menu search
Đóng menu
Đóng

Đấu thầu NK đường theo hạn ngạch thuế quan: Công khai, minh bạch

20:00 14/07/2015

Theo cam kết với WTO, Việt Nam phải cho nhập khẩu (NK) một khối lượng đường nhất định theo hạn ngạch thuế quan ưu đãi tăng dần 5% về khối lượng mỗi năm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho thực hiện thí điểm đấu thầu nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan WTO từ năm 2016 thay vì phân giao hạn ngạch như hiện nay, giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế để triển khai.

Hạn ngạch nhập khẩu đường nên được công bố rộng rãi, công khai

Theo cam kết với WTO, Việt Nam phải cho nhập khẩu (NK) một khối lượng đường nhất định theo hạn ngạch thuế quan ưu đãi tăng dần 5% về khối lượng mỗi năm. Cụ thể, khối lượng đường được NK theo hạn ngạch vào Việt Nam năm 2012 là 70.000 tấn; năm 2013: 73.000 tấn; năm 2014: 77.000 tấn; năm 2015: 81.000 tấn. Theo Bộ Tài chính, thuế suất ưu đãi đối với đường NK theo hạn ngạch năm 2015 dao động từ 25- 40% tùy mã hàng; đường NK ngoài hạn ngạch sẽ phải chịu thuế suất bảo hộ rất cao, từ 80- 85%.

Năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam còn yếu khiến giá đường NK theo hạn ngạch, dù đã phải chịu thuế, vẫn thấp hơn giá đường của các doanh nghiệp (DN) trong nước, một số DN dùng đường làm nguyên liệu đầu vào sản xuất không chấp nhận tiêu thụ đường nội địa đã xin hạn ngạch NK. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đấu thầu NK đường theo hạn ngạch thuế quan WTO trong năm 2016 và đã được chấp thuận.

Để thực hiện đấu thầu NK đường theo hạn ngạch, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam… xây dựng cơ chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả, tác động của việc đấu thầu NK đường tới các DN chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, các nhà máy đường, nông dân trồng mía… cũng như tác động đến cung cầu đường trong nước và phản ứng từ các thành viên WTO, trên cơ sở đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp tiếp theo.

Đến nay, cơ chế đấu thầu vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Theo Hiệp hội Mía đường, cơ chế đấu thầu cần xây dựng theo hình thức phổ biến rộng rãi. Chính phủ nên cho phép NK 100% đường thô và không giới hạn đối tượng đấu thầu thông qua việc cam kết mức phí nộp vào ngân sách.

Đối tượng nào nộp phí cao thì trúng thầu và được cấp hạn ngạch NK sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phí được chủ động chọn nhà cung cấp, NK, phân phối… Khối lượng đường NK trong hạn ngạch theo cam kết WTO có nguồn gốc từ quốc gia nào thì được hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thuế quan đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết.

Hạn ngạch NK đường hàng năm nên được công bố rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vào đầu năm. Còn thời điểm cho thông quan đường NK theo hạn ngạch vào thị trường nội địa, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, thích hợp nhất là sau khi niên vụ mía đường đã kết thúc để giảm dư thừa đường cục bộ, gây tồn kho lớn.

Ngoài ra, cơ chế đấu thầu cũng có thể nghiên cứu, xây dựng theo phương thức đấu thầu NK và đấu thầu bán ra tại thị trường nội địa để điều tiết cung cầu và bình ổn giá đường.
Áp dụng cơ chế đấu thầu hạn ngạch NK đường sẽ góp phần hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, thu được một khoản phí không nhỏ cho ngân sách..., không vi phạm cam kết WTO.

Nguồn:Báo Công Thương