Đã lâu, giới truyền thông không tập trung nhiều vào một quyết định riêng lẻ nào kể từ khi LeBron James quyết định khoác áo cho tuyển Miami – một quyết định thu hút 10 triệu người Mỹ theo dõi năm 2010.
Nhưng tuần này, tờ Wall Street Journal đã có sự chăm sóc đặc biệt đối với quyết định của Chủ tịch Fed Janet Yellen và các nhà hoạch định chính sách Fed. Quyết định của Fed về lãi suất được coi là quan trọng nhất trong năm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về động thái tiếp theo của Fed, nhưng điều quan trọng là phản ứng của thị trường vẫn chưa hề rõ ràng. Đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong 7 năm qua có thể châm ngòi cho một cơn hỗn loạn từ thị trường cổ phiếu cho đến vàng hoặc là không, tùy thuộc vào khả năng lèo lái của của Fed.
Sau đây là một số xu hướng được dự báo sau khi Fed đưa ra tuyên bố vào đêm nay:
1. Thị trường chứng khoán biến động
Thời gian chuẩn bị diễn ra phiên họp chính sách thực sự là một quãng đường gập ghềnh cho thị trường chứng khoán với chỉ số S&P 500 tăng 0,87%. Tuy nhiên, thước đo sự sợ hãi của Phố Wall – chỉ số CBOE VIX vẫn ở trên mức trung bình dài hạn vào khoảng 23.
Nếu Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm vào thứ Năm 17/9, giới đầu tư có thể hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang tăng trưởng ổn định hoặc họ cũng có thể hiểu rằng kỷ nguyên nguồn tiền giá rẻ và đợt bán tháo đã kết thúc.
Nhưng nếu Fed đợi đến tháng 10 hoặc tháng 12 hoặc lâu hơn nữa mới tăng lãi suất, thị trường sẽ hiểu rằng Ngân hàng trung ương vẫn chưa thực sự tin rằng kinh tế đang duy trì đà tăng trưởng, hoặc tệ hơn, ngân hàng trung ương Mỹ có thể mất uy tín.
2. Thị trường trái phiếu chính phủ
Lãi suất tăng, dù chỉ rất nhỏ, cũng có thể kích hoạt đợt bán tháo trái phiếu chính phủ.
Các giao dịch bán ra đã được bắt đầu rất sớm kể từ khi một loạt số liệu được tung ra đem đến một cái nhìn mơ hồ về thực trạng nền kinh tế nhưng cũng đủ để các nhà đầu tư lạc quan tin rằng Fed sẽ kích hoạt đợt tăng lãi suất.
Tăng lãi suất "có thể là cú sốc" với Trái phiếu ngắn hạn, nhất là loại trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm.
Hôm Chủ nhật vừa qua, nhóm chuyên gia của HSBC đã đưa ra 3 kịch bản đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Thứ nhất, Fed sẽ không thắt chặt chi phí vay và tiếp tục duy trì những số liệu phụ thuộc: Khi đó tỷ suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ nằm trong khoảng 2,1-2,2%.
Thứ hai, không thắt chặt chi phí vay và một số dấu hiệu cho thấy tháng 12 mới là thời điểm nâng lãi suất: Lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ nằm trong khoảng 2,2-2,3%.
Thứ ba, thắt chặt chi phí cho vay đồng thời kiểm soát lãi suất thị trường trong dài hạn: Đây sẽ là kịch bản bất ngờ nhất đối với các nhà đầu tư. Lợi suất trái phiếu 10 năm có thể lên tới 2,4%.
3. Thị trường tiền tệ các nền kinh tế mới nổi
Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng tiền các thị trường mới nổi suy yếu do triển vọng lợi suất cao hơn của tài sản định giá bằng USD sẽ thu hút giới đầu tư quay lại Mỹ.
Đây là điều đã diễn ra sau khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke phát tín hiệu sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản của Ngân hàng trung ương trong năm 2013. Khi tỷ suất trái phiếu chính phủ tăng, hàng loạt đồng tiền thị trường mới nổi giảm giá.
Nhưng Matt Weller, chuyên gia phân tích cao cấp tại Forex.com, lại cảnh báo rằng lần tăng lãi suất này có thể sẽ khác. Một số đồng tiền có thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức lớn như lira Thổ Nhĩ Kỳ, real Brazil và rand Nam Phi dễ bị tổn thương nhất và nguy cơ giảm giá là điều dễ hiểu do những nền kinh tế này đều đang phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài.
Tuy nhiên các đồng tiền có thặng dư tài khoản vãng lai lớn như Thái Lan và Nga sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Nhưng tóm lại thị hầu hết đồng tiền các thị trường mới nổi đều giảm giá trong năm nay.
4. Tỷ giá euro/yên
Đồn đoán Fed sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên trong số các nước phát triển nâng lãi suất đã khiến USD tăng giá so với euro, yên và bảng Anh trong quý I/2015.
Các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể tác động để kiềm chế đà tăng của USD ngay cả khi Fed quyết định tăng lãi suất vào thứ Năm 17/9. Nhưng hầu hết các chiến lược gia từ các ngân hàng đầu tư đều dự đoán USD tiếp tục tăng đến cuối năm nay.
Thậm chí các chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch và Goldman Sachs còn dự đoán USD sẽ ngang giá với euro vào cuối năm nay.
5. Thị trường vàng
Nếu Fed phát tín hiệu "chủ hòa" vào thứ Năm 17/9, điều này sẽ giúp đẩy tăng thị trường chứng khoán và kéo giảm giá USD.
Khi đó, giá vàng sẽ hưởng lợi khi lãi suất thấp trong dài hạn sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý này. Nhưng rủi ro giao dịch có thể khiến giới đầu tư giảm chú ý đến vàng trong khi tăng sự quan đến đến cổ phiếu.
Mặt khác nếu Fed đưa ra các quyết định "chủ chiến", kể cả tăng lãi suất, điều này sẽ làm tăng sức hút của USD trong khi làm suy yếu giá cổ phiếu và giá vàng.
Như vậy cả hai kịch bản đều có vẻ như không thuận lợi cho thị trường vàng.
6. Thị trường dầu thô
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ có thể vẫn giảm bất kể Fed quyết định thế nào về lãi suất.
Các nhà giao dịch hàng hóa vẫn kiên định cho rằng nếu Fed tăng lãi suất thì USD sẽ mạnh lên, do đó gia tăng áp lực lên giá hàng hóa giao dịch bằng đồng bạc xanh, kể cả dầu thô.
Richard Hastings, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại Global Hunter Securities, tin rằng nếu lãi suất tăng, giá dầu tại Mỹ thậm chí còn giảm sâu hơn nữa.
Giá dầu đã giảm hơn một nửa kể từ mức đỉnh tháng 6/2014, chủ yếu do thừa cung toàn cầu và lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, giảm mạnh.
Theo Nhật Trường
Nhịp Cầu Đầu Tư
Nguồn:Nhịp Cầu Đầu Tư