menu search
Đóng menu
Đóng

Thịt, sữa ngoại giá rẻ tràn ngập, nông dân hết đường sống?

15:45 13/09/2015

Khi TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam. Chăn nuôi nhỏ lẻ rất dễ bị các doanh nghiệp sản xuất bỏ rơi để quay sang nhập nguồn ngoại giá rẻ.
Sữa, thịt bò, thịt lợn bị tác động mạnh

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động đáng kể tới ngành chăn nuôi Việt Nam, theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế Quốc Dân công bố.

Theo đó, sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt. Người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi phần lớn người sản xuất/xuất khẩu bị thiệt hại do không cạnh tranh được với mặt hàng “ngoại”.

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Kinh tế trưởng của VEPR, cho biết, nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh ở thịt gia cầm và lợn, sản phẩm sữa. Việt Nam tăng lượng thịt gia cầm và lợn nhập từ Mỹ, giảm thịt bò trâu, đại gia súc nhập từ Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhập khẩu một số thịt gia cầm từ Canada.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng, khi gia nhập TPP, các nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là về chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn khối TPP, trong đó có Việt Nam.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang yếu thế khi gia nhập TPP
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang yếu thế khi gia nhập TPP

 

Cụ thể, các mặt hàng sữa, thịt bò, thịt lợn sẽ bị cạnh tranh nặng nề do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn. Ngành gia cầm cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Theo ông Thành, doanh nghiệp trong những ngành sản xuất này sẽ chịu ảnh hưởng lớn và tương đối đột ngột. Tuy nhiên, các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ mới chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi TPP được ký kết, bởi họ vẫn còn rất mơ hồ và thiếu kiến thức về vấn đề này.

Đơn cử như chuyện doanh nghiệp sữa trong nước vừa sử dụng sữa nguyên liệu nhập ngoại, vừa sử dụng nguồn sữa tươi của nông dân. Gần đây, khi giá sữa tươi thế giới giảm mạnh thì doanh nghiệp sẽ bở rơi nông dân để quay sang nhập khẩu sữa bột với giá thấp hơn nhiều. Sữa vẫn làm ra nhưng giá - hoặc sẽ giảm mạnh, hoặc phải đổ đi vì không ký được hợp đồng với DN nữa, ông Thành nói.

Chính sách đang “nhấn chìm” ngành chăn nuôi

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam yếu kém chính là do cơ chế chính sách. Chỉ khi những vướng mắc, bất cập này được tháo gỡ thì chăn nuôi trong nước mới đủ sức đương đầu trước “sóng lớn”.

TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đưa ra ví dụ, nếu nhập khẩu các bộ phận của con gà về thì chịu thuế 20%, nhưng gà để nguyên con lại là 40%. Các doanh nghiệp giờ đang lách bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh để được hưởng thuế suất 20%.

Bên cạnh đó, mỗi năm lại có thêm nhiều sản phẩm gà nhập lậu chưa kiểm soát hết được. Đó là mối nguy lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần đầu tư gỡ khó trong chính sách mới có thể gúp ngành chăn nuôi vững vàng hội nhập. Trong đó, quan trọng nhất chính là cơ chế tín dụng phải thay đổi, như lãi suất thấp hơn, phù hợp với chu trình và tính thời vụ để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.

Đồng quan điểm, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cũng chất vấn, Thái Lan xuất khẩu được 4 tỷ USD tiền gà công nghiệp, tại sao ta chưa làm được? Lãi suất thương mại không nước nào giống Việt Nam (11%/năm), còn lãi suất ưu đãi 7% thì phải doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được vay. Trong khi đó, ở Trung Quốc lãi suất là 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5%,... Thế nên, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi”, ông Lịch dẫn chứng.

Theo Bảo Hân
Vietnamnet

Nguồn:Vietnamnet