Chuyển biến từ nhận thức
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội: Nâng giá trị sản phẩm với tinh hoa truyền thống
Sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm của các làng nghề thì phải có câu chuyện trong đó. Câu chuyện càng hay, sự cầu kỳ càng được thể hiện rõ ở trong đấy thì giá trị sản phẩm sẽ tăng lên.
Vì vậy chúng tôi xây dựng nên Trung tâm tinh hoa người Việt tại Bát Tràng, đưa vào đấy khoảng trên 60 gian hàng đều là của các nghệ nhân, thợ giỏi có uy tín. Chúng tôi muốn giới thiệu với khách những gì tinh hoa nhất của sản phẩm và có câu chuyện hay nhất. Khi vào trung tâm, mỗi một gian hàng là một dòng sản phẩm riêng, một câu chuyện riêng. Đến đây du khách được tham quan, nghe những câu chuyện của làng gốm cổ truyền Bát Tràng, được chụp hình đẹp và được lựa chọn những sản phẩm rất đẹp. Câu chuyện rất hay và giá trị sản phẩm rất cao. Đó là cách chúng tôi phối hợp, kết nối giữa tinh hoa của nghề, những người làm nghề với du lịch.
Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất phải có sự khác biệt, không đụng hàng, tiết kiệm được chi phí đầu vào. Khi khách hàng cầm sản phẩm sẽ thấy kỹ thuật và tính mỹ nghệ rất cao, giá trị sản phẩm từ đó cũng được nâng lên. Đó là điều căn bản trong các nhà sản xuất và đặc biệt là đối với những hàng thủ công mỹ nghệ lại càng cần thiết.
Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường DACE: Kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phân phối
Công ty Dace xuất phát điểm là công ty xuất khẩu. Hiện nay tỷ trọng xuất khẩu chiếm 98%. Hành trình đó gặp nhiều khó khăn bởi chúng tôi xây dựng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trước, sau đó mới quay lại thị trường ở Việt Nam. Khi có đủ những tiêu chuẩn đó, một bộ phận khách hàng trong nước rất quan tâm. Tuy nhiên, câu chuyện bán hàng tại Việt Nam khác câu chuyện ở nước ngoài. Ở nước ngoài, chúng tôi có xuất khẩu theo container hoặc là những đơn hàng hàng triệu đơn vị sản phẩm. Ở trong nước, chúng tôi đang bán cho các hệ thống theo những đơn hàng nhỏ lẻ hơn. Hiện nay để đáp ứng những nhu cầu trên thế giới cũng như Việt Nam, chúng tôi đang tối ưu hóa chi phí sản xuất, lắp đặt những hệ thống sản xuất tự động hóa 80 - 90%.
Các chương trình như OCOP, “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam” cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa. Một là đưa ra những tiêu chuẩn để những công ty, nhà sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kim loại nặng, vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay những vấn đề về trách nhiệm xã hội. Chúng ta phải có bộ tiêu chuẩn công cụ đấy để truyền thông cho những nhà sản xuất. Ngược lại nhà phân phối nên quan tâm hơn và có một góc nhìn khác hơn đối với những nhà sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Shopee Việt Nam: Hỗ trợ nhà sản xuất đưa hàng lên sàn thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19. Các sàn thương mại điện tử bây giờ là một kênh phân phối quan trọng trong việc kết nối giữa người dùng Việt với các nhãn hàng Việt Nam.
Trong năm 2023, Shopee cũng có một số chương trình được hỗ trợ, đặc biệt là các hoạt động từ tháng 5 cho đến tháng 12 nhằm tôn vinh nông sản Việt, nhằm mục tiêu giới thiệu đặc sản, nông sản Việt. Hiện tại Shopee đã giới thiệu 16 đặc sản trên 10 tỉnh, thành đến người tiêu dùng Việt Nam. Điều đáng mừng là các bạn trẻ khá quan tâm đến hàng nông sản Việt, đặc biệt là sản phẩm OCOP.
Trong năm 2024, Shopee sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đã thành công thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt có thể với quy mô lớn hơn. Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng chương trình thúc đẩy ứng dụng sàn thương mại điện tử đối với các nhà sản xuất ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Làm sao để ứng dụng công nghệ số bao trùm lên toàn bộ xã hội chứ không phải chỉ một bộ phận.
Trong thời gian tới Shopee có thể triển khai các chương trình này bằng cách phối hợp với một số Sở Công Thương các tỉnh như: Hải Dương, Nam Định; Nghệ An, Huế; Trà Vinh, Vĩnh Long. Qua đó, chúng tôi hướng dẫn những nhà sản xuất nông sản đưa hàng lên Shopee và tiến tới mở rộng chương trình tại nhiều tỉnh thành hơn.
Ngọc Linh (ghi)
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối, từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%)... Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”, bà Lê Việt Nga đáng giá.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, việc nắm bắt và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thể cạnh tranh và phát triển ở mọi thời điểm và bất cứ quốc gia nào. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh đến 3 xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay, gồm: thương mại điện tử và trải nghiệm mua sắm đa kênh; ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao; tiêu dùng xanh, bền vững, ưu tiên các sản phẩm Organic – thiên nhiên, tăng cường sức khỏe.
Theo đại diện VACOD, người tiêu dùng Việt Nam cũng mong muốn có trải nghiệm đa kênh khi mua sắm online. Giới trẻ chịu tác động lớn từ mạng xã hội, hành vi tiêu dùng chi phối bởi các nền tảng: Shopee, Instagram, YouTube, TikTok... Gen Z đặc biệt bị ảnh hưởng bởi nội dung truyền thông xã hội về chăm sóc da và trang điểm, các phụ kiện như trang sức và giày dép… Một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng đứng tuổi nay đã làm quen được với việc mua hàng từ xa thông qua dịch vụ kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
“Chỉ trong năm 2023 đã có 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao. Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn”, đại diện VACOD nêu ví dụ.
Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và sức khoẻ, ưu tiên mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại cho sức khoẻ và thiên nhiên. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái. Theo một cuộc khảo sát PwC Việt Nam đã thực hiện gần đây về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.
Xuất ngoại không quên chinh phục nội
Xu hướng tiêu dùng thay đổi, tuy nhiên đánh giá về thách thức đối với việc sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga cho rằng nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.
“Tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới”, bà Lê Việt Nga thông tin.
Bên cạnh đó, các nền tảng số, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh liên tục những năm qua và chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/ năm. Theo thống kê của Metric, trong 6 tháng đầu năm 2023, 3 nền tảng nước ngoài gồm Shopee, Tiktok Shop, Lazada đã chiếm 90% doanh thu của thị trường “số” ngày càng mở rộng tại Việt Nam (ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng). Thông qua chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới, một mặt góp phần hỗ trợ cho hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng ở nước ngoài, mặt khác cũng “vận chuyển” đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam nhiều hàng hóa nước ngoài có giá cả rất cạnh cạnh, hợp thị hiếu và xu hướng thời trang, có thời gian vận chuyển hàng hóa ngày càng rút ngắn.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập. Đây là áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng trong nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành dệt may, hàng Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, chinh phục người tiêu dùng nước ngoài. Trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển, có rất nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam”, đa dạng từ may mặc, da giày, thuỷ hải sản… đến nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Đây cũng là niềm tự hào hàng Việt Nam.
“Tuy nhiên có một câu hỏi ngành dệt may nhận được rất nhiều, đó là tại sao ngành tập trung vào xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa. Thực ra ngành dệt may không quên đi thị trường nội địa. Đúng hơn là năng lực sản xuất của ngành hiện nay vào khoảng 50 tỷ USD, trong đó khoảng 85 - 87% là xuất khẩu, còn lại là phục vụ thị trường trong nước. Nếu chỉ tập trung vào thị trường trong nước thì dung lượng thị trường quá nhỏ so với năng lực sản xuất. Vì vậy ngành dệt may vừa khai thác các thị trường xuất khẩu có tiềm năng, vừa tập trung vào phục vụ thị trường trong nước”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ và khẳng định, ngành dệt may Việt Nam phải đi bằng hai chân, không chỉ tập trung vào một trong hai thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, thị trường nội địa không chỉ toàn là cơ hội, các doanh nghiệp dệt may cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển trong nước. Hàng may mặc Việt Nam phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… Những hàng hoá này khi thâm nhập vào Việt Nam thậm chí còn có thể được thay đổi nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng.
Theo đại diện VACOD, thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa luôn là hấp dẫn và đầy thách thức, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Để làm chủ được sân chơi của chính mình, các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt, từ đó có xây dựng được những kế hoạch, chiến lược hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị.
Nguồn:Ngọc Linh/HQ Online