menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 06/9: Giá dầu tăng vọt sau khi nhóm OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng

09:12 06/09/2022

Thị trường hàng hoá ngày 05/09 ghi nhận lực mua tích cực có xu hướng chiếm ưu thế, kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,51% lên mức 2.574 điểm. Mức điểm thấp hơn trung bình mỗi phiên giao dịch thường thấy là do các mặt hàng liên thông quốc tế với Sở Giao dịch Chicago và Sở Giao dịch Liên lục địa nghỉ phiên ngày 05/09 do dịp Lễ Lao động Mỹ.

Đa số các mặt hàng trong nhóm năng lượng và kim loại đã lấy lại được sắc xanh trong ngày giao dịch đầu tuần sau đà lao dốc trước đó. Tâm điểm về cuộc họp của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày hôm qua đã hỗ trợ cho giá của cả hai loại dầu WTI và Brent bật tăng mạnh hơn 2%. Trong khi đó, nhóm kim loại cũng đón nhận lực mua tích cực khi lo ngại của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản bắt đầu giảm bớt trước rủi ro suy thoái.
Kim loại quý phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm
Trên thị trường kim loại quý, bạc và bạch kim tiếp nối đà phục hồi trong phiên cuối tuần trước. Giá bạc tăng 0,86% lên mức 18,03 USD/ounce nhưng vẫn đang neo ở vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Bạch kim dẫn đầu đà phục hồi trong nhóm với mức tăng 1,35% lên 831,2 USD/ounce.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), lo ngại về suy thoái kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ gia tăng từ mức 3,5% trong tháng 7 lên mức 3,7% trong tháng 8, đã làm giảm bớt niềm tin của các nhà đầu tư rằng Fed tích cực đẩy lãi suất tăng mạnh trong giai đoạn tới. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy hiện có khoảng 60% ý kiến cho 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung trong cuộc họp 21-22/09 tới đây. Con số này đã giảm khoảng 15% so với 1 tuần trước đó. Lực mua đối với bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất đã được thúc đẩy do áp lực trong chi phí cơ hội của việc nắm giữ suy yếu.

Trên thị trường kim loại cơ bản, bên cạnh tác động từ yếu tố vĩ mô, giá đồng COMEX tăng 1,33% lên mức 3,45 USD/pound trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thắt chặt. Nhà khai thác đồng lớn nhất trên thế giới, Cochilco thuộc sở hữu của nhà nước Chile cho biết rằng sản lượng đồng của công ty đã giảm 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 128.000 tấn trong tháng Bảy. Trước đó, Codelco cũng đã hạ dự báo sản lượng năm 2022 từ mức 1,64 triệu tấn xuống còn 1,5 triệu tấn trong năm 2022 do tỷ lệ thu hồi của một số mỏ thấp hơn và sự suy giảm trong chất lượng quặng tại các khu khai thác.
Giá quặng sắt cũng đã phục hồi với mức tăng 3,57% lên 97,89 USD/tấn sau 2 phiên giảm trước đó. Việc Trung Quốc thông báo các biện pháp hỗ trợ thị trường sẽ tăng mạnh trong quý III sau bức tranh kinh tế tiêu cực trong quý II đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường sắt thép.
Dầu thô đón nhận lực mua tích cực sau thông tin cắt giảm sản lượng của OPEC+
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 05/09, với dầu WTI tăng 2.57% lên mức 89.1 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 2,38% lên mức 95,23 USD/thùng. Quyết định giảm sản lượng của OPEC+ ngay cả khi thị trường được kỳ vọng sẽ có một sự dư thừa nhỏ trong nửa cuối năm là động lực chính thúc đẩy giá dầu.
Ngày hôm qua đã đánh dấu cột mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong vòng hơn 1 năm nhóm nước OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp chính sách hàng tháng. Mức giảm nhỏ 100.000 thùng/ngày tương đương chỉ khoảng 0,1% lượng tiêu thụ dầu của thế giới, tuy nhiên, điều này mang tính biểu tượng nhiều hơn.

Trong buổi họp, các thành viên cũng trao quyền cho Ả-rập-xê-út được tổ chức cuộc họp bất kỳ trong trường hợp cần thiết nhằm bình ổn thị trường, thay vì lịch họp dự kiến vào ngày 05/10 sắp tới. Điều này ám chỉ Ả-rập-xê-út nói riêng và OPEC+ nói chung có thể hành động nhanh chóng bằng các biện pháp như tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá. Trước đó, nhiều phân tích đã chỉ ra rằng nhóm sẽ khó chấp nhận giá dầu rơi xuống khỏi mức 90 USD/thùng khi các thành viên, đặc biệt các nước Trung Đông, phụ thuộc lớn nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu.
Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ ngày càng trở nên kém lạc quan hơn về triển vọng thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran được khôi phục, bất chấp Tehran liên tục đưa ra các phát biểu mang tính đối ngược cũng đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Giá xăng giảm nhưng giá dầu tăng, áp lực lên người tiêu dùng chưa được tháo gỡ
Tại kỳ điều hành xăng dầu ngày 05/09 của Liên Bộ Công thương – Tài chính, giá xăng nội địa đã được điều chỉnh giảm nhẹ 366 - 439 đồng xuống còn 23.359 - 24.230 đồng/lít, trái ngược với dự đoán tăng của thị trường. Đây là lần điều chỉnh giảm lần thứ 6 kể từ đầu tháng 7 cho đến này. Tuy nhiên, mỗi lít dầu diesel tăng mạnh 1.430 đồng/lít, lên mức 25.180 đồng/lít và chính thức vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam khi trước đây, giá xăng vẫn thường cao hơn so với giá dầu.
Theo MXV, mặc dù giá xăng nội địa tiếp tục giảm, nhưng mức giảm không quá lớn. Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thông vận tải. Người tiêu dùng trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn sẽ phải đối diện với áp lực chi tiêu do giá cả hàng hoá khó có thể hạ nhiệt.
Các xe vận chuyển tải trọng lớn đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Do vậy, giá dầu tăng lên có thể kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hoá. Bên cạnh đó, nhiều máy móc, động cơ trong hoạt động sản xuất cũng sử dụng một lượng dầu lớn. Sau cùng, chi phí vận tải hay sản xuất sẽ được phản ánh vào giá nhiều loại mặt hàng và dịch vụ của người tiêu dùng cuối cùng. Chính vì vậy, vấn đề về việc giá xăng giảm nhưng giá nhiều hàng hoá vẫn không giảm tiếp tục là một bài toán nan giản trong thời gian tới.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc