Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 21-22 tỉ USD vào năm 2020, và trên 30 tỉ USD vào năm 2025, nhưng vấn đề nghiêm trọng mà ngành da giày đang phải đối mặt là tình trạng thiếu chủ động nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ trong nước.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), hiện trong 6 chủng loại nguyên phụ liệu cần thiết phục vụ cho ngành sản xuất da giày như da thuộc, giả da (để sản xuất mũ giày, lót, túi cặp), vải dệt ( sản xuất mũ giày, túi cặp, ba lô), vải không dệt (làm lót,đệm, mũ giày, túi), carton (sản xuất đế trong) và đế giày các loại thì khả năng tự chủ nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho các chủng loại nói trên từ các doanh nghiệp trong nước vẫn rất thấp.
Chẳng hạn, với nguồn nguyên liệu giả da, nhu cầu trong nước ước cần đến 210 triệu m2/năm, nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 8,9 triệu m2/năm (tương ứng 4,2%).
Vải không dệt nhu cầu cần 92 triệu m2/năm, nhưng khả năng cung ứng chỉ đạt 11,5 triệu m2/năm (tương ứng 12,5%)…
Chỉ duy nhất đế giày các loại là các doanh nghiệp sản xuất trong nước đáp ứng tương đối tốt, đáp ứng được 58,7% nhu cầu cần (tương ứng khoảng 687 triệu đôi/năm so với mức cầu xấp xỉ 1.170 triệu đôi/năm).
Ông Kiệt cho rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến việc thiếu chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, dẫn đến phải lệ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu là do chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành còn rất yếu và thiếu.
Chưa kể, việc không đồng bộ trong chính sách phát triển nguồn nguyên liệu, từ khâu khuyến khích đầu tư cho đến các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư đã không được Nhà nước… đầu tư thích đáng.
Từ đó, dẫn đến sự thiếu niềm tin, lẫn động lực cần thiết để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thượng nguồn, vốn đầy kinh phí tốn kém này.
Nguồn:Tuổi trẻ