• Bất ổn về thuế quan khiến các nhà giao dịch ngoại hối lo lắng
• USD giảm so yên Nhật khi thị trường phân tích thỏa thuận thương mại mới và chính trị Nhật Bản
• Nhật Bản đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, thuế quan giảm xuống còn 15%
• Đồng USD Úc đạt mức cao nhất trong tám tháng, đồng euro tăng nhẹ
Đồng USD phiên thứ Tư tăng giá so với đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro nhưng lại suy yếu so với đồng yên vào do tâm lý tích cực từ thỏa thuận thương mại mới của Mỹ bị lấn át bởi bất ổn chính trị liên quan đến Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản vào thứ Ba, theo đó giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 15% để đổi lấy gói đầu tư và vay vốn trị giá 550 tỷ USD dành cho Mỹ. Đây là thỏa thuận quan trọng nhất trong số rất nhiều thỏa thuận mà Trump đã đạt được kể từ khi công bố các mức thuế toàn cầu sâu rộng vào tháng Tư.
Đồng USD tăng giá so với đồng franc Thụy Sĩ, kết thúc chuỗi ba phiên giảm giá liên tiếp. Kết thúc phiên, đồng USD tăng 0,24% lên 0,79425.
Các chỉ số chính của Phố Wall đều tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng.
Đồng bạc xanh suy yếu so với đồng yên, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11 tháng 7 ở mức 146,20 yên/USD sau khi có thông tin ông Ishiba dự định từ chức vào tháng tới sau thất bại trong cuộc bầu cử thượng viện.
Tuy nhiên, sau đó ông Ishiba phủ nhận các thông tin cho rằng ông đã quyết định từ chức, gọi những thông đin đó là "hoàn toàn vô căn cứ". Đồng yên Kết thúc phiên đã giảm 0,06% xuống còn 146,565 yên/USD.
"Yếu tố chính thúc đẩy tỷ giá USD/JPY liên quan đến lo ngại về chính trị", Juan Perez, giám đốc giao dịch cấp cao tại Monex USA ở Washington, cho biết.
"Thỏa thuận này hiện đang hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô, nhưng cũng khiến thị trường băn khoăn liệu có thể tăng thuế quan vào thời điểm nào đó hay không, bởi vì thuế quan sẽ không biến mất khỏi vai trò là công cụ đàm phán cho mọi vấn đề. Nhật Bản là một nền kinh tế tiên tiến, việc đồng ý với các điều khoản thương mại mới khiến thị trường lo ngại rằng việc áp dụng thuế quan thành công sẽ tạo động lực cho việc tiếp tục chịu sức ép."
Liên minh Châu Âu và Mỹ đang hướng tới một thỏa thuận thương mại, theo đó sẽ áp dụng mức thuế quan rộng 15% đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Mỹ, hai nhà ngoại giao nói với phóng viên Reuters. Thỏa thuận này sẽ tương tự như một thỏa thuận tương tự mà Mỹ đã đạt được với Nhật Bản.
Đồng euro giảm vào đầu phiên nhưng hồi phục về cuối phiên, kết thúc ở mức tăng 0,08% so với đồng USD lên 1,176250 USD.
Đồng USD là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt kể từ khi ông Donald Trump công bố mức thuế quan toàn diện đối với các đối tác thương mại vào ngày 2 tháng 4. Xu hướng giảm tiếp tục diễn ra khi các mức thuế quan đó được tạm dừng để cho phép các cuộc đàm phán tiếp theo, nhưng đã ổn định trong tháng này.
Sắp đến hạn chót ngày 1 tháng 8 cho các thỏa thuận thuế quan đối với nhiều quốc gia và các nhà đầu tư vẫn thận trọng về diễn biến thuế.
Chỉ số USD, thước đo tỷ giá đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ bao gồm đồng yên và đồng euro, đã giảm 0,14% xuống 97,33, hướng tới bốn phiên giảm liên tiếp.
"Tôi nghĩ điều thị trường đang dự đoán là sẽ có một mức thuế quan chung ở một mức nhất định: cứ cho là khoảng 10%", Jeff Young, giám đốc chiến lược đầu tư tại PGIM Quantitative Solutions ở New Jersey, cho biết. "Tác động lên đồng USD sẽ được... lồng ghép vào bức tranh vĩ mô tổng thể. Và tôi nghĩ sẽ rất khó để phân biệt chính xác tác động của thuế quan so với tất cả những yếu tố khác đang ảnh hưởng đến đồng tiền này, bởi vì tôi nghĩ rằng phần lớn những yếu tố đó đã được tính tới."
• Giá vàng tiếp tục giảm thêm hơn 1% khi Mỹ và EU tiến gần đến thỏa thuận thuế quan
• Bạc đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 vào đầu phiên giao dịch
• Bạch kim giảm hơn 1%
Giá vàng tiếp tục giảm vào thứ Tư sau các báo cáo cho biết Mỹ và Liên minh Châu Âu đang tiến gần đến thỏa thuận thuế quan 15%, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi bạc trước đó đã tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2011.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 1,1% xuống còn 3.394,64 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 16 tháng 6 vào đầu phiên. Giá vàng giao sau giảm 1,3% xuống còn 3.397,60 USD.
"Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và đang xem xét một thỏa thuận với EU, có nghĩa là không có mức thuế trả đũa lớn nào từ EU, điều này đã hỗ trợ tâm lý ưa thích các tài sản rủi ro... thị trường chứng khoán đang hoạt động khá tốt", Bart Melek, giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết.
Liên minh châu Âu và Mỹ đang hướng tới một thỏa thuận thương mại, theo đó sẽ áp đặt mức thuế quan chung 15% đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đạt được một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản để giảm thuế nhập khẩu ô tô, mang lại một dấu hiệu đáng mừng về tiến triển trong các cuộc đàm phán thuế quan của ông với nhiều đối tác hơn trên nhiều mặt trận.
Thị trường vàng thỏi có xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời kỳ bất ổn và cả trong môi trường lãi suất thấp.
Thị trường không dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7, nhưng tính độc lập của Fed dường như đang bị lung lay, theo phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Trong số các kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 39,24 USD/ounce, sau khi đạt đỉnh gần 14 năm vào đầu phiên.
"Đợt tăng giá gần đây của bạc được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, thâm hụt nguồn cung dai dẳng và sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư", Alexander Zumpfe, một nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus Metals Germany, cho biết.
"Một cú bứt phá mạnh mẽ vượt qua mốc 40 USD có thể đến song song với sự bứt phá tiếp theo của giá vàng, đồng USD suy yếu trở lại, hoặc các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung sâu hơn - đặc biệt nếu mức chênh lệch giá vàng vật chất bắt đầu tăng trở lại tại các thị trường châu Á."
Giá bạch kim giảm 2,1% xuống 1.411,63 USD và giá palladium XPD= giảm 0,2% xuống 1.271,98 USD.
• Giá dầu ổn định sau 3 phiên giảm trước đó, nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật Bản
• Thị trường thận trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc
• Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước
Giá dầu hầu như không thay đổi vào thứ Tư khi các nhà đầu tư đánh giá diễn biến thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận thuế quan với Nhật Bản.
Giá dầu thô Brent giảm 8 cent, tương đương 0,12%, xuống còn 68,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ giảm 6 cent, tương đương 0,09%, xuống còn 65,25 USD/thùng.
"Thỏa thuận thương mại với Nhật Bản có thể là hình mẫu cho các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác", Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, nhận định. "Mặt khác, thị trường vẫn mong chờ Mỹ đạt được thỏa thuận với Liên minh Châu Âu và Trung Quốc."
Trong phiên thứ Ba, cả hai loại dầu đều giảm khoảng 1% sau khi EU cho biết họ đang xem xét các biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ. Theo đó, Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ đệ trình các mức thuế trả đũa đối với 93 tỷ euro (109 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ để các thành viên EU phê duyệt. Một cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Năm, mặc dù sẽ không có biện pháp nào được áp dụng cho đến ngày 7 tháng 8.
Về phía cung, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 419 triệu thùng, so với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm 1,6 triệu thùng.
"Thị trường biến động theo xu hướng giá tăng", Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, cho biết. "Phần lớn là do động lực xuất nhập khẩu."
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng 337.000 thùng/ngày (bpd) lên 3,86 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu dầu thô ròng của Mỹ đã giảm 740.000 thùng/ngày trong tuần trước.
• Giá than cốc cao nhất năm tháng
Giá than cốc kỳ hạn tại Trung Quốc tăng mạnh vào thứ Tư do cuộc thanh tra của chính phủ về sản xuất than tại các mỏ đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.
Hợp đồng than cốc hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 11%, đạt mức trần trong phiên thứ ba liên tiếp và cũng chạm mức cao nhất kể từ ngày 21 tháng 2.
Reuters đưa tin hôm thứ Ba rằng giá đã tăng mạnh do những đồn đoán về các cuộc thanh tra kèm theo một tài liệu được cho là của Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) sẽ thanh tra các mỏ than ở Sơn Tây, Nội Mông, An Huy, Hà Nam, Quý Châu, Thiểm Tây, Ninh Hạ và Tân Cương về việc liệu sản lượng năm 2024 của họ có vượt quá công suất được cấp phép hay không.
• Giá đồng tại LME cao nhất trong hai tuần, tại COMEX đạt kỷ lục
• Giá quặng sắt giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng.
Giá đồng tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục vào thứ Tư khi ngày áp thuế dự kiến của Mỹ đến gần, trong khi giá đồng tại London tăng nhẹ lên mức cao nhất trong hơn hai tuần nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật.
Giá đồng tương lai trên sàn COMEX của Mỹ tăng 1,8% lên 5,82 USD/lb vào cuối phiên, sau khi đạt đỉnh 5,93 USD trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 50% đối với kim loại nhập khẩu này vào ngày 1 tháng 8. Giá đồng trên sàn COMEX đã tăng 32% kể từ tháng 2, khi ông Donald Trump ra lệnh điều tra thuế quan đối với đồng.
Giá đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London tăng 0,1% lên 9.925 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 4 tháng 7 là 9.947 USD.
Chênh lệch giá đồng COMEX so với đồng LME đã tăng mạnh lên hơn 3.100 USD/tấn, là mức kỷ lục cao.
Tâm lý thị trường được cải thiện sau khi Trump đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán toàn cầu.
Các nhà đầu tư kim loại đang tập trung vào một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Stockholm.
Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng dư cung đã đè nặng lên thị trường, nổi bật là dữ liệu cho thấy thị trường đồng đang dư thừa 272.000 tấn trong năm tháng đầu năm.
Một yếu tố khác làm suy yếu sự hỗ trợ là lượng hàng tồn kho dư thừa tại Mỹ sau khi các nhà giao dịch tận dụng giá tăng ở COMEX.
"Chúng ta có thể thấy... giao dịch đồng dao động trong biên độ hẹp khi thuế quan có hiệu lực hoặc thậm chí có thể giảm bớt", Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree, cho biết.
"Mỹ sẽ sử dụng hết lượng đồng dự trữ trước khi nhập khẩu các đơn vị mới từ nước ngoài, do đó nhu cầu có thể sẽ yếu đi đôi chút trong giai đoạn giảm tồn kho đó."
Nhôm là kim loại LME có diễn biến kém nhất và là kim loại cơ bản duy nhất giảm trong phiên thứ Tư, giảm 0,5% xuống còn 2.645,50 USD/tấn.
"Tôi nghĩ các nhà sản xuất khá vui mừng khi tiếp tục và thực hiện nhiều giao dịch bán kỳ hạn quanh mức giá này", Robert Montefusco, một nhà môi giới tại Sucden Financial, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến.
Trong số các kim loại khác, kẽm gần như không thay đổi ở mức 2.859 USD/tấn, chì CMPB3 tăng 0,8% lên 2.027,50 USD, niken tăng 0,3% lên 15.570 USD và thiếc tăng 2,3% lên 34.700 USD.
Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 0,61% xuống 812 nhân dân tệ (113,36 USD)/tấn. Giá quặng sắt chuẩn giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,89% xuống 104,4 USD/tấn.
Các nhà phân tích từ ANZ cho biết, việc Trung Quốc công bố dự án thủy điện trị giá 170 tỷ USD ở Tây Tạng có thể mang lại cú hích lớn cho ngành bê tông và thép đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang tháo gỡ các vị thế mua quặng sắt tương lai sau đợt tăng giá ban đầu, sau tin tức về đập Yarlung Tsangpo, theo Atilla Widnell, giám đốc điều hành tại Navigate Commodities tại Singapore.
• Giá cà phê tăng
• Giá lúa mì và đậu tương giảm; ngô giảm phiên thứ ba liên tiếp
• Giá cao su giảm sau 4 phiên tăng
Giá lúa mì Mỹ giảm do các dấu hiệu chốt lời và báo cáo về nguồn cung toàn cầu dồi dào, lấn át những lo ngại về ước tính sản lượng giảm ở Nga.
Giá ngô cũng giảm do dự báo có mưa thuận lợi cho cây trồng tại các vành đai ngũ cốc của Mỹ và nguồn cung dồi dào. Giá đậu tương giảm do thông tin Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng lợn và tìm kiếm nguồn thay thế bột đậu tương trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi. Vào đầu phiên, giá đậu tương kỳ hạn đã tăng nhờ hy vọng các thỏa thuận thương mại có thể thúc đẩy nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Thông tin về thỏa thuận thương mại Mỹ-Philippines, các cuộc đàm phán về thỏa thuận Mỹ-Liên minh Châu Âu và các cuộc đàm phán Mỹ-Trung Quốc đang củng cố hy vọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy người mua ở nước ngoài tăng cường mua hàng nông sản của Mỹ.
Kết thúc phiên, giá lúa mì giảm 9 US cent xuống 5,40-1/2 US/bushel; đậu tương giảm 2-3/4 US cent xuống còn 10,22-3/4 USD/bushel và ngô giảm 1/2 US cent xuống 4,17-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô chốt phiên giảm 0,04 cent, tương đương 0,2%, xuống còn 16,24 cent/lb; đường trắng giảm 0,2% xuống còn 471,40 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn đang trong trạng thái phòng thủ, một phần do triển vọng sản lượng được cải thiện ở Ấn Độ, nơi mưa đã thúc đẩy việc trồng trọt, và dự kiến một vụ mùa bội thu trong mùa tới có thể dẫn đến xuất khẩu tăng từ quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới.
Thời tiết cũng khô ráo ở Brazil, điều này sẽ thúc đẩy sản lượng trong tháng 7.
Giá cà phê robusta dao động nhẹ trên mức thấp nhất trong 16 tháng của phiên trước đó do nguồn cung dồi dào.
Giá cà phê robusta đóng cửa tăng 11 USD, tương đương 0,3%, lên 3.300 USD/tấn. Giá đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng là 3.166 USD vào thứ Ba. Cà phê Arabica tăng 1,7% lên 3,0135 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn được cung cấp đầy đủ, được hỗ trợ bởi các vụ thu hoạch mới từ Brazil và Indonesia, trong khi tiềm năng về một vụ mùa lớn hơn tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, cũng tác động đến tâm lý thị trường.
Chuyến tham quan mùa vụ cà phê tại Việt Nam của chuyên gia quốc tế dự đoán sản lượng cà phê sẽ tăng 7% trong vụ tới, phù hợp với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Thị trường cũng tập trung vào việc liệu Mỹ có tiếp tục áp thuế 50% theo kế hoạch đối với cà phê nhập khẩu từ Brazil từ ngày 1 tháng 8 hay không. Họ lưu ý rằng dòng cà phê Robusta (conilon) của Brazil sang châu Âu hiện vẫn còn hạn chế nhưng có thể tăng lên nếu Mỹ áp thuế.
Giá cao su kết thúc 4 phiên tăng trong bối cảnh nguồn cung ổn định và mức tồn kho cao đã lấn át sự lạc quan trong lĩnh vực ô tô.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 2,4 yên, tương đương 0,72%, xuống còn 329,5 yên (2,24 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 25 nhân dân tệ, tương đương 0,17%, xuống còn 15.005 nhân dân tệ (2.094,27 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su tháng 8 trên sàn SICOM của Sở Giao dịch Singapore giảm 1,1% xuống 169,5 cent Mỹ/kg.
Hợp đồng cao su butadien kỳ hạn tháng 8 trên sàn SHFE giảm 150 nhân dân tệ, tương đương 1,25%, xuống còn 11.875 nhân dân tệ (1.657,41 USD)/tấn.
Cổng thông tin bán hàng cao su Trung Quốc Natural Rubber Network cho biết, mặc dù nhu cầu lốp xe cao su trong nước đã được cải thiện, nhưng các công ty sản xuất lốp xe đang phải gánh chịu lượng hàng tồn kho lớn, làm giảm nhu cầu bổ sung hàng tồn kho.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, theo đó sẽ giảm thuế xuất khẩu ô tô của Nhật Bản từ mức đề xuất 25% xuống còn 15%. Doanh số bán ô tô có thể ảnh hưởng đến cường độ sản xuất ô tô, vốn liên quan đến việc sử dụng lốp xe làm từ cao su.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô cao cả trong nước và quốc tế, cùng với sự gia tăng sản lượng lốp xe ở hạ nguồn, đang hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường cao su thiên nhiên, Tonghuashun cho biết trong một lưu ý riêng.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters