Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tăng nhẹ
Theo
congthuong.vn, 6 tháng năm 2019, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu ước đạt 1,894 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn hỗn hợp trong nước tháng 6 tương đối ổn định so với tháng trước.
Hiện, giá thức ăn hỗ hợp cho gà thịt (lông trắng) ở mức 9.830 đ/kg, giá thức ăn hỗ hợp lợn thịt ở mức 9.085 đ/kg. So với vùng kỳ năm trước, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt tăng 6,27%, trong khi giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giảm 0,6%.
Trong 6 tháng năm 2019, do ảnh hưởng bởi giá thế giới nên giá hầu hết các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều có xu hướng giảm, riêng mặt hàng cám gạo và lysine tăng.
Đồng thời, kết hợp với việc dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng khiến việc tái đàn gặp khó khăn nên giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giảm 1,14% so với cuối năm 2018 nhưng giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lại tăng 1,2% do việc chăn nuôi thuận lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước tháng 7/2019 có thể sẽ tăng nhẹ.
Trung Quốc siết quy định nhập khẩu, 2.000 tấn mực ùn ứ
Theo
dantri.com.vn, Trung Quốc siết chặt quy định thu mua khiến 2.000 tấn mực của ngư dân Quảng Ngãi ùn ứ, cùng với đó, giá mực khô giảm mạnh khiến đội tàu hành nghề câu mực lao đao.
Giá mực hiện ở mức 110.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá đã thấp mà tiểu thương cũng không muốn thu mua.
Không chỉ những người đi biển mà chủ các cơ sở mua mực khô cũng đứng ngồi không yên. Nhiều chủ cơ sở chỉ biết trông chờ thị trường Trung Quốc có chuyển biến để tiêu thụ hết số mực đang tồn kho.
Lâu nay, sản phẩm mực khô của xã Bình Chánh được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang các nước Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, sản lượng mực xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80%.
Trong năm 2019, Trung Quốc yêu cầu mặt hàng này phải được xuất qua đường chính ngạch. Để đáp ứng được yêu cầu này phải có doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán với các đối tác Trung Quốc, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Điều này khiến sản phẩm mực xà của ngư dân Bình Chánh gần như không thể tiêu thụ được.
Nếu đội tàu khai thác mực đồng loạt vào bờ thì lượng mực tồn đọng sẽ rất lớn. Tình trạng này tiếp diễn sẽ khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Xe nhập khẩu ồ ạt tràn về cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước
Tienphong.vn đưa tin, với việc thực hiện cam kết của FTA, thuế nhập khẩu ô tô và linh phụ kiện đã giảm theo lộ trình; xe nhập khẩu từ ASEAN ồ ạt tràn về Việt Nam hơn 1 năm qua. 7-10 năm nữa, thuế ô tô nhập từ châu Âu cũng giảm về 0%. Các doanh nghiệp nội, liên doanh đang phải nghiên cứu các chiến lược phát triển mới để cạnh tranh với dòng xe nhập miễn thuế này.
Ô tô NK từ châu Âu đã và đang bị đánh thuế rất cao khi về Việt Nam. Thuế NK với ô tô con dung tích xy-lanh trên 3.000cc là 74% và dưới 3.000cc lên tới 78%. Xe tải (gồm cả bán tải) bị đánh thuế NK 65%. Tuy nhiên, sau khi EVFTA có hiệu lực phụ tùng, linh kiện ô tô, khoản thuế này về 0% sau 7 năm nữa; ô tô con dung tích dưới 3.000cc sẽ được miễn thuế NK sau 10 năm (loại trên 3.000 cc là 9 năm).
Trước EVFTA, Hiệp định ATIGA đã giúp thuế NK ô tô nguyên chiếc trong khu vực về 0% từ năm 2018, lượng xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan và Indonesia tăng chóng mặt.
Đứng trước “cơn lốc” xe NK, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam liệu có trụ vững. Theo các chuyên gia, ngoài thị trường tiêu thụ lớn, Việt Nam còn nhiều lợi thế từ ATIGA về nhân công giá rẻ, chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô.
Theo các chuyên gia, thời gian giảm thuế theo EVFTA 7-10 năm trôi qua rất nhanh. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua không phát triển được và giá bán xe trong nước cao hơn nhiều so với xe trong khu vực. Nguyên nhân là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ kém, bảo hộ dài nhưng doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chính sách thuế không ổn định (đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao)... Hy vọng các doanh nghiệp như VinFast, Thaco, Hyundai Thành Công sẽ có những chiến lược đúng để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa xe nhập và xe lắp ráp, thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, dù giá xe vẫn khó giảm sâu.
Giá thành nuôi tôm tăng mạnh
Theo
vietnambiz.vn, từ năm ngoái đến nửa đầu năm 2019, ngành tôm chịu tác động cạnh tranh khốc liệt với tôm của các nước trên thị trường, đặc biệt là đối với tôm Ấn Độ và Ecuador.
Ấn Độ trong 5 năm trở lại đây tăng trưởng liên tục về sản lượng. Có những năm nước này tăng trưởng tới tới 30%. Có lúc, Ấn Độ bán với giá dưới giá thành sản xuất dẫn đến mức độ cạnh tranh gay gắt. Đối với Ecuador, có tiềm năng lớn với các sản phẩm rất tốt và sức cạnh tranh.
Như vậy, câu hỏi đặt ra cho ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới là làm sao giảm giá thành sản xuất?. Cái vướng của chúng ta hiện nay là giá thành sản xuất rất cao. Giá điện tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Có thời điểm chi phí sản xuất một kg tôm có khi chi phí tăng 4.000 - 5.000 đồng.
Bên cạnh đó, thời gian qua giá thức ăn cho tôm trải qua hai lần tăng giá cũng kéo theo chi phí tăng theo và sức cạnh tranh càng thấp.
Khác với cá tra, quy mô sản xuất tôm vẫn nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa tốt như cá tra nên khi có tác động thị trường nên người sản xuất bất lợi.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản vẫn lạc quan từ nay đến cuối năm vẫn có điểm sáng cho ngành tôm. Cuối năm là thời điểm chính mùa tôm của Ấn Độ kết thúc. Ngoài ta, nhu cầu cầu của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc vẫn rất cao. Các hiệp định thương mại tự do được kì vọng sẽ tạo sức đẩy cho ngành tôm trong thời gian tới.
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh
Nongnghiep.vn đưa tin, tình hình xuất khẩu thủy sản gặp những khó khăn, dẫn đến tồn đọng, giá một số mặt hàng thủy sản giảm mạnh.
Thời gian gần đây do Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản qua đường tiểu ngạch, dẫn đến giá cả mặt hàng trên bị giảm do tiêu thụ không được.
Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg từ 250.000 - 260.000 đ/kg (giảm 70.000 đ/kg so cùng kỳ); loại 30 con/kg: 180.000 - 190.000đ/kg (giảm 70.000đ/kg so cùng kỳ); Tôm sú loại 40 con/kg: 150.000 - 160.000đ/kg (giảm 20.000đ/kg so cùng). Riêng tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg từ 92.000 - 95.000 đ/kg (tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg so cùng kỳ).
Giá tôm giảm một phần là do Trung Quốc cấm Việt Nam xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch. Tôm nguyên liệu giảm, người nuôi tôm còn phải đối mặt với dịch bệnh trong thời gian qua, hiện diện tích nuôi tôm công nghiệp cũng bị ảnh hưởng năng suất do bệnh, theo số liệu thống kê hiện có 85,6 ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh. Trong đó, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến có 4.879,8 ha bị nhiễm bệnh, mức độ thiệt hại khoảng 30 - 50% diện tích tôm nuôi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do môi trường tác động.
Nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm chưa dám mở rộng diện tích thả nuôi do lo sợ giá tôm tiếp tục giảm.
Do giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, nên nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm lo sợ giá tôm nguyên liệu sẽ giảm, nên e ngại mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ thua lỗ.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, tổng sản lượng thủy sản ước đến hết tháng 6 năm 2019 đạt 286.500 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ, đạt 51,2% kế hoạch. Trong đó sản lượng tôm ước đạt 93.350 tấn; tăng 6,7% so cùng kỳ, đạt 44,8% kế hoạch.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet