menu search
Đóng menu
Đóng

Khi nào siêu chu kỳ hàng hóa tiếp theo xảy ra?

07:00 13/06/2021

Việc giao dịch điên cuồng và giá tài nguyên thiên nhiên, từ đồng, quặng sắt tới đậu tương và gỗ, tăng mạnh khiến thị trường bàn tán xôn xao về khả năng thị trường hàng hóa toàn cầu đang bước vào siêu chu kỳ.
 
Trong bối cảnh các chính phủ ồ ạt đổ tiền để phục hồi kinh tế thông qua loạt dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, thị trường hàng hóa xuất hiện dấu hiệu phát triển bùng nổ với giá cả lên cao nhất nhiều năm, dấy lên lo ngại về lạm phát. Các sự kiện chấn động như vậy làm giàu cho những quốc gia và thương nhân đang kiểm soát nguồn tài nguyên cũng như có đủ sức mạnh để định hình thị trường hàng hóa thế giới.
Siêu chu kỳ là gì?
Siêu chu kỳ là trong một thời gian dài, thị trường chứng kiến tăng trưởng nhu cầu mạnh tới nỗi các nhà cung cấp phải vật lộn để đáp ứng đủ, từ đó dẫn tới tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng trong nhiều năm, đôi khi là kéo dài hơn một thập kỷ. Điều này trái ngược với một chu kỳ tăng giá ngắn ngủi được tạo ra bởi cú sốc nguồn cung như mất mùa hay đóng cửa các mỏ quặng.
Siêu chu kỳ có xu hướng xảy ra trùng với thời kỳ công nghiệp quá và đô thị hóa nhanh. Siêu chu kỳ gần nhất được “châm ngòi” bởi sự phát triển chóng mặt của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, động thái giúp loại bỏ các rào cản đối với thương mại.
Các chuyên gia kinh tế xác định có 3 siêu chu kỳ khác từng xảy ra kể từ đầu thế kỷ 20, mỗi siêu chu kỳ lại bị chi phối bởi một sự kiện chuyển đổi. Quá trình công nghiệp hóa tại Mỹ tạo ra siêu chu kỳ đầu tiên vào đầu những năm 1900. Siêu chu kỳ thứ 2 đến từ làn sóng tân trang vũ trang và sự trỗi dậy của Đức Quốc Xã trong những năm 1930. Cuối cùng, quá trình tái thiết ở châu Âu và Nhật Bản sau Thế Chiến II thúc đẩy siêu chu kỳ thứ 3.

Đầu năm 2021, giá nhiều hàng hóa bùng nổ và có một số dự báo cho rằng chúng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Reuters.

Điều gì có thể kích hoạt siêu chu kỳ tiếp theo?
Mỹ đã bơm hàng nghìn tỷ USD để ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ trong cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch Covid-19. Quốc gia này cũng lên kế hoạch tăng chi tiêu vào hạ tầng để xây dựng lại hệ thống cầu đường và lưới điện, những dự án cần một khối lượng vật liệu, như thép và xi măng, khổng lồ.
Hậu đại dịch, các quốc gia lớn khác tại châu Âu và khu vực khác có thể cũng đổ tiền vào cuộc chuyển đổi năng lượng, từ chuyển sang dùng điện tái tạo, xe điện tới mọi thứ cần thiết để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Điều này có nghĩa là họ sẽ cần nhiều đồng hơn để sản xuất xe điện và trạm sạc điện, cùng với các vật liệu khác để làm cuộc cách mạng điện như lithium, cobalt, nickel, than chì và đặc biệt là đất hiếm, thứ cần cho các sản phẩm công nghệ cao và pin.
Dấu hiệu là gì?
Đầu năm 2021, giá nhiều hàng hóa bùng nổ và có một số dự báo cho rằng chúng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Giá đồng vượt 10.000 USD/tấn trong tháng 4 và Trafigura Group, nhà kinh doanh đồng hàng đầu thế giới, dự đoán giá có thể chạm 15.000 USD/tấn trong thập kỷ tới.
Giá đậu tương và ngô cũng lên cao nhất trong nhiều năm qua do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc khi quốc gia này tái đàn lợn. Làn sóng xây dựng mạnh mẽ gây bất ngờ cho các nhà máy cưa ở Bắc Mỹ khi đẩy giá gỗ xẻ lên kỷ lục.
Giá vận chuyển cũng tăng mạnh với Chỉ số Drewry World Container ngày 27/5 cho thấy cước phí vận chuyển một container 40 ft từ Thượng Hải, Trung Quốc, đến Rotterdam, Hà Lan, tăng lên 10.174 USD, tăng 3,1% so với một tuần trước đó và 485% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận năm 2011. Giá dầu cũng phục hồi trước dấu hiệu cho thấy mọi người bắt đầu lái xe nhiều hơn.
Sẽ kéo dài bao lâu?
Giá kim loại cao là quyết định của các công ty khai khoáng lớn trên thế giới cách đây nửa thập kỷ nhằm ngừng bơm nguồn cung khổng lồ vào thị trường thế giới và tập trung cải thiện khả năng sinh lời. Giờ đây, việc mở rộng các mỏ mới sẽ mất nhiều thời gian ngay cả khi Trafigura ước tính thế giới cần thêm 10 triệu tấn đồng mỗi năm tới năm 2030.
Việc Trung Quốc kiểm soát khí thải cũng có thể tác động đến giá, với các nhà sản xuất thép đang chịu áp lực lớn trong việc hạn chế sản lượng. Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ một nửa sản lượng kim loại toàn cầu, đang tích trữ nguyên liệu thô.
Trong số những chuyên gia lạc quan, nhóm phân tích tại JPMorgan Chase & Co dự đoán đà tăng giá của thị trường hàng hóa sẽ làm nên thời kỳ phục hồi kinh tế bùng nổ hậu đại dịch. Một số người khác lại cho rằng đợt tăng giá đột biến này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào dịch vụ, giảm bớt nhu cầu vào những mặt hàng thâm dụng như điện tử và thiết bị gia dụng.
Tại sao siêu chu kỳ lại quan trọng?
Một mặt, siêu chu kỳ có thể thúc đẩy lạm phát. Tức là giá hàng hóa tăng có nguy cơ đẩy giá thực phẩm, từ lát sandwich tới tòa nhà chọc trời, lên cao. Thật vậy, năm 2021 đã gây ra một cuộc tranh luận về khả năng các ngân hàng trung ương có thể phải giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế, một ý tưởng đã làm chao đảo thị trường tài chính.
Tuy nhiên, giá hàng hóa bùng nổ có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với sự tác động qua lại lẫn nhau giữa tiền và quyền lực. Cuốn sách “The World for Sale” từng nhận định cần phải hiểu cách dầu mỏ và kim loại làm giàu cho những quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú như Australia, Brazil, Chile, Arab Saudi và Nigeria, cũng như việc dòng tiền chảy từ thị trường vào túi của các ông trùm và quan chức tham nhũng ra sao.
Những siêu chu kỳ như vậy có thể tác động đến chiến tranh, tranh chấp biến giới và thay đổi tiến trình lịch sử.

Nguồn:Thanh Long / Người đồng hành (Theo Bloomberg)

Link gốc