Theo đó, áp thuế suất trung bình đối với các Cty xuất khẩu tôm Việt Nam là 0,91%. Đáng chú ý, trong số 3 bị đơn bắt buộc, có Cty Fimex giữ được mức thuế 0%, chứng minh tôm VN không bán phá giá.
PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Lực (ảnh), Tổng Giám đốc Cty SAO TA (Fimex-FMC) quanh sự kiện này.
Thưa ông, ông có thể cho biết nhờ đâu FMC có thuế suất bằng 0% khi tôm bán vào thị trường Mỹ?
Tôi cho đó là nhờ DOC đã ghi nhận đầy đủ và xử lý trung thực các hồ sơ, số liệu thu thập được; nhờ vào sự nỗ lực của FMC trong việc cung cấp hoàn chỉnh, chính xác tất cả các số liệu trong sản xuất, kinh doanh; nhờ vào các hãng luật tư vấn bản lĩnh, kinh nghiệm và nhờ vào sự đoàn kết của cộng đồng DN chế biến tôm quanh Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP).
Ông đánh giá tác động của thuế suất này tới tình hình kinh doanh tới của FMC sẽ ra sao?
Đây là sự thuyết phục không cần lời nói hoa mỹ các khách hàng từ Mỹ tiếp tục tín nhiệm và mua hàng FMC. Thuế suất này chứng tỏ FMC có trách nhiệm với khách hàng của mình, giữ được thuế suất bằng 0% là góp phần để khách hàng không bị thiệt hại và có lợi. Mặt khác thuế suất thấp này cũng góp phần để các DN tôm VN còn lại có thuế suất chung thấp hơn hẳn POR8 (giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011), góp phần tăng sức thu hút tôm VN đối với khách hàng.
Quá trình chứng minh tôm VN không bán phá giá gian nan như thế nào?
Thực tình mà nói tốn rất nhiều công sức mới chứng minh, thuyết phục được thuế suất 0%, có nghĩa là hoàn toàn không có dấu hiệu bán phá giá. Nhưng kết quả đó chỉ có tác dụng trong 1 năm. Năm sau lại dự vào “đấu trường” này, tốn thêm chi phí (thuê luật sư) như đã vừa kết thúc. Cũng cần nói thêm rằng chúng tôi bán tôm vào Mỹ theo giá tại cảng đến. Thủ tục thông quan bên mua lo, họ nộp thuế. Cho nên thuế thấp họ hưởng (hoặc phải bù thêm). Cho nên thuế 0% chỉ là ưu thế ngắn hạn.
Ông có xem đây là nền tảng vững chắc để thâm nhập thị trường mới?
Mỹ hiện là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, XK tôm sang Mỹ tăng mạnh, nhưng kể từ tháng 9 bắt đầu sụt giảm sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế cao nhất từ trước tới nay 6,37%. Năm 2014, XK tôm sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD. Nói theo nghĩa rộng chỉ là đề ra và theo đuổi tận cùng chiến lược GIỮ UY TÍN THƯƠNG HIỆU.
Uy tín thương hiệu là làm đúng và tốt hơn tất cả những gì hợp đồng đã ký kết. Khi đã ký hợp đồng, giá nguyên liệu tăng cao, bị lỗ, vẫn phải giao hàng. Chất lượng đã ràng buộc ra sao, phải làm đúng. Mẫu mã sản phẩm phải có cải tiến, đẹp hơn. Bao bì phải đủ thông tin và in sắc nét, đẹp hơn. Ngày giao hàng phải đúng theo thỏa thuận...
Nếu luôn làm đúng theo tinh thần này, nhiều lượt đều giao hàng như vậy khách hàng sẽ tín nhiệm. Khi khách hàng an tâm, dù có chèo kéo giá cao hơn một chút, khách hàng cũng vui vẻ đồng ý hoặc lỡ có gì sai, khách hàng khiếu nại, phải lắng nghe và giải quyết ổn thỏa, chứ không đổ lỗi khách quan, né tránh trách nhiệm. T
ôi nghĩ với thái độ giải trình thấu đáo, có trách nhiệm, không chối bỏ của FMC khiến đối tác tích cực tìm hiểu nguyên nhân khách quan hơn mà không áp đặt chúng tôi.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu Qua vụ kiện tôm VN, bài học hội nhập, giữ thế cạnh tranh là gì?
Đó là GIỮ UY TÍN THƯƠNG HIỆU và GIÁ BÁN PHẢI CHĂNG. Muốn có giá phải chăng thì cố gắng cải tiến công nghệ tăng năng suất, cải tiến các mặt trong quy trình sản xuất cho hợp lý hơn; tiết kiệm mọi mặt để giảm chi phí. Thật ra còn nhiều yếu tố khác như “Buôn có bạn, bán có phường”, tăng sức cạnh tranh quốc gia, hiểu biết luật lệ nơi mua hàng, tránh bị kiện tụng...
Cũng nói thêm rằng, mới đây FMC vừa tiếp khách hàng là giám đốc phụ trách chất lượng của một Cty lớn ở Nhật. Vị giám đốc này đưa ra những số liệu về khiếu nại chất lượng trong thực phẩm đang kinh doanh 2 năm qua. Năm nay tỉ lệ này tăng gần gấp đôi năm rồi. Riêng hàng từ FMC chỉ bị khiếu nại mức thấp như năm rồi và không trầm trọng. Ông ta kết luận: Tôi có thể trả lời ông chủ tịch Cty sắp qua thăm FMC rằng FMC hoàn toàn xứng đáng là đối tác tin cậy. CHẤT LƯỢNG chỉ là một phần của UY TÍN THƯƠNG HIỆU nhưng là phần LÕI. Xin cám ơn ông.
Theo Hữu Đức
Báo nông nghiệp
Nguồn:Báo Nông nghiệp