Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) sẽ phát hành báo cáo Dầu khí hàng tuần vào 21:30 tối nay với số liệu sản lượng ethanol sẽ cần chú ý. Trong báo cáo trước, con số này đã giảm mạnh xuống dưới mức 1 triệu thùng/ngày và cũng là mức sản lượng hàng tuần thấp thứ 3 trong vòng nửa năm qua. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thu ngô trong ngành công nghiệp ethanol đang có dấu hiệu chững lại. Nếu như số liệu trên vẫn không cải thiện trong báo cáo tối nay thì lực bán khả năng vẫn sẽ chiếm ưu thế. Trong giai đoạn này năm ngoái, khi mùa hè đang đến gần, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định cho phép pha thêm ethanol vào xăng với tỉ lệ 15%, trong khi mức thông thường là 10%. Đây được xem là biện pháp mới nhất được đưa ra để giảm giá bán lẻ xăng dầu tại Mỹ. Tuy nhiên năm nay, thị trường năng lượng đã hạ nhiệt đáng kể so với mức trung bình 2 năm qua nên khả năng nhu cầu tiêu thụ ethanol sẽ thiên về yếu tố “bearish” đối với giá.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn gia tăng, có thể khiến giá Arabica tiếp tục khởi sắc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/05, giá hai mặt hàng cà phê đều có được sự hồi phục nhất định. Arabica tăng nhẹ sau 3 phiên mang sắc đỏ liên tiếp khi thị trường vẫn đứng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vì tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE duy trì đà giảm. Với Robusta, giá vẫn chịu chi phối bởi tình trạng hạn chế bán hàng của nông dân 2 nước xuất khẩu lớn là Việt Nam và Indonesia.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 4 tại Brazil ước tính ở mức 138,018 tấn, giảm so với mức 165,744 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh tình hình tồn kho của nông dân đang ở mức thấp, nên dù có xu hướng đẩy mạnh bán hàng trước khu vụ thu hoạch mới bắt đầu nhưng cũng chưa để cân bằng với số liệu trước đó. Đặc biệt, tồn kho Arabica trên Sở ICE cũng đang trên đà giảm và chưa có tín hiệu bổ sung mới, càng làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó có thể hỗ trợ giá phục hồi.
Ở chiều hướng khác, xuất khẩu tại Honduras vẫn duy trì được sự tăng trưởng với 49% trong tháng 4/2023 so với cùng kỳ năm trước nhờ nguồn cung có sẵn va nhu cầu gia tăng. Đây rất có thể sẽ là thông số phần nào hạn chế tác động “Bullish” đến giá từ số liệu xuất khẩu giảm của Brazil.
Giá đồng có thể phục hồi nếu biên bản họp Fed củng cố kỳ vọng ngừng tăng lãi suất
Giá đồng giảm nhẹ trong phiên sáng 03/05 do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trước khi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào đêm nay. Bên cạnh đó, cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell diễn ra sau đó 30 phút cũng sẽ được thị trường theo chặt chẽ và dự báo sẽ có tác động mạnh tới thị trường.
Hiện các nhà đầu tư trên thị trường gần như đã chắc chắn về việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong phiên họp hôm nay, do đó, các nhà đầu tư đều đang chờ đợi sự rõ ràng về đường lối chính sách của Fed trong tương lai và kỳ vọng đây sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, nhưng một số thành phần chính của nền kinh tế đang hạ nhiệt, bao gồm lạm phát trong chi tiêu của người tiêu dùng và dịch vụ, thị trường lao động cũng đang dần mất đà.
Đồng thời, nền kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với loạt thách thức, bao gồm rủi ro trần nợ và sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ có khả năng vỡ nợ vào đầu tháng 6, nếu Quốc hội không giải quyết các vấn đề liên quan mức trần nợ công trong thời điểm này.
Những điều này làm gia tăng kỳ vọng đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong năm nay, vì nếu Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh tay, điều này có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn.
Hiện có tới gần 90% số nhà đầu tư ủng hộ Fed sẽ giữ nguyên lãi suất sau khi tăng lần cuối trong phiên họp tháng 5, theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch. Do đó, nếu biên bản họp Fed công bố đêm nay cho thấy lập trường ôn hòa hơn từ Fed, giá đồng có thể được hỗ trợ.
Thị trường hướng về tâm điểm họp Fed, giá dầu sẽ ra sao?
Thị trường dầu thô đã trải qua phiên giao dịch với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 4, với dầu WTI đánh mất hơn 5% xuống mức thấp nhất trong 5 tuần. Triển vọng kinh tế vĩ mô đang là yếu tố chính chi phối tới xu hướng giá dầu, khi các lo ngại về nguồn cung tạm thời mờ nhạt dần.
Do đó, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay nhiều khả năng cũng sẽ tác động mạnh tới xu hướng của giá dầu trong các phiên sắp tới.
Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm nay, và nhà đầu tư sẽ không bất ngờ, thị trường dầu cũng sẽ không phản ứng với thông báo này.
Điểm đáng lưu tâm hơn, các nhà giao dịch đang tìm kiếm dấu hiệu khi nào Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Hiện tại, các rủi ro vĩ mô của nền kinh tế Mỹ là tương đối căng thẳng và gây sức ép trực tiếp tới giá dầu. Nếu như Fed có các giọng điệu “ôn hoà”, và “ám chỉ” nhiều hơn tới việc các quyết định tiếp theo sẽ được xem xét tuỳ tình hình điều kiện kinh tế, thì điều đó có thể sẽ là dấu hiệu cho việc Fed sớm tạm dừng đà tăng lãi suất, và giá dầu có thể phục hồi trở lại.
Rủi ro lớn đối với Fed đang là niềm tin về hệ thống ngân hàng, sau sự sụp đổ thứ 3, ngân hàng First Republic Bank đã được JP Morgan mua lại. Ngoài ra, nguy cơ vỡ nợ nếu không có các biện pháp nâng trần nợ hoặc thắt chặt chi tiêu cũng đang là vấn đề đáng quan ngại. Việc tiếp tục nâng lãi suất sẽ làm gia tăng áp lực.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy, sau khi tăng 25 điểm cơ bản đưa lãi suất lên 5 - 5,25% vào hôm nay, có tới 86% ý kiến cho rằng Fed tạm dừng tăng lãi suất, tăng vọt từ mức 67% 1 ngày trước đó.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)