Cảnh báo nhập khẩu lượng lớn gỗ từ Trung Quốc
Thông tin từ
dantri.com.vn, trong hơn 1,44 tỷ USD giá trị gỗ nhập khẩu về Việt Nam, thì nhập từ Trung Quốc đạt 295 triệu USD, chiếm hơn 20,5% thị phần và là nhà cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo: Để giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam cần được xác định các rủi ro về gian lận thương mại.
Theo cơ quan này, quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.
Mới đây Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp tại Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) nhập khẩu lượng lớn gỗ, sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về Việt Nam chỉ gia công thô sơ hoặc không gia công, xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác (trong đó có Mỹ).
Việc này khiến Việt Nam trở thành bàn đạp, chỗ ẩn nấp của mặt hàng gỗ từ Trung Quốc né thuế của Mỹ, khiến nguy cơ Việt Nam bị phía Mỹ điều tra, áp thuế, ảnh hưởng đến ngành gỗ Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngoài việc phá hoạt nền sản xuất, thương hiệu Việt, hành động của các doanh nghiệp gỗ còn được Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ rõ là: trục lợi tiền ngân sách.
Tồn kho hàng ngàn tấn cá
Theo
cadn.com.vn, các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh TT-Huế đang đứng ngồi không yên khi hàng ngàn tấn cá vẫn tồn đọng trong kho cấp đông khoảng 2 tháng nay, nguyên nhân chủ yếu do các thương lái Trung Quốc từ chối nhập hàng.
Hiện nay có ít nhất 1.100 tấn cá hấp khô đóng gói không xuất khẩu được, đang tồn kho tại địa phương. Những ngày qua, chính quyền, sở ngành vào cuộc đã giúp bà con “giải cứu” được một phần, nhưng số lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn.
Cá hấp khô của tỉnh Quảng Trị chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm khiến tiểu thương xoay không kịp. Hiện nay, chính quyền địa phương và các các cơ quan chức năng đã vào cuộc, khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ bà con hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Theo tìm hiểu, các cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh thường liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm sau khi sơ chế được vận chuyển theo đường tiểu ngạch, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, việc Trung Quốc lấy lý do chính sách nhập khẩu được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu khiến cá của ngư dân tại các tỉnh miền Trung bị ứ đọng trong kho.
Ngành nông nghiệp khó đạt mục tiêu năm 2019
Theo
vietnambiz.vn, Bộ NN&PTNT nhận định với kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 7 tháng qua cho thấy mục tiêu tăng trưởng như kịch bản đề ra từ đầu năm là khó đạt được.
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,55 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 23 tỉ USD, tăng 2% cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 11 tỉ USD, giảm 8,2%. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 4,7 tỉ USD, giảm 1%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,4 tỉ USD, tăng 6,3%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6 tỉ USD, tăng 17,3%.
Xuất khẩu nông sản được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kì. Nguyên nhân là ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu trong khi đó.
Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Tác động tiêu cực của tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn, mặn tới ngành trồng trọt, lâm sinh; dịch tả heo châu Phi tới ngành chăn nuôi.
Ngành điều chuyển hướng tiêu thụ nội địa
Theo
thanhnien.vn, từng tăng trưởng ngoạn mục trong hơn 10 năm liên tục, nhưng chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chế biến nhân điều xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó, hạt điều đang từng bước tìm cách quay lại thị trường nội địa
Theo Vinacas, năm 2018, giá điều nhân giảm mạnh chủ yếu do sản xuất trong nước tăng trưởng ồ ạt trong thời gian quá ngắn. Sản lượng chế biến tăng “nóng” nên các DN tranh bán, nhiều nơi bán bằng giá vốn, thậm chí dưới giá vốn. Có công ty môi giới cho hay bản thân các nhà nhập khẩu Mỹ cũng quan ngại về việc giá điều nhân Việt Nam rớt xuống quá nhanh khiến hàng nhập về bán không kịp, đẩy nhà phân phối rơi vào thua lỗ.
Trong khi đó, báo cáo của chi hội điều các tỉnh thành cho thấy nhiều DN chế biến điều Việt Nam đang tạm ngưng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Cụ thể, Long An chỉ còn 12/33 DN chế biến điều đang hoạt động; Bình Phước thì 80% các DN điều quy mô nhỏ và rất nhỏ đã ngừng sản xuất…
Vinacas cho rằng điểm yếu nhất của các DN điều chính là tiềm lực vốn hạn chế, lệ thuộc phần lớn vào ngân hàng. Chính vì vậy khi thấy giá có xu hướng giảm xuống, các DN lại càng đua nhau sản xuất nhanh và hạ giá bán để sớm “thoát hàng”.
Còn những người mua Âu, Mỹ - với sự hỗ trợ đắc lực của các nhà môi giới bản địa - đã rất nhanh chóng cập nhật “điểm yếu” của DN ngành điều như khó khăn nguyên liệu, áp lực nợ nần, tâm lý bất ổn. Do đó, họ chỉ mua rất “từ tốn” để ép giá, thế nên “DN điều Việt Nam thua ngay từ sân nhà”. Lượng tồn kho kéo dài tới năm nay và tình trạng giảm giá để đẩy hàng vẫn còn tiếp diễn.
Ông Đặng Hoàng Giang - Phó chủ tịch thường trực Vinacas - cho biết: “Ban thường vụ Vinacas đã thống nhất rất cao định hướng thúc đẩy thị trường nội địa cho thương hiệu hạt điều chế biến sâu. Trong thời gian tới Vinacas sẽ có các chương trình hành động cụ thể để đưa hạt điều Việt quay về thị trường trong nước một cách sâu rộng hơn”.
Ô tô giá rẻ nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
Thông tin từ
dantri.com.vn, tháng 7/2019, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh so với tháng trước với hơn 2.500 chiếc. Đáng nói, lượng xe nhập tăng mạnh trong bối cảnh tháng 8 dương lịch trùng với tháng 7 âm, điều cho là vì các hãng xe muốn né "tháng cô hồn".
Cụ thể, lượng xe nhập về trong tháng 7 đạt hơn 13.000 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với cùng kỳ tháng trước đó, bằng với lượng xe nhập các tháng 5, 3 và tháng 2/2019.
Trong số các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam, hiện nay chiếm khoảng trên 80% là xe du lịch, xe bán tải chở người, chỉ khoảng 10 - 15% là xe tải, xe chuyên dụng và xe thương mại.
Hết tháng 7/2019, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu các loại đạt 88.000 chiếc, trị giá đạt 1,94 tỷ USD, tăng 365,6% về lượng và tăng 319,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Nếu so như vậy, con số tăng đột biến, song cũng không phải ánh chính xác thị trường xe hơi và biến động chính sách tại thị trường xe hơi Việt Nam.
Điều đang quan tâm nhất chính là giá xe nhập về Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng rẻ đi, điều này cho thấy hầu hết xe đều được nhập từ Thái Lan, Indonesia, những nước không phải chịu thuế nhập khẩu ở Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 7/2019, bình quân giá xe nhập khẩu về Việt Nam chỉ hơn 456 triệu đồng/chiếc, trong khi đó tháng 6, giá xe bình quân là hơn 554 triệu đồng/chiếc; giá xe bình quân nhập về thấp hơn gần 100 triệu đồng/chiếc.
So với 5 tháng trước đó, giá xe bình quân/tháng đều dao động thấp nhất là 488 triệu đồng/chiếc, cao nhất là 540 triệu đồng/chiếc. Như vậy, có thể thấy xe về Việt Nam tháng này tập trung chủ yếu vào dòng xe giá rẻ.
Tôm, cua, hoa quả Mỹ về VN với giá rẻ bất ngờ
Theo
dantri.com.vn, tại TPHCM, nhiều mặt hàng thủy hải sản, nông sản của Mỹ đang có giá rẻ bất ngờ. Điển hình như tôm hùm Alaska sống loại 0,5 - 0,7kg/con có giá 890.000 đồng/kg, loại 0,7 – 4kg/con còn sống có giá 980.000 đồng/kg. Loại tôm hùm Alaska đông lạnh hoặc hấp chín (bảo quản đông lạnh) có giá chỉ 590.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tôm hùm bông sống trong nước sản xuất loại từ 0,5 – 0,7kg/con đang được bán với giá 1,5 triệu đồng/kg. Tôm hùm bông sống loại từ 0,7 – 1kg/con có giá 1,75 triệu đồng/kg và loại từ 1kg/con trở lên có giá đến 2,25 triệu đồng/kg, đắt gấp đôi tôm hùm Alaska nhập khẩu.
Cuộc chiến thương mại khiến hải sản của Mỹ xuất sang Trung Quốc bị siết chặt. Chính vì vậy mà nguồn cung tôm hùm từ Mỹ về Việt Nam dồi dào, giá cả cũng tốt hơn.
Cua hoàng đế sống loại từ 2 – 4kg/con có giá 1,89 triệu đồng/kg, cua hoàng đế đông lạnh có giá chỉ 950.000 đồng/kg. Trước đây, những loại cua này đều có giá đắt hơn hiện nay khoảng 40%.
Tôm Alaska sống nặng từ 1-4kg/con có giá 1,99 triệu đồng/kg, cua hoàng đế bơi trong hồ loại “khủng” nặng 3 – 4kg/con có giá 3,59 triệu đồng/kg, hàu Mỹ loại 300g/con giá 400.000 đồng/kg, sò điệp Mỹ loại 200g/con giá 1,39 triệu đồng/kg.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, có khoảng 3.785 kg tôm được nhập khẩu về Việt Nam dưới tên "tôm hùm Alaska", giá trị ước tính là 27.526 USD. Số lượng tôm này có xuất xứ từ Nhật Bản và Indonesia. Như vậy, tính bình quân mỗi kg tôm hùm Alaska nhập về Việt Nam chỉ khoảng 7,27 USD/kg, tức khoảng 170.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì giá 170.000 đồng/1kg chỉ là giá nhập khẩu, chưa bao gồm các chi phí vận chuyển và thuế. Do đó, nếu tính các chi phí khác thì giá tôm sẽ cao hơn nhiều.
Không chỉ có hải sản Mỹ đang “tung hoành” tại TPHCM mà nhiều loại nông sản khác của đất nước này cũng đang có giá khá mềm so với trước. Điển hình như là cherry, nhiều siêu thị và cửa hàng đang bán cherry Mỹ với giá từ 280.000 – 350.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào thời điểm này năm 2018, giá cherry dao động từ 400.000 – 550.000 đồng. Như vậy, giá cherry đã giảm khoảng 30 – 35% so với trước. Dâu tây Mỹ có giá bán 500.000 – 600.000 đồng/kg. Trong khi trước đây, 1kg dâu tây Mỹ có giá từ 700.000 – 800.000 đồng/kg. Bên trong một số siêu thị lớn, táo đỏ Mỹ nhập khẩu được bán với giá chỉ 40.000 đồng/kg. Trong khi trước đây, giá táo đỏ Mỹ phải đắt gấp 2 lần giá hiện tại.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet