menu search
Đóng menu
Đóng

Giá ngô có thể giằng co trên hỗ trợ 570 trong phiên hôm nay trước khi quay trở lại nhịp giảm mạnh

17:32 04/05/2023

Thị trường ngô biến động khá ảm đạm trong phiên sáng nay khi giá gần như không thay đổi so với mức tham chiếu. Giá đã trải qua một phiên hồi phục mạnh mẽ hôm qua do ảnh hưởng từ diễn biến của giá lúa mì. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu hiệu đủ thuyết phục để kỳ vọng về diễn biến đảo chiều và thoát khỏi xu hướng giảm trong trung hạn của ngô. Bối cảnh triển vọng cung cầu đối với ngô vẫn thiên về tác động “bearish”.
 
Bắt đầu với Mỹ, báo cáo Triển vọng gieo trồng (Prospective Plantings) phát hành vào cuối tháng 3 đã xác định diện tích trồng ngô là 92 triệu mẫu Anh. Vào thời điểm đó, các khu vực phía bắc đang trải qua lớp băng tuyết dày và triển vọng cho tháng 4 là nhiệt độ dưới mức bình thường. Hiện tại, tuyết đã tan và mực nước dâng cao trên các con sông tạo điều kiện gieo trồng ngô được đẩy mạnh ở những khu vực này trong giai đoạn tới. Về năng suất, thảo luận trong ngành hiện tại đang hướng tới con số 181.5 giạ/mẫu dựa trên tính toán theo đường xu hướng của USDA. Nhìn chung, nguồn cung năm nay sẽ là yếu tố tạo áp lực với giá. Về nhu cầu, xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ 22/23 hiện đang được dự báo gần 47 triệu tấn nhưng với nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc năm nay thì có thể sẽ không đạt được mức dự kiến. Trong tuần trước, các đơn hàng mua ngô lớn của Trung Quốc đã bị hủy và đặt ra nghi ngờ về việc lượng ngô từ Mỹ sang quốc gia này sẽ sụt giảm mạnh trong niên vụ 22/23. Cạnh tranh từ nguồn cung ở Brazil sau khi nước này ký kết thỏa thuận thúc đẩy thương mại với Trung Quốc đã khiến cho lượng ngô xuất khẩu hàng tháng của Brazil liên tục đạt mức kỉ lục kể từ cuối năm ngoái. Trong báo cáo Export Sales tuần này, thị tường dự đoán bán hàng ngô còn có thể đạt mức âm do việc hủy hàng của Trung Quốc.
Xét trên mô hình kĩ thuật, giá ngô vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh với hỗ trợ cứng ở vùng 570 nên giá có thể trải qua hồi phục ngắn.
Động lượng giảm của Arabica vẫn còn khi nguồn cung ngắn hạn có phần cải thiện nhờ xuất khẩu tại Honduras
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/05, Arabica quay lại đà suy yếu khi thị trường tập trung vào số liệu xuất khẩu tích cực tại Honduras. Cụ thể, trong tháng 04 năm 2023, quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới đã xuất khẩu nhiều hơn cùng kỳ năm trước 49% khi nguồn cung đang có sẵn. Trong khi đó, giá Robusta không đổi so với mức tham chiếu trong bối cảnh nguồn cung thể hiện sự trái chiều trong hạn chế bán hàng tại các quốc gia Châu Á và kỳ vọng mức sản lượng cao kỷ lục tại Brazil.
Thông tin cơ bản về nguồn cung chủ yếu vẫn tiếp diễn theo hướng trái chiều.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm dù đã cán mức thấp nhất trong 5 tháng. Trong khi xuất khẩu cà phê tại quốc gia cung ứng lớn nhất thế giới là Brazil tiếp tục giảm trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2022 cũng như tháng trước đó. Điều này làm hạn chế khả năng hồi phục của tồn kho cũng như gây áp lực lên giá trong ngắn hạn. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu lạc quan của Honduras sẽ phần nào bù đắp những thiếu hụt này và hạn chế đà tăng.
Lo ngại suy thoái kinh tế sau những dữ liệu vĩ mô yếu kém tại quý đầu tiên của Mỹ, cung với những tác động kéo dài từ bất ổn ngành ngân hàng Mỹ và Châu Âu. Điều này có thể khiến chi tiêu đối với mặt hàng không thiết yếu như cà phê bị cắt giảm, đặc biệt là Arabica với giá thành cao. Đây rất có thể sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Giá đồng có thể thu hẹp đà tăng trong phần còn lại của phiên do triển vọng tiêu thụ kém sắc
Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá đồng phục hồi tăng mạnh trong phiên sáng 04/05, đã có lúc chỉ số Dollar Index giảm về mức 101,02 điểm, mức thấp nhất trong hơn 1 tuần. Tuy nhiên, lo ngại suy thoái có thể tiếp tục đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ đồng và làm hạn chế đà tăng của giá trong phiên hôm nay.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 02 – 03/05, đưa mức lãi suất liên bang lên 5 – 5,25%. Đồng thời, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tín hiệu ngừng tăng lãi suất trong tháng 6. Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh khiến đồng USD suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng.
Tuy vậy, sau quyết định lãi suất của Fed, hôm nay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,75%.
Các ngân hàng lớn đồng loạt tăng lãi suất khiến cho áp lực chi phí đi vay tăng cao, kết hợp với bối cảnh tín dụng thắt chặt tại Mỹ, sức khỏe ngành ngân hàng bất ổn và rủi ro trần nợ, nguy cơ suy thoái ngày càng hiện rõ và làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng. Trong cuộc họp báo vào rạng sáng nay, Chủ tịch Powell cũng lưu ý nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạn suy thoái nhẹ.
Hơn nữa, dữ liệu sáng nay cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin của Trung Quốc đã giảm xuống 49,5 vào tháng 4 từ mức 50,3 điểm hồi tháng 3. Chỉ số này chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào định hướng xuất khẩu so với PMI chính thức. Do đó, dữ liệu này cũng đã phần nào chỉ ra sự suy yếu trong nhu cầu toàn cầu và sự mất đà trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu. Điều này khiến cho nhu cầu tiêu thụ đồng trở nên kém sắc và gây sức ép tới giá.
Giá dầu có thể phục hồi khi Fed bỏ ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất
Giá dầu WTI mở cửa phiên với mức giảm đột ngột khoảng 4 USD xuống 63,6 USD/thùng, nhưng sau đó nhanh chóng rút chân và hiện đang tăng hơn 5 USD so với thời điểm mở cửa. Diễn biến bất thường này xuất phát từ các giao dịch thuật toán, đòi hỏi sử dụng công thức và việc tính toán siêu tốc để xác định những cơ hội giao dịch. Lực bán mạnh liên tục trong 3 phiên trở lại đây trên thị trường dầu thô đã kích hoạt giao dịch này.
Trong hôm nay, nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trở lại, khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua cho thấy giọng điệu ôn hoà hơn, và có một vài tín hiệu cho thấy Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất.
Các quan chức đã loại bỏ một cụm từ quan trọng trong tuyên bố chính sách trước đó của họ, vào tháng 3, đó là “dự đoán một số mức tăng bổ sung có thể phù hợp”, được thay thế bằng “sẽ theo dõi cẩn thận nền kinh tế và tác động của việc tăng nhanh lãi suất trong năm qua”.
Trong bối cảnh rủi ro suy thoái gia tăng, và sau 10 đợt tăng lãi suất, rõ ràng Fed cần cận trọng hơn trong các hành động tiếp theo. Việc bỏ ngỏ cơ hội tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp thang 6 sắp tới sẽ cải thiện tâm lý các nhà đầu tư, và thị trường dầu nhiều khả năng sẽ đón nhận lực mua trở lại sau khi liên tục lao dốc trong giai đoạn qua.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy gần như 100% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữu nguyên lãi suất trong kỳ vọng tháng 6.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, nền kinh tế vẫn còn nhiều áp lực. Việc siết chặt tiền tệ qua thị trường trái phiếu còn tiếp diễn, đồng thời Fed vẫn nhắc lại mục tiêu lạm phát 2%. Hơn nữa, Fed sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm nay, và điều này sẽ gây áp lực tới nền kinh tế. Tín dụng ngân hàng cũng sẽ hạn chế, nhiều doanh nghiệp đáo hạn trả nợ và chịu mức lãi cao hơn. Trong bối cảnh thiếu vắng các tác động cung cầu đáng chú ý, đà phục hồi của giá dầu vẫn còn tương đối mong manh.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv