Sử dụng chất cấm nuôi heo vì tiền
Chiều 31/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 8 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2015.
Báo cáo tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra của Bộ Nông nghiệp cho hay, ngày 11/8 vừa qua, Đoàn công tác kiểm tra của Bộ Nông nghiệp làm việc với Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh về phát hiện tồn dư chất cấm trong các lô heo giết mổ.
Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao từ 80 ppb thuộc 7 lô heo, lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm với 7 thương lái có heo kiểm tra dương tính với Sbutamol. Trong 7 lô heo dương tính với Salbutamol thì có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An.
Tại Đồng Nai, Chi cục Thú y đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trang trại có Heo dương tính Sbutamol.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù đã phát hiện sử dụng chất cấm để vỗ béo heo nhưng hiện tại Chi cục Thú y Đồng Nai chưa làm hết trách nhiệm trong vụ việc này.
"Đoàn công tác đã đề nghị PC46 Đồng Nai nhanh chóng vào để truy xuất và tìm ra các cơ sở cung cấp nguồn Sbutamol, đồng thời để nghị PC46 làm rõ việc một số cơ sở chăn nuôi sau khi xuất bán heo và kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các trang trại có chất cấm mà Chi cục Thú y Đồng Nai vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình", ông Dũng nhấn mạnh.
Về tình hình truy xuất nguồn gốc lô heo của Công ty Anco và công ty CP có chứa chất cấm, ông Dũng cho hay, công ty Anco dùng thủ đoạn chất cấm mới, mua heo đã xuất chuồng đem về sử dụng chất cấm để vỗ béo.
"Chúng tôi đã đưa ra phương án, công ty sẽ lấy mẫu, mỗi ngày một mẫu nước tiểu và một thức ăn để kiểm tra. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu công ty Anco kiểm tra heo trước khi xuất chuồng. Chúng tôi đề nghị Chi cục Thú y quan tâm tới công tác kiểm dịch. Bởi dư luận Đồng Nai đang rất phẫn nộ thương lái sử dụng chất cấm vỗ béo cho heo", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, tình trạng một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10-30 ngày sẽ đạt tăng trọng 20-30kg, sẽ có trọng lượng khoảng 130-140kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Cũng theo ông Dũng, tương tự Đồng Nai, Chi cục Thú y Long An và Tiền Giang vào cuộc rất chậm. Mặc dù tại Tiền Giang, cơ quan báo đài vào cuộc rất quyết liệt nhưng sử dụng chất cấm vẫn còn là... vì tiền.
Dùng chất cấm vì giá heo cao
|
Sử dụng chất cấm Salbutamol để tạo nạc cho heo (Ảnh minh hoạ) |
Lý giải vì sao sử dụng chất cấm nuôi heo gia tăng, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng do áp lực về giá heo cao, từ 45 đến 50.000 đồng/kg dẫn đến người dân ham; thương lái muốn ép chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm để tạo tỷ lệ thịt nạc cao, hấp dẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc kiểm tra bằng cách lấy nước tiểu thử bằng eliza, định tính tỷ lệ dương tính giả rất nhiều.
Theo ông Dương, giải pháp triệt để sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bao gồm: Thứ nhất, tuyên truyền cho người dân tác hại của sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Thứ hai là tăng cường áp lực kiểm tra, gia tăng tần suất nhất là cơ quan quản lý các địa phương phải vào cuộc.
Thứ ba là đơn giản hóa quy trình kiểm tra. Nếu như trước đây sử dụng hình thức chính là thử định tính, hiện nay Cục đang nghiên cứu biện pháp dùng que thử nước tiểu. Trong vài tuần nữa nếu được Bộ đồng ý sẽ ban hành văn bản việc lấy nước tiểu. Việc này giúp ngay cả người tiêu dùng dùng que thử cắm vào sản phẩm để kiểm tra, nếu phát hiện đổi màu thì không nên mua.
Cuối cùng là phải xử lý thật nghiêm, doanh nghiệp vi phạm. Một doanh nghiệp vi phạm mà xử phạt hơn 400 triệu, dừng kinh doanh tạm thời một tháng thì phá sản.
"Đây không phải là vấn đề của Bộ Nông Nghiệp nói riêng mà cần có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành liên quan. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần phải tuyên truyền để người dân vào cuộc, tẩy chay sản phẩm có chất cấm, phát giác và tố giác", ông Dương nhấn mạnh.
Cục Thú y đang tiếp tục triển khai các hoạt động ngăn chặn tạp chất có hiệu quả; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc nhóm C và tiến hành xử lý các sai phạm theo quy định, tập trung kiểm tra các lò giết mổ gia súc, gia cầm, thí điểm tại Yên Bái, Thái Bình. Trong tháng, Thanh tra bộ đã tiến hành 1 cuộc thanh tra đột xuất (xác minh và xử lý chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, TP. HCM). Qua thanh tra đột xuất Công ty Khoa Nguyên-TP. HCM đã xử phạt vi phạm hành chính 442 triệu đồng.
(Ông Dương Tiến Thể, Cục phó Cục Thú y)
Kiều Linh