lớn trên thế giới như ArcelorMittal phải giảm sản lượng 3 triệu tấn, U.S. Steel tuyên bố dừng sản xuất 2 lò cao.
Trái ngược với điều đó, sản lượng của các nhà máy sản xuất gang thép tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nga lại không giảm mà còn tăng. Khi nhu cầu sử dụng nội tại không lớn, hầu hết sản lượng thép sản xuất ra được nhà máy xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 4,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2018, đạt 10,81 triệu tấn, trị giá 7,21 tỷ USD. Toàn bộ giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga là những nước có sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất.
Để tiêu thụ được lượng thép cuộn cán nóng sản xuất xuất ra, trong vòng nửa năm lại đây, Ấn Độ và Nga đã giảm giá bán tới hơn 20%. Lượng thép Ấn Độ bán về Việt Nam trước đây mỗi tháng khoảng 70.000 tấn, nay tăng mạnh lên hơn 200.000 tấn/tháng.
Giá thép cán nóng giảm đồng nghĩa với việc giá thép cán nguội, mạ kẽm và thép ống cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của ngành thép trong nước. Nhiều nhà máy chịu thua lỗ do phải giảm giá đối với hàng tồn kho để cạnh tranh với thép ngoại nhập giá rẻ.
Philippines và Bờ Biển Ngà là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam
Theo congthuong.vn, thay thế vị trí đầu bảng trước đây là Trung Quốc, Philippines và Bờ Biển Ngà hiện là hai thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.
Xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 tăng 4,9% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,51 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại giảm 8,8%, đạt 2,41 tỷ USD và giá xuất khẩu cũng giảm 13,1%, đạt trung bình 437,9 USD/tấn.
Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với 1,94 triệu tấn, tương đương 800,25 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, tăng mạnh 182,3% về lượng, 156% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Bờ biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, với 517.197 tấn, tương đương 223,05 triệu USD, giá trung bình 431,3 USD/tấn, tăng trưởng 144,1% về lượng và tăng 83% về kim ngạch, nhưng giảm mạnh 25% về giá.
Gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm rất mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 65,4%, 66,7% và 3,6% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 427.546 tấn, tương đương 212,02 triệu USD, giá 495,9 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch.
Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo. Trung Quốc cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như: Myanmar, Campuchia… nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã tổ chức mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam nhằm kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo.
Các doanh nghiệp Trung Quốc được thăm quan thực địa tại các địa phương có sản lượng gạo hàng hóa lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu để có thể thấy được những tiến bộ về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng trong sản xuất cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp Trung Quốc có những đánh giá thực tế về hoạt động sản xuất, chế biến gạo và thương hiệu gạo Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may, da giày trên đà… 'hụt hơi'
Theo tuoitre.vn, xuất khẩu dệt may "hụt hơi" thấy rõ khi kim ngạch xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, chỉ đạt 2,6 tỉ USD trong tháng 10-2019, trong khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục "giấu khó" vì sợ ảnh hưởng đến giao dịch từ nhà mua hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10-2019 chỉ đạt 2,6 tỉ USD, tiếp tục giảm 5,6% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay khoảng 27,2 tỉ USD. Nếu so với mục tiêu xuất bán 40 tỉ USD sản phẩm dệt may các loại của năm 2019 được đặt ra, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, xác nhận "không thể làm được".
Dù các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc... đều ghi nhận có sự tăng trưởng, lần lượt tăng 7,9%, 5%, 4,1% và 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tỉ lệ tăng này không tương xứng với kỳ vọng được đặt ra cho từng thị trường khi quy đổi mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019 là 40 tỉ USD.
Tương tự, ngành da giày cũng chỉ mới đạt 14,8 tỉ USD, phải cần đến 6,6 tỉ USD trong hai tháng cuối năm mới hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 21,5 tỉ USD. Trong khi đó, bình quân xuất khẩu hiện nay của ngành da giày không vượt quá 2,5 tỉ USD/tháng, nên khả năng ngành da giày làm được "kỳ tích" như năm ngoái là rất khó.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc ngành dệt may và da giày khó đạt được tăng trưởng cao như kỳ vọng, ngoài lý do thương chiến Mỹ - Trung, còn có nguyên nhân khác là các doanh nghiệp chưa thể tận dụng được các lợi ích từ chính sách thuế mang lại sau khi các hiệp định thương mại được thông qua trong thời gian gần đây.
"Điểm nghẽn lớn nhất là không tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi để tận dụng được ưu đãi thuế, chẳng hạn với EVFTA, các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Tỉ lệ sử dụng này hiện vẫn còn khá thấp", ông Hồng thông tin. Tăng trưởng tốt, xuất khẩu dệt may, da giày vẫn lo ngại tác động từ thương chiến Mỹ - TrungTăng trưởng tốt, xuất khẩu dệt may, da giày vẫn lo ngại tác động từ thương chiến Mỹ - Trung
Nguồn: VITIC