Kể từ cuối tuần trước, Nga đã tấn công các cơ sở xuất khẩu lương thực của Ukraine trong nhiều ngày liên tiếp đồng thời bắt giữ các tàu ở Biển Đen. Những động thái này cho thấy căng thảng chính trị tại khu vực đang leo thang, điều mà theo các nhà lãnh đạo phương Tây là nỗ lực tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Nga bằng cách đe dọa một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Phía Nga cho biết, họ sẽ bắn tên lửa vào “các mục tiêu nổi” và coi tất cả các tàu hướng tới vùng biển Ukraine đều có khả năng mang theo vũ khí. Phản ứng lại với động thái trên của Nga, Ukraine cũng có chính sách quân sự tương tự đối với các con tàu hướng đến Nga.
Sau các động thái mới nhất của Nga và Ukraine, số lượng tàu lấy hàng từ khu vực Biển Đen trong tuần trước đã giảm 35% và không có gì quá ngạc nhiên khi con số này tiếp tục giảm trong tuần tới. Cùng với đó, việc Nga tấn công các cơ sở thực phẩm của Ukraine cũng góp phần làm gia tăng lo ngại về kịch bản nguồn cung càng trở nên thắt chặt.
Tuy nhiên, có một số yếu tố sẽ khiến tác động của lo ngại trên bị hạn chế. Thứ nhất, hiện tại mùa vụ ngô mới của Nga và Ukraine đều đang trong giai đoạn phát triển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là hoạt động xuất khẩu không phải là trong giai đoạn cao điểm. Thứ hai, nguồn cung ngô từ Nam Mỹ đang rất sẵn có khi Argentina và Brazil đều vừa mới kết thúc hoặc đang trong giai đoạn thu hoạch vụ ngô chính. Áp lực cạnh tranh từ khu vực này sẽ tiếp tục tạo sức ép và hạn chế đà tăng của giá ngô trong trung hạn.
Giá Arabica có thể suy yếu khi xuất khẩu được đẩy mạnh tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch 17/07-23/07, giá cả hai mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc. Trong đó, giá Robusta tăng hơn 2% do dữ liệu xuất khẩu ảm đạm tại Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến hết ngày 15/07 đang thấp hơn gần 4% so với cùng kỳ năm trước, thông tin từ Tổng cục Hải quan. Giá Arabica ghi nhận mức giảm nhẹ hơn và diễn biến trong tuần khá biến động. Triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong niên vụ 2023/24 và tiến độ thu hoạch nhanh chóng tại Brazil đã hạn chế đà tăng trong tuần.
Hoạt động xuất khẩu cà phê bắt đầu được đẩy mạnh tại Brazil kể từ giữa tháng 7/2023. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 1,79 triệu bao cà phê loại 60kg, nhiều hơn 0,23 triệu bao so với mức 1,56 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước.
Xuất khẩu cà phê được đẩy mạnh với cả 2 dòng cà phê chính khi tiến độ thu hoạch cà phê nói chung đã đạt 66% sản lượng dự kiến, cao hơn 9% so với mức 57% trong cùng thời điểm năm 2022. Riêng với Arabica, Brazil cũng thu hoạch được hơn một nửa lượng cà phê dự kiến và cao hơn 1% so với thời điểm năm ngoái.
Trong thời gian tới, khi tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ điều kiện thời tiết khô ráo tại vùng sản xuất chính. Do đó, hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil nói chung và xuất khẩu Arabica nói riêng cũng có thể được đẩy mạnh, từ đó bù đắp những thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường trước đó.
Hoạt động xuất khẩu gia tăng tại Brazil cũng là tín hiệu tốt đối với dữ liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE. Brazil hiện cũng là 1 trong những nước cung ứng cà phê lớn nhất cho ICE. Đây cũng có thể là tín hiệu cho thấy tồn kho ICE có thể đảo chiều tăng trong thời gian tới, giảm bớt lo ngại về vấn đề nguồn cung trên thị trường.
Giá đồng có thể giằng co do thiếu vắng thông tin cơ bản
Trong phiên sáng đầu tuần, sức ép bán gia tăng trên thị trường đồng do đồng USD mạnh lên khiến chi phí mua hàng vật chất trở nên đắt đỏ hơn. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 đã củng cố cho sức mạnh của đồng USD. Hơn nữa, sự suy yếu của đồng Yên và đồng Bảng Anh đã góp phần thúc đẩy cho đà tăng của chỉ số Dollar Index.
Dự báo giá đồng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trước khi cuộc họp lãi suất của Fed diễn ra vào ngày 26/7 và cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 7.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy gần như 100% số nhà đầu tư đều cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 26/7. Đồng thời, phần lớn nhà đầu tư đang kỳ vọng đây sẽ là lần cuối cùng Fed tăng lãi suất trong năm nay và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm sau.
Điều này khiến cho động lực tăng của đồng USD không còn nhiều. Thực tế, Bloomberg cho biết các quỹ đầu tư đã tăng vị thế bán ròng đồng USD thêm 18% lên 568.721 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 18/7, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 6 làm tăng kỳ vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Do đó, nếu các quan chức Fed cho thấy tín hiệu Fed sẽ ngừng tăng lãi suất sau tháng 7, đồng USD suy yếu có thể hỗ trợ cho lực mua đồng trong thời gian tới.
Trái lại, nếu quan chức ủng hộ Fed tiếp tục tăng lãi suất, thị trường đồng có thể phải chịu sức ép kép bởi môi trường lãi suất cao đè nặng lên nền kinh tế, khiến cho nhu cầu đồng giảm sút, trong khi đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên và làm giảm lực mua đồng.
Trong một diễn biến khác, tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất, dự kiến sẽ diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào cuối tháng này. Giới đầu tư đều đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là trong cuộc họp này, do đây là cuộc họp có vai trò quan trọng giúp định hướng chính sách của Trung Quốc trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Nếu những kỳ vọng này được xác nhận, giá đồng có thể phục hồi trong thời gian tới. Trái lại, nếu Trung Quốc vẫn còn thận trọng trong việc tung ra các chính sách kích thích kinh tế, giá đồng có thể tiếp tục phải chịu sức ép.
Giá dầu WTI có thể có nhịp điều chỉnh trước khi tiếp tục đà tăng
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với lực bán kỹ thuật ở vùng kháng cự 77 – 77,2 USD, và cũng thể hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước hàng loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này, bao gồm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy gần như 100% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này, đưa lãi suất quỹ liên bang lên ngưỡng 5,25 – 5,5%. Dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, trong khi thị trường lao động duy trì sự tích cực đang thúc đẩy niềm tin về một cuộc “hạ cánh mềm” của Mỹ.
Rõ ràng tâm lý đã được cải thiện nhiều hơn so với giai đoạn trước, mặc dù viễn cảnh “hạ cánh mềm” không đồng nghĩa với việc “tăng trưởng tốt”, và rủi ro về độ trễ vẫn có thể xảy ra, nhưng ít nhất cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đang thực hiện khá tốt các thay đổi và kiểm soát vĩ mô.
Dữ liệu tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cũng sẽ tác động khá mạnh tới giá dầu trong tuần này. Mỹ vốn là đối tác thương mại lớn nhất cửa Trung Quốc, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% so với quý I, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm.
Tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng của Trung Quốc, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng hạn chế, nên nhiều khả năng tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cũng không quá khả quan. Giá dầu có thể gặp áp lực ngắn hạn sau dữ liệu này.
Mặc dù vậy, bức tranh tổng thể quý III, thị trường dầu vẫn thiên về thiếu cung khi hàng loạt các nước sản xuất hàng đầu cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc tương đối ổn định, lượng nhập khẩu và hoạt động lọc dầu duy trì ở mức cao, và nếu có thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế, giá dầu sẽ còn động lực tăng.
Các biến số vĩ mô trong tuần này có thể làm gia tăng hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư, nhưng với rủi ro thâm hụt cán cân cung cầu, giá dầu nhiều khả năng sẽ không giảm sâu.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)