NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch 31/05 – 06/06, thị trường nông sản đều đồng loạt tăng giá. Giá đậu tương tăng 3.48% về mức 1583.75 cents/giạ. Khô hạn ở Midwest và đà tăng của dầu đậu tương là yếu tố đã hỗ trợ cho giá của mặt hàng này trong tuần vừa qua.
Dầu đậu tương biến động rất mạnh trong tuần và đóng cửa tuần nhảy vọt 8.44%, lên mức 71.34 cent/pound do kỳ vọng về nhu cầu sử dụng nguyên liệu sinh học tăng lên. Giá khô đậu tương cũng tăng không đáng kể lên mức 396.2 USD/tấn, cao hơn 0.18% so với phiên trước đó.
Ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 3.96%, lên mức 682.75 cent/giạ. Thời tiết là yếu tố chính lí giải cho mức tăng này của ngô trong tuần vừa qua. Hạn hán chưa từng có trong 91 năm qua ở Brazil khiến cho các hãng phân tích liên tục giảm mức sản lượng dự báo xuống dưới mức 90 triệu tấn. Trong báo cáo Cung-cầu sắp tới, khả năng cao, USDA cũng sẽ phải điều chỉnh lại con số này.
Lúa mì kết tuần cũng tăng 3.65%, lên mức 687.75 cent/giạ. Thời tiết khô hạn ở một số vùng gieo trồng chính ở Mỹ hỗ trợ mạnh cho giá lúa mì bên cạnh đà tăng của ngô.
Trong tuần này, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố báo cáo Cung-cầu thế giới tháng 6 vào 23:00 thứ Năm, 10/06/2021. Trước tình hình khô hạn ở Brazil và tốc độ nhập khẩu ngô được đẩy mạnh của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, có thể sẽ có nhiều thay đổi quan trọng và tác động mạnh đến các mặt hàng ngũ cốc sau báo cáo này.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê trên hai sàn diễn biến trái chiều trong tuần qua. Giá Arabica biến động mạnh trong tuần nhưng đóng cửa với mức giảm nhẹ 0.43% so với tuần trước còn 161.65 cents/pound. Cuộc biểu tình ở Colombia vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá Arabica, tuy nhiên, việc Chính phủ đang có kế hoạch trấn áp bằng vũ trang để nối lại các hoạt động giao thông trong nước cũng gây áp lực rất nhiều lên giá.
Trái lại, đà tăng của giá Cà phê Robusta vẫn được duy trì với mức tăng 1.83% lên 1612 USD/tấn. Vác số liệu tiêu cực về nguồn cung ở hai nước sản xuất lớn là Việt Nam và Indonesia là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng trong tuần qua.
Giá đường được hỗ trợ mạnh nhờ mức tăng của giá dầu thô trong tuần vừa rôi, khiến nguồn cung đường bị ảnh hưởng do nông dân Brazil tích cực sử dụng mía để sản xuất ethanol hơn. Bên cạnh đấy, việc đồng Real tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm cũng góp phần hạn chế lực bán.
KIM LOẠI
Thị trường kim loại quý kết thúc tuần giao dịch vừa qua với mức giảm so với tuần trước đó. Giá Bạc giảm 0.42% về 27.896 USD/ounce, Bạch kim giảm 1.52% về 1164.4 USD/ounce. Diễn biến của các mặt hàng kim loại quý khá tương đồng khi đều đi ngang vào đầu tuần trong thời gian chờ đợi các tin tức, tuy nhiên đà tăng của tuần trước đó bị “thổi bay” bởi một phiên giảm mạnh vào thứ 5 trước áp lực tăng giá từ đồng USD và các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá tăng nhẹ nhưng không đủ để nối lại đà tăng trước đó của Bạc và Bạch kim.
Các mặt hàng kim loại cơ bản diễn biến ngược chiều trong tuần qua. Giá Đồng giảm 3.17% về 4.529 USD/pound khi mối lo ngại về nguồn cung dịu đi nhờ tin tức mỏ đồng Escondida vẫn hoạt động bình thường mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc đình công. Thêm vào đó, nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá của Đồng.
Quặng sắt có lẽ là điểm sáng của cả tuần qua khi giá của kim loại này bật tăng mạnh 11.43% lên 198.92 USD/tấn. Các biện pháp kiểm soát giá cả hàng hoá của Trung Quốc vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt trong bối cảnh nhu cầu về thép vẫn còn rất cao, đồng thời, Chính phủ nước này cũng sẽ cân nhắc nới lỏng các hạn chế với sản xuất thép ở Đường Sơn.
NĂNG LƯỢNG
Tuần vừa rồi, giá dầu thô liên tục phá vỡ các kháng cự và kết thúc tuần tăng mạnh gần 5% - tuần thứ 2 liên tiếp đóng cửa dương nhờ các nhận định tích cực về tăng trưởng nhu cầu năng lượng thế giới.
Việc OPEC+ giữ nguyên mức hạn ngạch dự kiến sau phiên họp hàng tháng 01/06 đã đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 70 USD/thùng. Sau khi giảm không đáng kể vào thứ 5, giá dầu thô đã bật tăng mạnh trở lại sau khi Bảng lương Phi nông nghiệp tháng 5 cho thấy thị trường lao động chưa phục hồi đủ mạnh để FED rút lại các gói hỗ trợ kinh tế, khiến đồng USD suy yếu và làm tăng sức hấp dẫn các sản phẩm định giá bằng dollar. Trong khi đó, nguồn cung nhiều khả năng sẽ được thắt chặt trong thời gian tới khi đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ chậm lại, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ giảm bớt các khoản đầu tư vào các giếng dầu mới để giữ mức lợi nhuận tốt.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)