menu search
Đóng menu
Đóng

Chi hơn 800 triệu USD nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm, tăng 18% cùng kỳ

20:33 03/08/2015

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Vinanet - Theo thống kê của Bộ Công Thương tháng 7 và 7 tháng đầu năm, nhập khẩu một số mặt hàng ngành công nghiệp nặng phân bón và hóa chất có xu hướng tăng.

Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015, đại diện Bộ Công Thương cho hay, một số mặt hàng như phân bón, hóa chất tăng cả về sản lượng và chất lượng.

Cụ thể, tính trong tháng 7/2015, ước sản lượng phân đạm urê đạt 167,6 nghìn tấn, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm 2014; phân NPK khoảng 225,6 nghìn tấn, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2014. 

Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân ure ước đạt 32,9 nghìn tấn, tăng 94,9% so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK ước đạt 163 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Cả 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng phân đạm urê đạt 1.257,1 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014; phân NPK khoảng 1.479,8 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Về tình hình nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2015 tăng 15,3% cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 7 năm 2015 đạt 521 nghìn tấn với giá trị 161 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2,56 triệu tấn.  Giá trị nhập khẩu đạt 811 triệu USD, tăng 18,5% về khối lượng và cũng tăng 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 234 nghìn tấn với giá trị đạt 75 triệu USD,tăng gấp 2,2 lần về khối lượng và tăng 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2014; phânSA ước đạt 620 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 87 triệu USD, tăng 2,6% về khối lượng và tăng 6,7% về giá trị so với năm 2014.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, mặc dù thì phần thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn chiếm tới 45,4 % tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.

Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Lào (2,6 lần), Hàn Quốc (87%), và Belarus (73,5%).

Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, do có sự chủ động trong sản xuất và tích trữ của các doanh nghiệp phân bón trong nước nên không có tình trạng khan hàng, giá các mặt hàng phân bón vẫn giữ ở mức ổn định. 

Ngoài ra, nhu cầu phân bón một số tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang khá ổn định và không có nhiều đột biến.

Dự kiến của Bộ Công Thương cho hay, giá các loại phân bón từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Nguồn cung trong nước và nguồn hàng nhập khẩu thêm từ các nước như Trung Quốc, Indonesia có thể đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước.

Kiều Linh