Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay tiếp tục đà giảm nhẹ. Đây là mặt hàng có cấu trúc giảm giá bền vững nhất trong vài tháng qua. Đối với hợp đồng lúa mì kì hạn tháng 3, giá cũng đã nhanh chóng phá vỡ vùng đáy trước đó sau phiên lao dốc hôm qua. Đây là vùng kĩ thuật khá quan trọng nên sau khi bị mất đi, động lực giảm giá càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Xét về mặt kĩ thuật, giá lúa mì trài qua các phiên giảm xen kẽ với nhưng nhịp hồi phục ngắn nên mặc dù xu hướng giảm vẫn duy trì từ tháng 10 năm ngoái đến nay nhưng tín hiệu kĩ thuật vẫn chưa cho thấy tín hiệu quá bán. Sự suy yếu của đồng USD cũng không mang lại nhiều hỗ trợ đáng kể khi nguồn cung ồ ạt từ hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen khiến cho giá lúa mì Mỹ vẫn đắt hơn trên thị trường quốc tế. Thị trường đang kì vọng rằng tồn kho cuối vụ của Mỹ và thế giới ngày càng tăng trong báo cáo Cung cầu sắp tới, đồng thời diện tích gieo trồng của Mỹ cho vụ mùa mới cũng tăng lên. Xuất khẩu kém hơn là yếu tố chính khiến cho nguồn cung của Mỹ sẽ nới lỏng hơn.
Với những kì vọng về các báo cáo sắp tới, các số liệu về nguồn cung đều đang thiên về tác động “bearish”. Không chỉ Mỹ, mùa vụ ở các nước sản xuất lớn khác cũng khá tích cực. Sản lượng lúa mì Ấn Độ năm nay có thể sẽ tăng lên mức 112 triệu tấn do mức giá cao thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích và điều kiện thời tiết tốt đảm bảo năng suất cây trồng. Nếu như sương giá muộn và hạn hán lịch sử đã khiến dự báo sản lượng lúa mì của Argentina bị cắt giảm xuống còn 12.4 triệu tấn, từ mức 20.5 triệu tấn đầu niên vụ thì mùa vụ ở Australia hay Ấn Độ cũng có thể bù đắp được phần thiệt hại này. Không những thế, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, từ đầu niên vụ 22/23 tới hiện tại, nước này đã xuất khẩu 23.6 triệu tấn ngũ cốc, giảm tới 29.6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Lượng hàng bị gián đoạn xuất khẩu từ đầu năm của Ukraine cũng sẽ khiến cho nguồn cung lúa mì trong ngắn hạn gia tăng.
Đà giảm của Arabica khả năng cao sẽ nối tiếp trong phiên hôm nay do triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/01, hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Trong đó, Arabica nối dài chuỗi đà giảm đến phiên thứ 8 liên tiếp và giá chạm mức thấp nhất kể từ 07/2021 do triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil. Với Robusta, số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 cũng như năm 2022 của Việt Nam đã gây sức ép khiến giá Robusta giảm hơn 1% trong phiên hôm qua.
Trong những ngày đầu năm khi thị trường chưa có nhiều thông tin mới, diễn biến mùa vụ tại Brazil vẫn là điểm nhấn đáng quan tâm. Theo đó, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khu vực Đông Nam của Brazil, đặc biệt là Minas Gerais, vùng chiếm 30% sản lượng cà phê của Brazil liên tục đón nhận những cơn mưa với lượng nước lớn. Điều này giúp thúc đẩy sự phát triển của cây cà phê đang trong giai đoạn sinh trưởng và đưa đến triển vọng nguồn cung trong năm 2023 tích cực hơn tại quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới. Nguồn cung nới lỏng đang và sẽ là yếu tố chính gây sức ép khiến giá Arabica nối tiếp đà giảm.
Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tạo mức kỷ lục cao nhất trong 07 tháng trở lại đây và vẫn còn hơn 186,000 bao đang chờ được phân loại tiếp vào các kho dự trữ. Điều này cho thấy tồn kho đạt chuẩn sẽ còn tăng và đạt mức cao mới trong thời gian tới, đồng thời cũng sẽ là một nhân tố gây sức ép lên giá Arabica.
Đồng có khả năng vẫn giữ được đà tăng giá qua ngưỡng 4 USD/pound trong phiên hôm nay
Sau khi ghi nhận 04 phiên tăng liên tiếp, giá đồng tiếp tục mở cửa phiên giao dịch ngày 11/01 với lực mua tích cực. Giá đồng nhiều khả năng vẫn giữ được đà tăng qua ngưỡng 4 USD trong phiên hôm nay.
Bài phát biểu mới đây của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell không tiết lộ thêm manh mối cụ thể nào về tiến trình tăng lãi suất sắp tới. Đồng thời, dữ liệu lạm phát Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai, nhiều khả năng sẽ chậm lại so với tháng trước. Bộ phận giao dịch và tiếp thị của ngân hàng JPMorgan cũng cho biết họ dự kiến số liệu lạm phát của Mỹ được công bố hôm thứ Năm sẽ thấp hơn dự báo. Lạm phát hạ nhiệt sẽ kéo đồng USD suy yếu và hỗ trợ giá đồng tăng trong phiên hôm nay do chi phí mua giảm. Dollar Index hiện vẫn dao động quanh mức 103, ngưỡng thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.
Về phía nguồn cung, tình hình khai thác ở phía Nam của Peru, một trong những nhà khai thác đồng lớn nhất thế giới, đang gặp gián đoạn do tình trạng biểu tình liên quan đến việc lật đổ cựu Tổng thống cánh tả Pedro Castillo. Lo ngại nguồn cung gián đoạn trong ngắn hạn sẽ giúp giá đồng giữ được mức tăng trong phiên hôm nay.
Tuy vậy, dự báo đà tăng của giá đồng hôm nay chỉ ở mức tăng nhẹ, do triển vọng tiêu thụ ở quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu là Trung Quốc vẫn chưa có tiến triển mới. Báo cáo lạm phát của nước này sẽ được công bố vào ngày mai, dự báo sẽ có tác động lớn tới thị trường đồng.
Giá dầu có thể gặp áp lực trong ngày hôm nay trước các tín hiệu cho thấy nhu cầu chậm chạp
Giá dầu mở cửa phiên ngày hôm nay với đà giảm khi thị trường tiếp tục hấp thụ các thông tin từ Báo cáo Triển vọng tiêu thụ ngắn hạn Mỹ (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Bên cạnh đó, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 6/1 theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) bất ngờ tăng vọt ở mức kỷ lục 14.9 triệu thùng, làm dấy lên lo ngại về bài toán nhu cầu kém sắc. Nhiều khả năng triển vọng này sẽ tiếp tục khiến giá dầu gặp áp lực trong phiên hôm nay.
Theo EIA, dự báo sản lượng năm 2023 sẽ ở mức ổn định, trong đó, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước Non-OPEC. Cụ thể, cơ quan này dự báo nguồn cung dầu của Mỹ và các nước Non-OPEC ngoài Nga sẽ bổ sung thêm 2.4 triệu thùng trong 2023 và 1.1 triệu trong 2024, bù đắp cho sự mất mát khoảng 1.5 triệu thùng dầu từ Nga. Về phía nhu cầu, cơ quan này đã điều chỉnh nhu cầu giảm mạnh trong quý IV/2022, thấp hơn 0.6% so với báo cáo tháng trước, đồng thời điều chỉnh giảm tiêu thụ trong cả 4 tháng trong năm 2023. Điều này dẫn đến dự báo thị trường sẽ dư cung, đặc biệt là vào 2 quý cuối năm nay.
Tồn kho nhiên liệu chưng cất tại Mỹ, nước xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm từ dầu thô cũng được dự báo sẽ tăng trong năm 2023 do hoạt động lọc dầu tăng. Giá xăng dầu đều được dự báo giảm so với năm nay.
Yếu tố nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi nhanh chóng hay không sẽ là cứu cánh cho thị trường dầu. Trong khi EIA nhận định sự không chắc chắn về dịch bệnh tại quốc gia này, và cắt giảm tiêu thụ 1.4% trong quý I năm nay so với báo cáo trước. Tuy nhien, sự mở cửa mạnh mẽ và các kích thích kinh tế tích cực từ phía Chính phủ vẫn sẽ có thể hỗ trợ cho thị trường dầu.
Nguồn:Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)