menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 28/8

09:51 28/08/2015

Vinanet - Xuất khẩu gạo của Myanmar niên vụ 2015 - 2016 dự báo giảm do lũ lụt; Ai Cập dự kiến ban hành lại lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 1/9/2015.

Bảng giá gạo ngày 27/8


Xuất khẩu gạo của Myanmar niên vụ 2015 - 2016 dự báo giảm do lũ lụt

USDA dự báo, xuất khẩu gạo của Myanmar trong niên vụ 2015 - 2016 giảm 250.000 tấn gạo do chính phủ đang tìm cách bổ sung vào kho dự trữ gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong mùa lũ.

Mùa mưa và những đợt lũ lụt gần đây tại các tỉnh phía bắc và tây Myanmar được cho là đã phá hoại khoảng 393,031 hecta ruộng lúa.

Hiệp hội Lúa gạo và chính phủ Myanmar vừa nhất trí ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo đến ngày 15/9 khi số gạo được thu hoạch của vụ tới được bán ra thị trường.

Chính phủ Myanmar dự kiến sẽ trồng lúa trên diện tích khoảng 7 triệu hecta trong niên vụ 2015 - 2016 nhưng tính đến cuối tháng 7, nước này mới chỉ trồng được 5 triệu hecta.

Myanmar cũng vừa phân phát khoảng 3.550 tấn thóc giống cho người dân để hỗ trợ việc tái gieo mạ. Mặc dù rất khó để ngay lập tức đánh giá ảnh hưởng của lũ lụt đến vụ lúa hiện tại, nhưng chính phủ dự báo khoảng 5 - 8% sản lượng gạo sẽ bị mất trắng do lũ lụt.

USDA cho rằng, chính phủ Myanmar có thể sẽ kéo dài thời hạn cấm xuất khẩu gạo, tùy theo tốc độ phục hồi của những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trước đó, Hiệp hội Lúa gạo và chính phủ Myanmar cho biết có thể sẽ phải nhập khẩu gạo nếu cần thiết.

Trong khi đó, giá gạo tại Myanmar đã tăng khoảng 10 - 20% tại các tỉnh bị lũ, như Rakhine, Chin và Pwintbyu Townships và Yangon. Theo FAO, giá gạo Emata bán buôn trung bình tăng 16% lên 390 USD/tấn trong tháng 8/2015 từ mức 350 USD/tấn của tháng 7.

Ai Cập dự kiến ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 1/9/2015

Reuters trích thông báo của Bộ Công thương Ai Cập cho biết, chính phủ nước này dự kiến ban hành lệnh cấp xuất khẩu gạo từ ngày 1/9/2015 để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Sản lượng gạo trắng của Ai Cập trong niên vụ 2015 - 2016 được dự báo chỉ đạt 2,7 triệu tấn nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước hàng năm ước tính lên tới 3,6 triệu tấn.

Chính phủ Ai Cập từng bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo hồi tháng 10/2014. Đổi lại, với mỗi một tấn gạo xuất đi, các doanh nghiệp phải bán 1 tấn gạo trắng hạt trung với giá 255 USD cho Cơ quan cung cấp hàng hóa Ai Cập. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chịu mức thuế xuất khẩu ở 280 USD/tấn gạo.

USDA ước tính, sản lượng gạo trắng của Ai Cập sẽ đạt 4,5 triệu tấn và xuất khẩu 250.000 tấn trong niên vụ 2014 - 2015.

 

Philippines sẽ tăng nhập khẩu gạo trong năm 2015

Thư ký Hiệp hội Lương thực Philippines cho biết, cần phải tăng nhập khẩu gạo trong năm 2015 trước nguy cơ nguồn cung giảm do El Nino hoạt động mạnh hơn.

Mặc dù không đưa ra con số nhập khẩu cụ thể nhưng Hiệp hội Lương thực Philippines cho biết, chính phủ sẽ sớm đưa ra quyết định dựa trên những đánh giá thiệt hại về mùa màng.

Hiện tại, Philippines đã nhập khẩu khoảng 750.000 tấn gạo từ Việt Nam (550.000 tấn) và Thái Lan (200.000 tấn) thông qua các hợp đồng liên chính phủ, nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa.

Ngoài ra, Hiệp hội Lương thực Philippines cho phép các thương nhân nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo quy định của WTO. Hiệp hội cũng được quyền nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo trong trường hợp thời tiết ngày càng diễn biến xấu.

Indonesia tự tin đạt thặng dư sản lượng gạo trong năm 2015

Bloomberg trích lời của Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cho biết, chính phủ tự tin sẽ đạt thặng dư sản lượng gạo trong năm 2015 bất chấp những lo ngại về hiện tượng El Nino và hạn hán kéo dài.

Ngài Bộ trưởng cho biết, mức độ ảnh hưởng của El Nino sẽ ở mức rất nhỏ và El Nino sẽ chỉ ảnh hưởng đến sản lượng gạo của 2 tháng 9 và 10.

Ông cho biết, hạn hán mới chỉ ảnh hưởng đến 25.000 - 30.000 hecta đất trồng và phủ nhận những báo cáo cho rằng, khoảng 14 triệu hecta lúa đã bị phá hoại.

Ông cũng loại bỏ khả năng Indonesia phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Cơ quan thống kê của Indonesia ước tính sản lượng gạo trắng của nước này sẽ đạt 47,6 triệu tấn trong năm 2015. Với con số này, chính phủ Indonesia đang hướng tới việc tự cung tự cấp gạo và ngừng nhập khẩu gạo trong vài năm tới. Từ đầu năm đến nay, Indonesia vẫn chưa phải nhập khẩu gạo. 

Nguyễn Dung

Theo Oryza