menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 25/2/2022

09:44 28/02/2022

Các mặt hàng nông sản biến động rất mạnh.
NÔNG SẢN
Nhóm đậu tương đã đóng cửa trái chiều nhau khi dầu đậu là mặt hàng duy nhất vẫn giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, diễn biến chính của nhóm đều suy yếu trong 2 phiên cuối tuần sau khi tăng rất mạnh trong các phiên trước đó.
Đậu tương đã có tuần biến động rất mạnh với biên độ rộng tới 175 cents. Cũng như các mặt hàng khác trong nhóm nông sản, giá đậu tương cũng chạy theo diễn biến của chiến sự giữa Nga – Ukraine. Điều này đã khiến cho giá có thời điểm đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Giá ngô chỉ tăng nhẹ dù được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng tại khu vực biển Đen. Trong 3 phiên đầu tuần, giá đã tăng rất mạnh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép một chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine nhằm loại bỏ những gì mà ông coi là mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, ngô đã giảm mạnh và xóa đi hoàn toàn mức tăng trong 3 phiên trước. Áp lực chốt lời và lực bán kỹ thuật quanh vùng kháng cự tâm lý 700 đã gây sức ép khiến giá suy yếu.
Còn đối với lúa mì, giá đã tăng kịch trần sau khi tổng thống Putin ra lệnh tấn công một số mục tiêu tại Ukraine, nhưng giảm kịch sàn ngay phiên sau đó khi thị trường kỳ vọng vào việc chiến tranh có thể sớm kết thúc. Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, lo ngại về nguồn cung vẫn giúp cho giá lúa mì tăng mạnh hơn 6% trong tuần vừa rồi.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Thị trường cà phê có tuần thứ hai liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Giá Arabica giảm gần 3% về 238.65 cents/pound, giá Robusta lao dốc 3.41% về 2178 USD/tấn. Cả hai mặt hàng cà phê đều chịu sức ép bán mạnh do ảnh hưởng của các yếu tố liên thị trường thay vì các yếu tố cung cầu. Mức tồn kho trên Sở ICE US giảm về dưới 1 triệu bao trong tuần vừa qua, cho thấy áp lực nguồn cung ngắn hạn ngày một gia tăng, nhưng cũng không đủ để hỗ trợ cho giá.
Giá bông giảm tuần thứ ba liên tiếp với mức đóng cửa thấp hơn khoảng 2.1% về 118.63 cents/pound. Nhu cầu tiêu thụ của bông bị ảnh hưởng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và gây áp lực lên xuất khẩu. Báo cáo export sales cho thấy doanh số bán hàng của tuần mới nhất dù tăng nhưng vẫn thấp hơn 7% so với mức 4 tuần gần nhất.
Trong một diễn biến khác, thị trường đường đóng cửa tuần với sự phân hoá giữa hai mặt hàng. Giá đường 11 giảm nhẹ 0.11% về 17.6 cents/pound, trong khi giá đường trắng tăng gần 1.6% lên 492.6 USD/tấn.
KIM LOẠI
Thị trường kim loại kết thúc tuần giao dịch vừa qua với diễn biến phân hoá giữa các mặt hàng. Giá bạc đóng cửa gần như không đổi so với giá tham chiếu của tuần trước đó, vẫn duy trì ở mức 23.99 USD/pound. Trái lại, giá bạch kim giàm 2.5% còn 1050 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều có một tuần giao dịch đáng nhớ khi mà giá biến động mạnh qua hầu hết các phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm 1.1% về 4.47 USD/pound. Biên độ giao dịch của tuần vừa qua gần như không đổi so với tuần trước đó, từ 4.44 - 4.58 USD. Giá đồng đang ở trong giai đoạn khá ảm đạm, và không thể bứt phá, bởi đây không phải một mặt hàng chịu nhiều ảnh hưởng của các xung đột chính trị.
Giá quặng sắt tăng 2.3% lên 136.2 USD/tấn. Mức tăng này khá khiêm tốn với thị trường quặng sắt, và có thể coi như một tuần phục hồi nhẹ, thay vì đà tăng được kéo dài, bởi giá quặng sắt giằng co mạnh và không thể vượt qua mức 140 USD.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 1.53% lên 91.59 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.99% lên 94.12 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu chủ yếu chịu tác động từ các thông tin đến từ tình hình cuộc chiến tại Ukraine. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi 2 khu vực ly khai Luhansk và Donetsk kêu gọi sự giúp đỡ từ Nga, Tổng thống Putin đã phát động cuộc tấn công vào Ukraine và hiện đang tiến quân vào gần thủ đô Kiev. Điều này đã khiến cho giá dầu WTI trong tuần trước vượt mức 100 USD/thùng.
Mở cửa phiên hôm nay, giá gap-up mạnh và tăng gần 5 USD/thùng ngay trong vài phút giao dịch đầu. Các thông tin mới trong 2 ngày cuối tuần đã trở thành chất xúc tác để tạo ra lực mua mạnh. Bên cạnh việc Mỹ và EU loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể khiến Nga đáp trả bằng cách tạm dừng cung cấp khí, ví dụ đường ống Yamal cung cấp khí từ Nga sang châu Âu được cho là đã chảy ngược trở lại. Bên cạnh đó, điều này được cho là sẽ khiến cho chi phí giao dịch của các đối tác nhập khẩu từ Nga trở nên đắt đỏ hơn, gián tiếp làm tăng giá các loại dầu.
Giá khí tự nhiên Henry Hub tăng 2.12% lên 4.47 USD/MMBTu khi các nước gia tăng thu mua khí tự nhiên từ Mỹ đề phòng trường hợp các căng thẳng với Nga leo thang.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc