menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 4/3/2019: Rộng cửa XK nông sản sang TQ; Nhập khẩu dầu thô tăng

20:00 04/03/2019

Vinanet - Nông sản sang Trung Quốc: Cửa vẫn rộng nếu không 'chộp giật'; Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về phòng chống dịch heo châu Phi…
Nông sản sang Trung Quốc: Cửa vẫn rộng nếu không 'chộp giật'
Theo baochinhphu.vn, hiện Việt Nam mới có 8 loại trái cây nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, trong đó có nhãn. Trong suốt hơn ba năm qua, không ít lần truyền thông trong nước nêu cảnh báo đề cập tới những quy định kỹ thuật ngày càng khe khắt hơn của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như giới doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn “mất đà” khi không thể kịp đổi thay để đáp ứng những đòi hỏi mới từ một trong những người tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Đơn cử như mặt hàng gạo, nếu như trước đây, Việt nam có lượng gạo xuất đi Trung Quốc hàng năm lên tới 2 triệu tấn nhưng năm 2018 vừa qua, con số này đã giảm sốc về dưới 1 triệu tấn - không đạt được 1 tỷ USD kim ngạch. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc thực hiện chặt quy định giám sát tất cả DN bán gạo vào thị trường này.
Sắp tới những nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam như sắn và các loại rau, hoa quả cũng sẽ phải đi theo tiến trình này. Ví dụ, đối với thực phẩm phải áp dụng HACCP; các cơ sở chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng phải có quy trình tương tự, phải lưu trữ hồ sơ sản xuất đầy đủ và chỉ ra được các rủi ro trong chế biến…
Thậm chí, sắp tới Trung Quốc sẽ không cho phép nhập khẩu hoa quả có dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót hoặc bảo quản theo lối truyền thống. Bởi lẽ chiếu theo Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế, cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng các nguyên liệu làm bao bì, (hoặc bảo quản sản phẩm) có nguồn gốc từ thực vật cũng phải được kiểm dịch. Ví dụ rơm rạ lót trái cây cũng phải được khử trùng.
Từ năm 2019, trái cây tươi khi nhập vào Trung Quốc không chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam mà còn phải ghi rõ các thông tin liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (cả ở nơi sản xuất và sơ chế, đóng gói). Sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ trên thị trường nội địa Trung Quốc cũng phải có mã vạch, có QR code với các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, kiểm dịch…
Hôm nay, Thủ tướng chủ trì họp ngăn dịch tả lợn châu Phi
Theo baogiaothong.vn, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, sáng 4/3/2019 Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Các bộ, ngành, địa phương đã có dịch bệnh và các tỉnh, thành có nguy cơ cao; đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Tổ chức Thú y thế giới và một số nước như Mỹ, Úc... cũng sẽ tham dự hội nghị này.
Tính tới ngày 3/3, đã có 7 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội và Hải Dương. Tại thị trường TP HCM, trong những ngày gần đây, giá thịt lợn có chiều hướng giảm nhẹ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do một số vùng chăn nuôi heo ở miền Bắc đang bán tháo đàn heo để “chạy” dịch, nguồn cung từ Bắc vào Nam gia tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên lợn với tỉ lệ chết lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. “Khác với bệnh cúm, tả lợn châu Phi không lây trực tiếp sang người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn... Đây là những bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chưa được nấu chín”, ông Phu cảnh báo.
Xuất khẩu nông sản chủ lực lao dốc
Vietnamnet.vn đưa tin, hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng nông sản nằm trong Top tỷ USD rủ nhau lao dốc. Nhiều mặt hàng nông sản trong nước giảm giá mạnh, bế tắc đầu ra, chờ giải cứu.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2/2019 ước đạt 1,93 tỷ USD đưa tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm mạnh, chỉ mặt hàng thuỷ sản giữ được tốc độ tăng trưởng, khi xuất khẩu hai tháng ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; mặt hàng xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8%; mặt hàng tăng 22,4% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018
Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh, theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị. Song, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu rau quả chỉ đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 326 nghìn tấn và 610 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 1.765 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018. Ở mặt hàng điều xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi khối lượng xuất khẩu giảm 3,1% và giá trị giảm 22,3%. Mặt hàng tiêu cũng giảm tới 20,4% so với cùng kỳ năm 2018.
'Ngôi vương' hạt điều Việt Nam tại Ấn Độ đang bị đe dọa?
Theo vietnambiz.vn, Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2019 Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại Ấn Độ, song thị phần giảm do Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đa dạng nguồn cung.
Theo Vinacas, phát biểu tại Kaju Ấn Độ 2019, Bộ trưởng Thương mại Suresh Prabhu, Ấn Độ cho biết: Chính phủ đã giảm thuế hải quan xuống 2,5% đối với hạt điều nguyên liệu và hiện đang cân nhắc mức thuế nhập khẩu 0%. Nhập khẩu hạt điều từ hai thị trường Guiné-Bissau và Các tiểu vương quốc Arab tăng mạnh, nâng thị phần hạt điều của hai thị trường trên trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ lên chiếm lần lượt 2,7% và 2,2% trong năm 2018.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đóng vai trò là nguồn cung hạt điều số 1 tại nước này. Song thị phần hạt điều Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ giảm mạnh từ 97,9% năm 2017 xuống 83,7% trong năm 2018.
Bộ khuyến khích đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ hạt điều trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại. Cụ thể, các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở chế biến điều tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, điều chiên bơ, điều tẩm gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều...
Cuối cùng, Bộ yêu cầu ngành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm điều Việt Nam đồng thời tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa từ 8% hiện nay lên 30% vào năm 2030.
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về phòng chống dịch heo châu Phi
Trang vietnambiz.vn đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi. Do vậy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phòng chống dịch tại địa phương.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 tỉnh thành/thành phố phát hiện dịch tả heo châu Phi bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong đó có việc chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỉ trọng lớn, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có 2 triệu con heo và hơn 100.000 hộ sản xuất chăn nuôi, nhỏ lẻ chiếm 60%. Bên cạnh đó, thành phố giáp 8 tỉnh thành, có nhiều trục lộ vào thành phố nên việc kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ.
Theo Bộ NN&PTNT, công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi còn nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y cấp tỉnh thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.
Nhập khẩu ôtô và dầu thô 2 tháng đầu năm 2019 tăng kỷ lục
Vov.vn đưa tin, theo số liệu Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu hai tháng đầu năm ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu ôtô và dầu thô là hai mặt hàng có mức tăng trưởng cao kỷ lục. Cụ thể, nhập khẩu ôtô hai tháng đầu năm 2019 đạt 1 tỷ USD, tăng trên 105% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu dầu thô cũng lên đến 693 triệu USD, tăng gấp 16,6 lần cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân được lý giải là do nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã kéo lượng nhập khẩu dầu thô của Việt Nam tăng mạnh trong hai tháng này.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng tăng 61,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33,5%; sắt thép tăng 16,7%.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 2,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 2,4%; sắt thép giảm 18,3%. Thị trường ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,6%.

Nguồn: VITIC tổng hợp