menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 11/10: Giá dầu giảm, vàng và cà phê tăng

11:00 12/10/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại nhu cầu chậm lại. Giá quặng sắt và cao su phiên này cũng đi xuống, trong khi một số mặt hàng khác, trong đó có cà phê, tăng lên.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm thêm 2%, sau khi giảm gần 2% trong phiên trước đó, do lo ngại suy thoái và số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng trở lại, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu. Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm do dự kiến tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng sau khi giảm trong 2 tuần trước đó.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng và cho biết lạm phát vẫn là 1 vấn đề tiếp diễn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, dầu thô Brent giảm 1,9 USD tương đương 2% xuống 94,29 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,78 USD tương đương 2% xuống 89,35 USD/thùng.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty môi giới OANDA cho biết: “Ngày càng có nhiều sự bi quan trên thị trường”.
Giá dầu tăng mạnh vào đầu năm nay, đưa dầu Brent lên gần mức cao kỷ lục 147 USD làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung, nhưng giá đã giảm do lo ngại về triển vọng kinh tế.
Lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các nhà chức trách đã tăng cường xét nghiệm virus Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác khi số ca nhiễm gia tăng trở lại.
Giá dầu cũng chịu áp lực do USD mạnh lên, đạt mức cao nhất trong nhiều năm do lo ngại về việc tăng lãi suất và nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng đô la mạnh làm cho dầu đắt hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác và có xu hướng cân nhắc đối với các tài sả rủi ro cao.
Tuy nhiên, đà giảm đuộc hạn chế bởi nguồn cung trên thị trường thắt chặt và quyết định vào tuần trước của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC +, giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng từ mức thấp nhất 1 tuần do đồng USD hạ nhiệt khỏi mức cao trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ - một dữ liệu quan trọng, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.677,7 USD/ounce, sau khi tăng 1% lúc đầu phiên giao dịch; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,6% lên 1.686 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,3% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt trong phiên vừa qua, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn đối với khách mua hàng nước ngoài. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm cũng hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, "thị trường giao dịch trong không khí biến động rất mạnh ", vì thị trường vẫn đang rất chờ đợi xem dữ liệu lạm phát và biên bản của Fed diễn ra như thế nào trước khi diễn ra cuộc họp tiếp theo, Ryan McKay, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, cho biết.
Chỉ số lạm phát của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Năm (13/10) dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và củng cố lập trường tăng lãi suất tích cực của Fed. Lãi suất Mỹ tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không có lãi.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên vừa qua giảm 1,2% xuống 19,42 USD/ounce, bạch kim tăng 0,2% lên 900,35 USD và palladium giảm 1,1% xuống 2.148,08 USD.
Các nhà phân tích của Citi cho biết trong một lưu ý rằng họ tương đối lạc quan về triển vọng giá palladium, với lý do nhu cầu phục hồi do nguồn cung chip ô tô ngày càng tăng, chuỗi cung ứng ô tô được khôi phục và rủi ro nguồn cung của Nga gia tăng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm và một số kim loại cơ bản khác giảm, do gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và số ca nhiễm Covid-19 tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – tăng, sẽ hạn chế nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,9% xuống 2.240 USD/tấn, song giá đồng tăng 0,2% lên 7.593 USD/tấn.
Trái lại, giá đồng giảm lúc đầu phiên, nhưng tăng trở lại vào cuối phiên, tăng 0,2% lên 7.593 USD/tấn. Giá đồng đã giảm 31% kể từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn trong tháng 3/2022, do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm lạm phát và các hạn chế chống Covid-19 tại Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba cảnh báo rằng rủi ro liên quan đến ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên và nguy cơ suy thoái nghiêm trọng đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Cũng khiến thị trường giảm sút là tin tức rằng Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã tăng cường xét nghiệm Covid-19 khi tình trạng nhiễm khuẩn gia tăng, với việc một số chính quyền địa phương đóng cửa các trường học, địa điểm vui chơi giải trí và các điểm du lịch.
Về các kim loại cơ bản khác, giá kẽm trên sàn LME kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.936,50 USD/tấn và niken giảm 1,9% xuống 21.990 USD, nhưng chì tăng 1,2% lên 2.013 USD và thiếc tăng 0,9% lên 20.270 USD.
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm từ mức cao nhất 2 tháng, khi nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – tăng cường các hạn chế Covid-19, nhằm ngăn chặn làn sóng bùng phát mới trước thềm Đại hội Đảng quan trọng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,5% xuống 721 CNY (100,29 USD)/tấn, sau 5 phiên tăng liên tiếp; quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 2,6% xuống 94,45 USD/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc duy trì ổn định ở mức dưới 100 USD/tấn, sau khi giảm 21% trong quý 3/2022, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,4%, thép cuộn cán nóng giảm 2,8% và thép không gỉ giảm 1%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì trên sàn Chicago giảm, sau khi tăng lên mức cao nhất 3 tháng lúc đầu phiên giao dịch, do cuộc xung đột Nga – Ukraine gia tăng căng thẳng làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung ngũ cốc khu vực Biển Đen trong những tháng tới.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 37 US cent xuống 9,01 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 5-1/4 US cent xuống 6,93 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 2-1/4 US cent lên 13,76-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng, được thúc đẩy bởi sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9/2022 thấp hơn so với dự kiến
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,13 US cent tương đương 0,7% lên 18,74 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London tăng 2,6 USD tương đương 0,5% lên 558 USD/tấn.
Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9/2022 đạt 1,7 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với dự kiến.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE tăng 0,4 US cent tương đương 0,2% lên 2,1785 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 8 USD tương đương 0,4% lên 2.166 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp theo xu hướng giá cao su tại thị trường Thượng Hải giảm do dịch Covid-19 bùng phát mới tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – dấy lên mối lo ngại nhu cầu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Osaka giảm 4,5 JPY tương đương 1,9% xuống 230 JPY (1,58 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 370 CNY xuống 12.875 CNY (1.792 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 1,9% xuống 133,6 US cent/kg.
Những tháng qua, nhu cầu cao su tại Trung Quốc chậm lại khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và các hạn chế kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu thụ.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 9/2022 tăng 25,7%, song tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với 2 tháng trước đó, trong đó doanh số bán ô tô điện tăng trưởng nhanh hơn do sự khuyến khích của chính phủ.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa