Tuy nhiên, nhờ thị trường bất động sản ấm dần, kéo theo sản phẩm thép tiêu thụ tăng mạnh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng tiêu thụ của ngành thép đạt tới 24%.
Những con số biết nói
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): 6 tháng đầu năm 2015 sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ đạt trên 3 triệu tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Mức tăng trưởng đó có sự tham gia mạnh mẽ từ một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép lớn, như: Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là đơn vị tiêu thụ đạt cao nhất, với 696.059 tấn, chiếm 22,78% thị phần. Tiếp đến là thép Hòa Phát tiêu thụ đạt 675.710 tấn, chiếm 22,12% thị phần; thép Pomina tiêu thụ đạt 407.426 tấn, chiếm 13,34% thị phần; Vinakyoei đạt 246.262 tấn, chiếm 8,06% thị phần.
Không chỉ riêng sản phẩm thép xây dựng tăng trưởng ấn tượng, mà, đối với sản phẩm ống thép cũng tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Nếu tính trong 6 tháng đầu năm 2015 mặt hàng này tiêu thụ đạt 664.583 tấn, tăng 34,7% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2014, trong đó xuất khẩu đạt 80.370 tấn. Sản lượng ống thép tiêu thụ tăng trưởng cao phải kể đến ống thép Hòa Phát, DN này chiếm tới 21,85% thị phần, tương đương 145.300 tấn. Tiếp đó là ống thép Hoa Sen tiêu thụ đạt 130.528 tấn, chiếm 19,63% thị phần. Hai đơn vị này luôn đứng đầu bảng trong số các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ống thép trong những năm qua.
Khó khăn vẫn còn đè nặng nhà sản xuất
Đánh giá về kết quả trên, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng của ngành thép phần nào giúp DN sản xuất giảm áp lực hàng tồn kho, tăng sản xuất. Tuy nhiên, giữ được niềm vui đó là điều hết sức khó khăn, bởi sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng khốc liệt giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Nhằm tăng tiêu thụ, trong mấy năm gần đây các DN đã tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu, song các nước đều đưa ra biện pháp tự vệ như kiện chống bán phá giá, đây là rào cản làm cho lượng thép xuất khẩu ngày một giảm. 6 tháng đầu năm 2015 sản phẩm thép dài của các DN là thành viên của VSA xuất khẩu chỉ đạt 175.543 tấn, đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Để phát triển ổn định lâu dài là điều hết sức khó khăn cho các DN sản xuất thép trong nước. Chính vì vậy, các DN cần đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại, tránh tiêu hao năng lượng, đồng thời phải nâng cao năng lực quản trị DN, tiết giảm tối đa mọi chi phí để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh đó cần nâng cao kiến thức để phòng vệ thương mại, bởi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ không tránh khỏi những vụ kiện chống bán phá giá diễn ra nhiều hơn.
Nguồn:Báo Công Thương