menu search
Đóng menu
Đóng

Tin MXV sáng 8/11: Giá hàng hoá nguyên liệu diễn biến trái chiều, xu hướng giảm chiếm ưu thế

08:59 08/11/2022

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (07/11), thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều với sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Lực bán có phần chiếm ưu thế đã khiến chỉ số MXV- Index quay đầu giảm nhẹ 0,19% xuống 2.562 điểm.
 

Trong đó, đà giảm phần lớn đến từ mức suy yếu của các mặt hàng nhóm kim loại và nông sản. Ở chiều ngược lại, năng lượng là nhóm duy nhất đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng vọt 8,5% của giá khí tự nhiên trong bối cảnh thời tiết bắt đầu vào đông tại Mỹ và châu Âu. Giá trị giao dịch toàn Sở trải qua ngày sụt giảm mạnh, đạt mức 3.600 tỷ đồng.

Kim loại diễn biến trái chiều, giá đồng quay đầu giảm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 07/11, thị trường kim loại ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều. Đối với nhóm kim loại quý, lực mua tiếp tục được duy trì khiến giá bạc tăng 0,65% lên mức 20,92 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim tăng mạnh 3,01% lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, đóng cửa tại mức giá 989,4 USD/ounce.
Bất chấp lời phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng mức đỉnh lãi suất có thể cao hơn mục tiêu trước đây, song các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm hy vọng về việc Fed sẽ sớm giảm tốc quá trình tăng lãi suất. Dữ liệu lao động tháng 10 được công bố cuối tuần trước cho thấy thị trường việc làm Mỹ đã xuất hiện một số dấu hiệu gặp sức ép trong môi trường lãi suất tăng cao khi tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại, ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Điều này càng củng cố cho niềm tin Fed có thể xem xét nhẹ tay hơn với chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng Dollar Mỹ suy yếu do đó đã hỗ trợ cho bạc và bạch kim bởi áp lực chi phí nắm giữ vật chất giảm bớt.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng mở cửa giảm mạnh khi các quan chức ngành y tế Trung Quốc trong một cuộc họp vào cuối tuần tuyên bố rằng sẽ "không thay đổi" cách tiếp cận đối với chính sách Zero-Covid, gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư hy vọng vào sự mở cửa trở lại của quốc gia này theo các tin đồn lan truyền trước đó. Cả đồng COMEX và đồng LME đều ghi nhận đà giảm hơn 2% trong phiên hôm qua.

Sức ép bán càng gia tăng khi mà dữ liệu thương mại quốc tế tháng 10 của Trung Quốc tiêu cực hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi tăng trưởng giai đoạn tới. Tăng trưởng xuất khẩu, một trong những động lực chính đóng góp lớn vào GDP của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 10, với mức giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái do sức tiêu thụ toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hoá cũng giảm 0,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020, phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn đang ở mức yếu. Điều này đã tạo ra áp lực bán lên thị trường đồng, vốn là đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng các loại của Trung Quốc giảm mạnh hơn 20% từ 509.954 tấn xuống còn 404.414 trong tháng 10, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, phản ánh nhu cầu yếu và góp phần gây sức ép đến giá.
Các mặt hàng nông sản trải qua ngày giao dịch giằng co mạnh
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt sụt giảm. Đậu tương đã giảm sâu ngay từ khi mở cửa sau đó phục hồi trở lại. Dù vậy, lực bán tại vùng kháng cự 1465 cents đã khiến giá một lần nữa suy yếu. Triển vọng nhu cầu tiêu thụ không tích cực từ Trung Quốc là yếu tố đã gây sức ép lên giá.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chi nhánh Bắc Kinh, sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Trung Quốc dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 19 triệu tấn, cao hơn mức 16,4 triệu tấn trong niên vụ trước và mức 18,4 triệu tấn trong báo cáo Cung cầu (WASDE) tháng 10. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân đã đẩy mạnh gieo trồng tại nhiều khu vực trong năm nay. Đối với nhập khẩu, USDA chi nhánh duy trì dự báo ở mức 96,5 triệu tấn, do nhu cầu cao đối với khô đậu tương từ Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 98 triệu tấn trong dự đoán chính thức của USDA. Ngoài ra, khối lượng ép dầu đậu tương trong niên vụ 22/23 của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ đạt 95 triệu tấn, thấp hơn mức 96 triệu tấn trong báo cáo WASDE tháng 10.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 10 chỉ đạt mức 4,14 triệu tấn, thấp hơn 19% so với cùng kì năm ngoái và là mức nhập khẩu hàng tháng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Trong 10 tháng đầu năm, lũy kế nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đã đạt 73,18 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thông tin trên là yếu tố đã góp phần tạo áp lực lên giá.
Dầu đậu tương là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất nhóm nông sản trong ngày hôm qua, khi phải chịu sức ép từ diễn biến dầu thô. Các quan chức y tế Trung Quốc ngày hôm qua cho biết nước này sẽ "không thay đổi" cách tiếp cận đối với chính sách Zero-Covid, dập tắt các tin đồn cho rằng Chính phủ sẽ sớm nới lỏng chính sách và dần mở cửa trở lại. Đây là tin không vui đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô và dầu thực vật. Do đó, lực bán đã được đẩy mạnh đối với dầu đậu trong ngày hôm qua.
Đối với khô đậu tương, sự suy yếu của đậu tương là nguyên nhân chính đã khiến giá mặt hàng này chịu áp lực bán, trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin cơ bản.

Đối với lúa mì, mặc dù mở cửa giá đã lao dốc mạnh nhưng đà giảm đã dần thu hẹp. Đây vẫn là thời điểm nhạy cảm đối với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nên giá sẽ biến động mạnh mẽ theo những thông tin liên quan đến triển vọng xuất khẩu lúa mì ở Biển Đen.

Tại Ukraine, Bộ Nông nghiệp cho biết, nước này đã xuất khẩu gần 14,3 triệu tấn ngũ cốc kể từ đầu niên vụ 22/23 cho tới hiện tại, giảm 30,7% so với mức 20,6 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước. Tính riêng trong 7 ngày đầu tháng 11, Ukraine xuất khẩu 1,07 triệu tấn ngũ cốc, thấp hơn so với mức 1,19 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu như thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen tiếp tục được gia hạn thì nước này có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn nông sản mỗi tháng. Đánh giá này được đưa ra dựa trên khối lượng ngũ cốc nước này đã xuất khẩu trong tháng 09 và tháng 10 – 1 tháng sau khi thỏa thuận đi vào hoạt động ổn định. Điều này đủ để giúp Ukraine đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Giá thức ăn chăn nuôi nội địa vẫn ở mức cao
Trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt so với tuần trước, nhưng vẫn neo ở mức giá cao. Cụ thể, giá ngô giao vào cuối năm nay tại cảng Cái Lân đang được chào bán trong khoảng từ 8.950 đồng/kg, giao vào quý I năm sau ở khoảng 9.150 -9.500 đồng/kg trong khi giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.850 đồng/kg cho kỳ hạn giao đến cuối năm nay.
Với mức giá như hiện tại, các nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ ít mua hàng và hoạt động thương mại có thể sẽ diễn ra ảm đạm trong vài ngày tới. Càng gần tới Tết nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu sẽ càng cao hơn, khi đó nếu giá nhập khẩu vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải mua hàng để đảm bảo ổn định sản xuất trước Tết. 

Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc